Cây mọc tự nhiên và được trồng ở vùng núi cao, có khí hậu mát lạnh như Lào Cai, Cao Bằng. Ở một số nơi, người ta lấy hạt bạch đậu khấu làm gia vị. Bộ phận dùng làm thuốc duy nhất của bạch đậu khấu là quả, thu hái lúc quả đang xanh chuyển vàng nhạt, phơi khô, có khi còn xông diêm sinh. Khi dùng, bóc vỏ ngoài, lấy nhân.
Bạch đậu khấu. |
Thành phần chính của hạt bạch đậu khấu là tinh dầu 3-4% gồm cineol, terpineol, terpinyl-acetat, borneol.
Trong y học cổ truyền, bạch đậu khấu có vị cay, tính ấm, vào các kinh tỳ, vị, phế, có tác dụng hành khí, ấm dạ dày, trừ hàn, tiêu thực, chống nôn, giã rượu, chữa đau bụng, trướng đầy, đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, sốt rét. Ngày dùng 2-6g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Chú ý khi sắc thuốc gần xong, nước còn đang sôi mới cho bạch đậu khấu vào vì sắc lâu dược liệu sẽ giảm tác dụng. Nhân dân ở nhiều nơi có tập quán nhai và ngậm bạch đậu khấu để làm thơm hơi thở chữa chứng hôi miệng. Khi thấy lợm giọng, buồn nôn, nhấm ngay ít hạt bạch đậu khấu, nuốt nước cũng rất tốt. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác theo công thức sau:
Chữa sôi bụng, nôn mửa: bạch đậu khấu 5g, trầm hương 5g, tán nhỏ, rây bột mịn, chia làm 10 gói. Mỗi ngày, trẻ lớn uống 2 gói, trẻ nhỏ 1 gói. Cho thuốc vào nước sôi, khuấy đều, để lắng 5-10 phút, chắt nước uống. Hoặc bạch đậu khấu 3g, trúc nhự 9g, đại táo 3 quả, gừng tươi 3g. Giã nát gừng, ép lấy nước. Các dược liệu khác sắc với 200ml nước còn 50ml, uống với nước gừng.
Chữa trẻ em hay trớ sữa: bạch đậu khấu 14 nhân, sa nhân 14 nhân, sinh cam thảo 6g, chích cam thảo 6g. Tán thành bột mịn, sát vào miệng trẻ.
Chữa say rượu: bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. Sắc nước uống.
Theo tài liệu nước ngoài, hạt bạch đậu khấu được dùng làm chất phụ gia trong nhiều loại thuốc hỗn hợp chữa bệnh về gan hoặc tử cung. Rễ bạch đậu khấu có tác dụng nhuận tràng.
Hiện nay, nhiều loài khác trong cùng họ mang tên mè tré, sẹ, riềng ấm, ích trí nhân cũng được sử dụng như bạch đậu khấu. Cần chú ý để phân biệt.
|