Giải thưởng này nhằm tôn vinh những bác sĩ và trung tâm phẫu thuật xuất sắc nhất trong việc sử dụng và phát triển công nghệ Phakic ICL (Implantable Collamer Lens) trên toàn thế giới.
Phakic ICL là một trong những giải pháp phẫu thuật hiệu quả cho bệnh nhân cận loạn thị nặng và giác mạc mỏng với cơ chế sử dụng thấu kính nội nhãn được cá thể hóa theo từng thông số mắt của bệnh nhân, đặt vào vị trí sau mống mắt, trước thủy tinh thể để điều chỉnh độ khúc xạ.
Đây cũng là phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ rất phổ biến và được ưa chuộng tại các nước phát triển như: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Phakic ICL đã có mặt ở Việt Nam từ cách đây hơn 10 năm. Với ưu điểm phổ điều trị rộng (ngưỡng điều trị tới 18 diop cận thị hoặc 10 diop viễn thị, đi kèm 6 diop loạn thị); bảo toàn cấu trúc giác mạc; không bào mòn giác mạc, phakic ICL điều trị được cho mắt có độ cận thị, viễn thị cao, đi kèm loạn thị. Đồng thời, phẫu thuật này cũng đặc biệt phù hợp với bệnh nhân có giác mạc mỏng không thể điều trị bằng các phẫu thuật sử dụng tia laser.
Thấu kính được sử dụng trong phẫu thuật phakic ICL được làm từ vật liệu collamer đặc biệt, có đặc tính tương thích sinh học cao, phù hợp với cơ thể người và có "tuổi thọ" lâu dài trong mắt; Cùng đó thấu kính sử dụng trong mổ Phakic được sản xuất riêng theo thông số của từng mắt, bảo đảm tính chính xác và hiệu quả cao trong điều trị…
Nhờ những tính năng vượt trội, phương pháp này đang trở thành một lựa chọn phổ biến cho những ai muốn điều chỉnh tật khúc xạ mà không cần can thiệp vào cấu trúc tự nhiên của mắt. Ngoài ra, phakic ICL giúp hạn chế tối đa các hiện tượng khó chịu ở mắt sau phẫu thuật như cộm, khô hay chói sáng.
Một trong những bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phẫu thuật Phakic ICL cho bệnh nhân cận thị là BSCK II Bùi Tiến Hùng. Đến nay, BSCK II Bùi Tiến Hùng đã thực hiện được hơn 5.000 ca phẫu thuật Phakic ICL thành công.
Mặc dù đây là kỹ thuật tiên tiến nhưng việc chỉ định kỹ thuật này cần phù hợp với tình trạng mắt của mỗi cá nhân.
Với lịch sử trên 30 năm, 3 triệu ca phẫu thuật phakic ICL đã được thực hiện tại các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh nhân đầu tiên điều trị tật khúc xạ bằng phakic ICL đã 13 năm, hiện vẫn ổn định.
Chia sẻ về chăm sóc mắt trong cộng đồng, BSCK Bùi Tiến Hùng cho biết, để bảo vệ mắt, tránh bị các tật khúc xạ, đặc biệt giảm nguy cơ bị cận thị, ngay từ nhỏ, mắt nên được "hoạt động" tại những nơi có ánh sáng tự nhiên.
Trẻ nhỏ nên vận động ngoài trời 2 tiếng/ngày, tỷ lệ cận thị rất thấp. Điều đó cũng lý giải vì sao trẻ em nông thôn bị cận thị ít hơn nhiều so với trẻ thành phố... Nếu bị cận thị, trẻ cần được chẩn đoán chắc chắn và nên đeo kính đúng độ cận.
"Mới đây, khi khám mắt từ thiện cho trẻ em miền núi, là các học sinh 8 - 15 tuổi, trong số 250 học sinh của trường, chỉ có 8 em bị cận thị, là tỷ lệ rất thấp. Nhưng ở thành phố, có trường học có khi 100 em thì gần 60 em cận thị, cần đeo kính"- chuyên gia này thông tin thêm.
Để phòng tránh những thói quen gây hại cho mắt, bác sĩ Hùng cũng lưu ý, không nằm đọc sách. Nằm đọc sách rất hại cho mắt. Khi nhìn gần mắt phải điều tiết, hoạt động nhiều. Còn khi nằm, là toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi. Khi thư giãn những vẫn "bắt" mắt phải điều tiết là hai tình trạng đối lập nhau, do đó điều này không tốt cho mắt, bởi vậy, không nên đọc sách khi nằm.