Bác sĩ Sản khoa giải tỏa nỗi lo “cấy que tránh thai bị chui lên tim, phổi”

06-07-2018 07:49 | Đời sống

SKĐS - Gần đây trên một số trang mạng xã hội có chia sẻ thông tin về một phụ nữ ở Anh tên Deborah cấy que tránh thai để ngừa thai nhưng không ngờ chiếc que này đã “chạy” khắp nơi trên cơ thể và chui cả vào tim, phổi… Câu chuyện đã thu hút sự quan tâm của hầu hết của chị em phụ nữ, vì cấy que tránh thai được xem là phương pháp mới hữu ích nhưng nhiều chị em không khỏi băn khoăn lo lắng vì “nếu chẳng may" rơi vào mình. Tuy nhiên có thực sự quá lo ngại như vậy không?

Không nên vì ca bệnh hi hữu này mà bỏ qua phương pháp tránh thai hiệu quả gần 100%

Câu chuyện được Cô Deborah viết trên mạng xã hội:  “Tôi cấy que tránh thai từ năm 2015, sau đó nó đã “chạy” khắp cơ thể tôi, đi qua cả tim. Sau nhiều lần chụp X quang và siêu âm nhưng không thể xác định vị trí của nó, đến tháng 8/2017 các bác sĩ mới có thể phát hiện chiếc que tránh thai đang nằm tắc tại động mạch phổi bên phải của tôi thông qua chụp CT. Thật may là tôi chưa phải thực hiện phẫu thuật mở lồng ngực để lấy nó ra”.

Theo TS. Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Bộ môn Sản, Trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, đây là trường hợp hiếm gặp được được đăng trên tạp chí y khoa chính thống dưới dạng báo cáo ca (case report). Trường hợp này được một bác sĩ Pierre- Marie Heudes báo cáo trên Elsevier.

TS. Trung khẳng định, que tránh thai trong trường hợp trên không phải là loại đang được sử dụng ở Việt Nam. Mặc dù vậy  tai biến trên vẫn có thể xảy ra với bất kỳ loại que tránh thai nào. Tuy nhiên không phải vì trường hợp hết sức hi hữu hiếm gặp này mà từ bỏ phương pháp tránh thai vốn được xem là an toàn và hiệu quả tránh thai gần 100 %.

Bởi theo TS. Trung, đối tượng sử dụng que cấy tránh thai rất rộng. Các bà mẹ đang cho con bú, phụ nữ trên 40 tuổi, người có u xơ tử cung có thể sử dụng an toàn. Các bà mẹ sau sinh tốt nhất nên đợi sau thời kỳ hậu sản (6 tuần sau sinh) mới bắt đầu sử dụng que cấy này.

Các trường hợp có yếu tố nguy cơ cho tim mạch như hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường hay cả bệnh nhân cao huyết áp đều có thể dùng. Không phải uống thuốc mỗi ngày hay phải chuẩn bị trước mỗi lần quan hệ, que cấy tránh thai cũng không ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục.

Chiếc que tránh thai được lấy ra từ trong phổi của cô Deborah được chia sẻ trên mạng xã hội

TS. Trung cũng cho biết thêm, đây là một trường hợp cực hiếm gặp. Người phụ nữ này 18 tuổi, được cấy que tránh thai ở mặt trong cánh tay trái. Ngay sau thủ thuật vùng cáy que tránh thai có một khối máu tụ khá lớn.

Theo thời gian, khối máu tụ này tự hết và không gây triệu chứng gì khó chịu. 5 tháng sau khi cấy, cô gái này đi tháo que vì cảm thấy vùng cấy que vẫn còn hơi đau nhẹ. Nhưng các bác sĩ không tìm thấy que qua siêu âm dù xét nghiệm nội tiết cho thấy que tránh thai vẫn còn trong người cô gái.

Các bác sĩ đã thực hiện thêm các xét nhiệm cận lâm sàng khác nhưng vẫn không tìm thấy que đâu. Sau đó, cô được chỉ định chụp X quang ngực thì phát hiện que cấy tránh thai nằm trong lồng ngực. Chụp cắt lớp CT scan lồng ngực sau đó phát hiện vị trí của que tránh thai đi lạc chỗ nằm trong động mạch phổi.

Bình thường, máu từ các tĩnh mạch ở khắp thân thể sẽ chảy về tim và sau đó được tim bơm máu lên phổi qua các động mạch phổi. Các tác giả cho rằng que tránh thai có thể theo tĩnh mạch ở vùng cánh tay và theo dòng chảy của máu dần dần được vận chuyển về tim người phụ nữ (tâm nhĩ và tâm thất bên phải). Tại đây, tim co bóp để đẩy máu lên động mạch phổi đồng thời đẩy luôn cái que tránh thai lên động mạch phổi và cái que này bị kẹt lại ở đây. Do lòng ống động mạch phổi hình ống với đường kính lớn và que tránh thai không thể bít hết lòng ống động mạch phổi nên máu từ tim (tâm thất bên phải) vẫn lên được phổi (qua động mạch phổi) để thực hiện quá trình hô hấp trao đổi khí và bệnh nhân không có triệu chứng gì cả.

Cấy que tránh thai  gây vô kinh – không quá lo lắng

TS.Trung cho biết que cấy tránh thai có hình ảnh như là một que tăm chứa hormone progestin. Que này được cấy vào dưới da vùng cánh tay bằng một dụng cụ chuyên biệt đi kèm. Sau khi được đưa vào cùng dưới da cánh tay, que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hormone vào cơ thể tạo ra tác dụng ngừa thai kéo dài có thể lên đến 3 năm (tùy loại). Hormone sử dụng trong que cấy tránh thai đang sử dụng trên thị trường Việt nam là Etonogestrel.

Giải toả băn khoăn của nhiều chị em về việc cấy que tránh thai gây vô kinh. Tiến sĩ Trung khẳng định việc không ra kinh nguyệt hàng tháng của một phụ nữ khi cấy que tránh thai là chuyện hết sức bình thường và không cần lo lắng gì. Kinh nguyệt bình thường là do sự bong tróc lớp lót trong lòng tử cung. Những người sử dụng cấy que tránh thai thì lớp lót trong lòng tử cung không bị bong tróc ra, người phụ nữ sẽ không thấy có kinh trong vài tháng đôi khi là điều tốt cho sức khỏe của họ. Họ sẽ không bị mất máu theo chu kỳ hàng tháng và họ hoàn toàn không bị “ứ máu kinh” gì cả.

TS. Trung cũng  thông tin thêm, cấy que tránh thai có thể tạo ra một số sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Trong vài tháng đầu triệu chứng có thể xảy ra là ra kinh ít hơn, ngắn hơn hay ngược lại có thể rong kinh kéo dài.  Sau 1 năm thì que cấy tránh thai thường hay gây vô kinh.

Các triệu chứng khác ít gặp hơn như đau đầu, chóng mặt, căng ngực, buồn nôn … Các triệu chứng này thường thoáng qua hay giảm đi theo thời gian.

Thủ thuật cấy que tránh thai cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế và được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được huấn luyện về cách đặt và rút que cấy.

Khi cấy que tránh thai, người phụ nữ nên theo dõi vị trí que cấy. Việc này có thể thực hiện qua tự sờ nắn que cấy. Nếu que chạy lệch, nằm sâu hơn cần tới cơ sở y tế để được tư vấn.


H.Nguyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn