Bác sỹ đa khoa (BSĐK) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên ở nước ta chưa có một khái niệm, định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ này. Quốc hội đã ban hành văn bản số 40/2009/QH12 về luật khám chữa bệnh, quy định quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khám bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Sau 5 năm thực hiện, Luật khám chữa bệnh đã giúp quản lý tốt hơn số lượng người hành nghề y cũng như chất lượng về hoạt động chuyên môn trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của ban soạn thảo, một số khó khăn vẫn còn hiện hữu: luật khám chữa bệnh và các thông tư chưa hướng dẫn cách ghi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề của bác sĩ; chưa hướng dẫn cách ghi khi người hành nghề có sự thay đổi phạm vi hành nghề.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, vẫn còn nhiều quy định chồng chéo nhau gây “khó” cho bác sĩ như mâu thuẫn giữa chứng chỉ hành nghề và năng lực chuyên môn của người hành nghề dẫn tới việc các bác sỹ công tác tại trạm y tế có bằng chuyên khoa nhưng lại không được làm các kỹ thuật, thủ thuật nằm ngoài phân tuyến kỹ thuật của tuyến xã, gây lãng phí khi các máy móc hiện đại không được sử dụng…
Vì vậy, Hội nghị nhằm lấy ý kiến của các bác sĩ đa khoa về việc đưa ra phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ đa khoa như một căn cứ chuẩn xác để người hành nghề thực hiện đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng quản lý khám chữa bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo
GS.TS. Ngô Quý Châu, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trưởng ban soạn thảo phát biểu về sự cần thiết của tài liệu hướng dẫn phạm vi hoạt động chuyên môn của Bác sĩ Đa khoa