Bác sĩ người Tày và khát vọng đưa kỹ thuật cao về với người dân miền núi

16-12-2019 06:12 | Y tế
google news

SKĐS - "Xin chào anh, tôi là phóng viên theo dõi về mảng y tế, tôi được biết bệnh viện của anh đã triển khai được rất nhiều kỹ thuật tiên tiến phục vụ bà con dân tộc. Tôi có thể xin được phỏng vấn anh để viết bài được không?”

Đầu dây bên kia thoáng chút lo ngại, rồi trả lời một cách dè chừng: Cảm ơn chị, chị có thể lên web của bệnh viện để lấy thông tin tham khảo, viết bài, mọi thứ chúng tôi đều đưa lên đó cả rồi.

Tôi không ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời ấy, bởi có khá nhiều giám đốc bệnh viện “ngại” tiếp xúc với báo chí.

Câu chuyện kể trên của tôi với bác sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, Sơn La cách đây đã 4 năm, cũng từ đó tôi có dịp được theo dõi sự lớn mạnh không ngừng của bệnh viện này trong việc đưa những kỹ thuật cao về với người dân và người tiên phong trong những thành công đó chính là Giám đốc Vi Hồng Kỳ.

Táo bạo đưa kỹ thuật thụ tinh nhân tạo IUI về triển khai tại bệnh viện

Vợ chồng chị L.T.T ở Nà Sang, Mộc Châu là cặp vợ chồng được chính các bác sĩ BVĐK Mộc Châu thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo thành công vào tháng 12/2015 và đến tháng 9/2016 anh chị sinh một cặp song sinh bé gái, các cháu đã được 3 tuổi. Cho đến bây giờ chị T cũng không thể ngờ rằng ở ngay tại huyện mình ở cũng có phương pháp mà vợ chồng chị đã phải vất vả lặn lội tuyến trên mấy năm trời. Kể lại hành trình đi tìm con của mình, chị T tâm sự: Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 2012 nhưng hiếm muộn. Để chữa vô sinh, tháng nào vợ chồng chị cũng dắt nhau xuống Hà Nội khám và chữa trị. Vợ chồng chị cũng đã được thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI ở một BV lớn dưới Hà Nội 3 lần nhưng đều không có kết quả. Đi lại ăn chực nằm chờ, tốn kém tiền bạc thời gian, công sức mấy năm ròng nhưng vẫn không có kết quả. Vợ chồng chị T đã nản và gần như chấp nhận đầu hàng. Tuy nhiên, khi về huyện nghe thấy bà con xung quanh nói, ở BV huyện đã thực hiện thành công 2 ca thụ tinh nhân tạo và sắp đón các em bé chào đời. Lúc này, vợ chồng chị T cũng chưa tin lắm. “Nhưng nghĩ gần nhà đi lại tiện lợi mà đỡ mất tiền của, thời gian hơn nên cứ thử vận may xem sao. Và rồi, niềm hạnh phúc đã đến, em đậu thai ngay lần đầu tiên. Sau 9 tháng 10 ngày, được sự theo dõi sát sao của các bác sĩ, hai bé gái chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ngay tại chính BV tuyến huyện. Vợ chồng em không ngờ, vui mừng không hết. Để nhớ các bác sĩ đã “làm” ra con cô con gái đều được đặt theo tên của các bác sĩ”.

BSCKII. Vi Hồng Kỳ đang khám cho bệnh nhi bị viêm tủy cắt ngang đang điều trị tại BVĐK Mộc Châu.

BSCKII. Vi Hồng Kỳ đang khám cho bệnh nhi bị viêm tủy cắt ngang đang điều trị tại BVĐK Mộc Châu.

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo IUI vốn trước nay được làm ở các BV từ tuyến tỉnh trở lên, ở bệnh viện tuyến huyện lại là huyện miền núi có lẽ các bác sĩ cũng chưa bao giờ “dám mơ” mình lại có thể thực hiện được. Thế nhưng, mọi thứ đã khởi đầu tuy có gian nan nhưng lại mang quả ngọt ngào.

Lý giải về quyết định táo bạo này, BS. Vi Hồng Kỳ cho biết. Nhu cầu điều trị vô sinh của người dân trên địa bàn là khá cao. Mặt khác, Mộc Châu lại là một trong những huyện miền núi đông đồng bào dân tộc sinh sống, do điều kiện kinh tế khó khăn nên hầu hết chị em phụ nữ không có điều kiện lên tuyến trên để điều trị vô sinh. Vì vậy, năm 2015 sau khi mới “chân ướt chân ráo” về làm Giám đốc BV, BS. Kỳ đã cùng với ban cán sự Đảng, lãnh đạo bệnh viện quyết định lựa chọn sản phụ khoa là một trong những chuyên ngành mũi nhọn, tạo điểm nhấn trong kế hoạch phát triển của BV giai đoạn 2015-2020. Để thực hiện được điều này, Ban lãnh đạo BVĐK Mộc Châu đã cử 1 kíp gồm: bác sĩ, hộ sinh, kỹ thuật viên đi đào tạo về kỹ thuật IUI gửi về BV Phụ sản Trung ương học tập. Được sự hỗ trợ và giúp đỡ của các thầy tuyến trên, sau khi đi học về kíp bác sĩ này đã thực hiện thành công nhiều ca thụ tinh nhân tạo IUI và gia đình chị T ở Nà Sang nói trên là một trong những trường hợp điển hình.

BS. Nguyễn Thủy Hà, Phó trưởng khoa Sản, BVĐK huyện Mộc Châu - một trong những bác sĩ chính “cầm trịch” kỹ thuật này chia sẻ, sau khi được đi đào tạo ở tuyến trên, chị cùng ekip đã thực hiện ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên vào tháng 9/2015. “Khi được đi học về kỹ thuật này, tôi vẫn nghĩ đó là điều thật xa vời. Tôi nghĩ không thể thực hiện được ở BVĐK huyện. Nhưng rồi với trọng trách Ban giám đốc giao, cùng sự hỗ trợ, chỉ dẫn của các bác sĩ đầu ngành tuyến trên, chúng tôi mạnh dạn thực hiện. Ước mơ giờ đã thành hiện thực”, BS. Hà tâm sự.

BS. Kỳ chia sẻ thêm, lúc đầu có chủ trương anh em bác sĩ cũng lo lắng không biết đi học về có làm được không, tôi vừa động viên và cũng vừa như mệnh lệnh để các đồng nghiệp của mình vững tinh thần. Cũng theo BS. Kỳ, để thực hiện kỹ thuật này ngoài nhân tố con người thì một điều cũng làm anh đau đầu đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ở một bệnh viện miền núi, việc đầu tư cơ sở vật chất với những máy móc hiện đại rất khó khăn. Cũng vì thế, các đồng nghiệp của tôi đã vừa làm, vừa sáng tạo các thiết bị phù hợp với nguồn kinh phí còn thiếu thốn của một bệnh viện tuyến huyện. Các thiết bị như tủ sinh học hay bàn ấm... vốn có giá trị từ 100-600 triệu đồng nhưng đã được thực hiện tại đây chỉ với giá thành hơn chục triệu đồng. Dù trong điều kiện còn khó khăn, nhưng mỗi ca hỗ trợ sinh sản thành công lại thêm một động lực giúp các bác sĩ nỗ lực “update” kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh vùng núi.

“Để có thành công như vậy, tôi phải cảm ơn các đồng nghiệp của tôi rất nhiều”. BS. Kỳ chia sẻ.

Đau đáu nỗi niềm vì những bệnh nhân chấn thương không có tiền điều trị, sống cam chịu với nỗi đau

23 năm sống và công tác ở vùng miền núi, BS. Kỳ dường như cũng thấu hiểu nhiều hơn những khó khăn vất vả mà bệnh nhân miền núi phải trải qua. Anh không thể nhớ đã chứng kiến bao người bệnh với những chấn thương khớp háng, khớp gối xin bệnh viện cho về và cam chịu sống chung với đau đớn, thậm chí nằm liệt vì không có điều kiện xuống Hà Nội chữa trị. Rồi cũng có những ca bệnh nặng do tai nạn giao thông chấn thương sọ não được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng với trình độ ở tuyến huyện các bác sĩ cũng chỉ thực hiện sơ cứu, đảm bảo dấu hiệu sinh tồn rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội. Vì thế, nhiều ca bệnh đã qua giờ vàng cấp cứu nên dù bệnh nhân có giữ được mạng sống nhưng vẫn để lại những di chứng nặng nề.

Những hình ảnh buồn đó cứ ám ảnh anh, và câu hỏi luôn đau đáu trong đầu anh, sẽ phải có cách nào đó để người dân bớt khổ, để người dân có thể được chữa bệnh với kỹ thuật cao ngay tại quê nhà. Và rồi, khi có điều kiện, anh và các thầy thuốc nơi đây quyết định cùng nhau thực hiện một cuộc “thay áo cho bệnh viện” trong lĩnh vực ngoại chấn thương chỉnh hình.

Năm 2015, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia BV Việt Đức, Bệnh viện huyện Mộc Châu đã trở thành đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh Sơn La thực hiện những kỹ thuật mang thương hiệu tuyến trung ương. Đến nay, kỹ thuật này đã trở thành phẫu thuật thường quy của bệnh viện.  Không chỉ ở lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, các bác sĩ ở bệnh viện trên cao nguyên này cũng làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nối mạch máu thần kinh - một trong những phẫu thuật tinh tế nhất trong phẫu thuật ngoại khoa.

Trong chuyến công tác của mình, tôi may mắn được gặp vợ chồng chị L.T.Th ở Lóong Sập, Mộc Châu và khi tiếp xúc với họ tôi mới thấy việc đưa kỹ thuật tiên tiến ở tuyến trung ương về tuyến dưới có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với bà con vùng dân tộc.

Chị Th cho biết, chồng chị bị đau chỗ xương háng, cứ nghĩ do trái gió trở giời nên không đi khám. Đến khi đau quá không đi được gia đình cho anh lên xe ba gác kéo  bằng xe máy đến bệnh viện. Nhà cách trung tâm huyện hơn 30km, nhưng từ nhà ra đường to phải mất vài km đường khó đi. Khi lên đến Bệnh viện Mộc Châu, các bác sĩ nói chồng chị bị thoái hóa khớp háng, anh phải thực hiện phẫu thuật thay khớp háng toàn phần. Và để thực hiện tốt nhất cần phải đưa anh xuống Hà Nội. “Nhà tôi ở trong bản, hai vợ chồng làm nông chỉ đủ ăn, giờ xuống mãi Hà Nội tôi chưa bao giờ biết ở đâu, tiền ăn chả đủ lấy đâu tiền chữa bệnh. Tôi đã xin bác sĩ cho chồng quay lại về nhà. Thôi què quặt cũng được, làm gì có tiền mà đi chữa”, chị Th nói.

Chị kể tiếp: “Một tuần sau bác sĩ An ở BV gọi điện cho tôi nói có đoàn bác sĩ ở BV Việt Đức về hỗ trợ bệnh viện phẫu thuật và chồng tôi được phẫu thuật miễn phí. Nghe vậy, tôi mừng quá lại cho chồng vào xe ba gác chở lên viện”. May mắn là có bác sĩ quan tâm nên giờ chồng tôi đã đi lại được, sống khỏe mạnh hơn.

Kể từ những ca phẫu thuật khớp háng, khớp gối thành công tại BVĐK Mộc Châu, nhiều bệnh nhân ở huyện lân cận như Yên Châu, Vân Hồ bị mắc các bệnh lý về khớp háng, khớp gối đã tìm đến đây để được bác sĩ phẫu thuật mà không phải lên tuyến trên.

Trường hợp của ông C.V.C - dân tộc Thái ở huyện Yên Châu là một ví dụ, ông C có chỉ định phải thay khớp háng bán phần, khi khám ở BV huyện ông được cho chuyển tuyến trên, nhưng từ nhà lên tỉnh cũng ngót 100km mà xuống Hà Nội cũng 200km, trong khi từ nhà ra BV Mộc Châu có 40km mà bác sĩ BV này đã thực hiện phẫu thuật này thành thạo, ông C quyết định ra BV Mộc Châu để phẫu thuật. Ông C tâm sự: “May quá, không phải đi xa, đỡ tốn kém, tôi nghe nói ở BV này thực hiện phẫu thuật loại bệnh như của tôi mà bảo hiểm y tế cũng hưởng như vậy, nên tôi xuống thôi”.

Có một điều lạ ở BV Mộc Châu đó là bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong tại đây bác sĩ sẽ xin số điện thoại và gần đến ngày tái khám bác sĩ sẽ gọi điện thông báo để bệnh nhân đến tái khám.

Lý giải về điều này, BS. Vũ Giang An, Phó Giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình chia sẻ, bệnh nhân ở đây hầu hết là bệnh nhân nghèo và ở các bản xa xôi, đời sống kinh tế khó khăn, khi nào đau không chịu được họ mới đến viện, cho nên hầu hết họ quên không nhớ lịch khám lại, thậm chí có nhớ cũng nghĩ đơn giản không cần phải khám lại. Trong khi những bệnh nhân này hầu hết lại được yêu cầu tái khám nhiều lần vì thế các bác sĩ đã phải lưu số điện thoại hẹn ngày nhắc và thường xuyên gọi điện cho bệnh nhân đến viện khám lại.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2016 BV Mộc Châu cũng là BV tuyến huyện đầu tiên của tỉnh Sơn La thực hiện phẫu thuật sọ não cấp cứu thành công cho nhiều trường hợp tai nạn chấn thương sọ não. Theo BS. Kỳ, xuất phát từ thực tế, Mộc Châu nằm trên đường quốc lộ đi Điện Biên, Sơn La, lại là khu du lịch đang thu hút nhiều khách tham quan, có cửa khẩu Lóong Sập giao thương với nước bạn Lào, nên lưu lượng giao thông tham gia khá cao. Trên địa bàn thường xuyên có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có những ca chấn thương sọ não. Với bệnh nhân chấn thương sọ não, nếu không đảm bảo giờ vàng thì tiên lượng và chất lượng sống của bệnh nhân sẽ rất dè dặt. Vì thế, BS. Kỳ đã quyết định gửi quân đi đào tạo để về thực hiện những ca bệnh có chấn thương sọ não. Vì thế, có nhiều bệnh nhân được cứu sống kịp thời sống khỏe mạnh mà không để lại di chứng nặng nề và thần kinh.

Ngoài ra,  kỹ thuật tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser, tán sỏi thận qua da, điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết, kỹ thuật bơm surfactant điều trị trẻ sinh non... cũng được các bác sĩ BV Mộc Châu thực hiện thường quy góp phần cứu sống nhiều ca bệnh, giảm tải bệnh viện tuyến trên tiết kiệm chi phí cho người dân.

Không những đưa kỹ thuật cao về tuyến với bà con, BS.Vi Hồng Kỳ còn xây dựng một môi trường bệnh viện thân thiện. Đều đặn 2 lần/tuần, Nồi cháo tình thương của bệnh viện hoạt động phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Cùng với đó, bệnh viện cũng thành lập Tủ quần áo miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo và đặc biệt BV Mộc Châu có riêng một thư viện nhỏ cho bệnh nhân và người nhà đọc sách, báo trong những ngày nằm viện.

Lời kết

Có lẽ với vài nghìn chữ trong bài này, tôi không thể nói hết được những nỗ lực của BS.Vi Hồng Kỳ nói riêng và các bác sĩ ở BV trên cao nguyên này trong việc đưa kỹ thuật cao về phục vụ bà con dân tộc.  Nhưng, tôi khá ấn tượng với câu nói của BS. Kỳ khi biết tôi có ý định viết chân dung về anh - Tất cả những điều bệnh viện có được như ngày nay đều là công lao của tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện. Nên, nếu cô viết cô hãy viết cả một tập thể được không? Tôi biết, thành công chung là nỗ lực của tập thể nhưng nếu không có người lãnh đạo với đam mê, với khát khao dám nghĩ dám làm đương đầu với khó khăn sẽ rất khó để có những “quả ngọt” như vậy!

 

Bác sĩ Vi Hồng Kỳ là người dân tộc Tày, quê gốc ở Lạng Sơn nhưng sinh ra và lớn lên tại huyện Mộc Châu, Sơn La. Anh tốt nghiệp đại học năm 1994. Từ năm 1995 - 2006 anh công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, với vị trí bác sĩ điều trị tại Khoa Ngoại-Sản. Tháng 6/2013 được bổ nhiệm Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Sơn La. Từ tháng 01/2015 đến nay là Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu.

 


Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn