Nhưng sáng nay, 25/3 khi người nhà gia đình Tiến lên thanh toán viện phí có đề nghị bệnh viện cho đi giám định sức khoẻ để xác định tổn thương để nếu gia đình người đâm không bồi thường thì gia đình bệnh nhân sẽ kiện ra toà án. Một lần nữa, BS. Nguyễn Công Hoà, người thay gia đình ký giấy và mổ cho Tiến lại đứng ra giải quyết mâu thuẫn trên. BS, Hoà cho biết, sau khi ra viện, gia đình Tiến có lên hỏi về việc giám định sức khoẻ để kiện kẻ đã đâm tiến, tôi đã khuyên gia đình Tiến nên gặp gỡ nói chuyện giải quyết trên tinh thần tình cảm, tôi là người ở giữa sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hoà giải cho cả hai bên. Bởi có thể chàng thanh niên - người đâm Tiến chỉ là trong phút nóng vội, nông nổi không làm chủ được mình của những thanh niên mới lớn nên mới xảy ra sự việc trên. Chúng tôi đã mất nhiều công sức để cứu được cháu mà bây giờ nếu gia đình kiện, cậu thanh niên kia rất có thể sẽ phải rơi vào vòng lao lý . Như vậy chúng tôi đi cứu một người mà có khi lại vô tình đẩy một người vào vòng lao lý, việc đó không vui vẻ gì".
Trước đó, để cứu được Tiến, các bác sĩ BVĐK tỉnh Thái Bình đã phải đưa ra những quyết định hết sức khó khăn đó là tự ký vào giấy cam kết mổ khi không có người nhà để cứu bệnh nhân trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, BS. Hà Quốc Phòng, Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết:"Khi nhận được thông tin anh em kíp trực thông báo về tình trạng cũng như hoàn cảnh của bệnh nhân, tôi đã quyết định phải cho mổ ngay và cũng nói với anh em, tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra, cứu người là trên hết, lúc này không có thời gian để so tính thiệt hơn, toàn bộ ban lãnh đạo BV vào cuộc và BS. Nguyễn Công Hóa, Phó giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp là người ký vào bản cam kết mổ và cũng là người phẫu thuật chính cho bệnh nhân. Trong cuộc đời làm bác sĩ và những năm làm lãnh đạo của mình tôi đã phải đưa ra rất nhiều quyết định khó khăn tương tự như thế này."
Khi phóng viên hỏi, việc quyết định ký cam kết và mổ cho bệnh nhân trong khi không có người nhà ở đó, bệnh nhân được cứu sống thì không sao, nhưng nếu bệnh nhân không may tử vong thì bác sĩ cũng khó tránh khỏi những phiền hà, liên lụy, bởi thực chất đây là ca bệnh rất nặng khi tĩnh mạch chủ là tĩnh mạch lớn nhất cơ thể bị xuyên thủng, bệnh nhân mất máu, trụy mạch, trong khi đó bệnh viện lại chưa có tiền lệ trong phẫu thuật tĩnh mạch chủ?..BS. Phòng và BS. Hóa cùng chia sẻ, tình trạng bệnh nhân như vậy, lúc đó không có thời gian để suy nghĩ xem có làm được hay không, chỉ nghĩ là “còn nước còn tát” còn cứu được bệnh nhân thì phải cố gắng hết sức để cứu. Và, may mắn bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần và được ra viện.
Kể lại những khoảng khắc đã qua, BS. Phòng cho biết, bệnh nhân được người đi đường chở đến khoa Cấp cứu với chiếc bát buộc úp vào vết thương ở bụng do bị dao đâm để giữ phần ruột non và phần mạc nối đã bị lòi ra ngoài. Do đã có kinh nghiệm cấp cứu trong các trường hợp chấn thương nặng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương tĩnh mạch chủ. Vì vậy, sau khi xin chỉ đạo của lãnh đạo BV, bệnh nhân được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên phòng mổ để mổ khẩn cấp. Tại phòng mổ, các bác sĩ đã hút ra 2.500ml máu loãng và nhiều máu cục ứ trong ổ bụng, tĩnh mạch chủ dưới và động mạch thắt lưng phải máu tuôn ra . Ngoài ra, do dao đâm xuyên thấu từ thành bụng cạnh rốn ra sau lưng, xuyên táo qua 3 quai ruột non, đứt khối cơ lưng, tĩnh mạch chủ dưới bị đâm xuyên thành, mỗi bên 3cm…Các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu lần lượt các vết thương tĩnh mạch, động mạch thắt lưng, khâu phục hồi quai ruột non…. Khi kiểm tra không còn tổn thương mới đóng vết mổ 30cm và đóng vết dao đâm cạnh rốn phải bệnh nhân dài 3cm. Sau hơn 3h đồng hồ kể từ lúc nhập viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công, trong đó xử lý cùng lúc nhiều tổn thương vùng bụng. Bệnh nhân được tiếp 1.500ml máu và 8 đơn vị huyết tương tươi. Sau khi bệnh nhân được mổ ổn định gia đình bệnh nhân mới biết tin và có mặt tại đó. Bác sĩ Nguyễn Công Hóa- người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, tĩnh mạch chủ là tĩnh mạch lớn nhất của cơ thể, khi bị xuyên thủng sẽ chảy máu ồ ạt gây mất máu, trụy mạch, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Trước đây, những trường hợp tương tự thường bị tử vong do không được xử lý kịp thời, nếu được chuyển đến bệnh viện cũng chỉ xử lý cầm máu và chuyển bệnh viện tuyến trung ương. Song gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử cán bộ đi học kỹ thuật mới để áp dụng. Đây là ca đầu tiên Bệnh viện thực hiện phẫu thuật bệnh nhân bị thủng tĩnh mạch chủ, bệnh nhân đã bị sốc và trụy mạch do máu trào nhiều qua vết thương…
Chia sẻ với chúng tôi, chị Viễn xúc động “gia đình rất cảm động trước tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ đã không ngại phiền hà, liên lụy trách nhiệm mà cứu sống con trai tôi, chúng tôi vô cùng cảm tạ…Đây là hành động dũng cảm và vô cùng cao đẹp của các thầy thuốc trong lòng nhân dân chúng tôi, các bác sĩ làm mà không cần biết người nhà phải cảm ơn mình, tôi chỉ được biết bác sĩ Hóa đã thay gia đình ký giấy cam kết và trực tiếp mổ cho cứu con tôi từ cõi chết trở về khi nghe được câu chuyện bác sĩ trao đổi với những người đi cùng".