Nghiệp đoàn của bác sĩ sẽ dùng những quy định trong Nghĩa vụ luận y khoa (medical deontology) để điều chỉnh các mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, thầy thuốc – thầy thuốc nhằm tối ưu hóa công tác chữa trị bệnh nhân, thông qua đó, bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân và cả thầy thuốc. "Bác sĩ đoàn" còn có nhiệm vụ giám sát việc đào tạo y khoa liên tục của các bác sĩ.
“Buôn có bạn, bán có phường” trong kinh doanh quả không sai. Điều đó cũng đúng trong những nghề nghiệp đặc biệt như nghề luật và nghề y. Các hội nghề nghiệp hay các nghiệp đoàn có tác dụng quản lý, điều chỉnh, bênh vực các thành viên trong cộng đồng nghề nghiệp của mình. Nó làm cho các thành viên an tâm thực hành nghề nghiệp, quyền lợi được đảm bảo. Hay nói cách khác, các hội này giúp ngành nghề của mình hoạt động một cách trơn tru, giúp ích cho xã hội và giúp ích cho Nhà nước trong công tác quản lý.
![]() |
Trước tình hình cấp bách hiện nay, trong ngành y cần một tổ chức như thế.
Nghiệp đoàn của bác sĩ sẽ dùng những quy định trong Nghĩa vụ luận y khoa (medical deontology) để điều chỉnh các mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, thầy thuốc - thầy thuốc. Mục đích là để tối ưu hóa công tác chữa trị bệnh nhân. Thông qua những cơ chế này gián tiếp có tác dụng bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân hay trực tiếp bảo vệ quyền lợi của các thầy thuốc - những thành viên của nghiệp đoàn.
Những quy định trong Nghĩa vụ luận y khoa, nghĩa vụ luật sẽ thay cho những điều “y đức” mà chúng ta đang sử dụng. Việc học 12 điều y đức giống như dùng đức trị, giảng dạy một tấm gương người tốt để noi theo sẽ không hiệu quả bằng pháp trị, bằng những quy định tương đương như luật. Làm sao có thể lấy 12 điều y đức để phân xử trong tòa án, nó chỉ có tính nhắc nhở mà không ràng buộc cụ thể. Trái lại, nghiệp đoàn với những quy định cụ thể được ghi trong Nghĩa vụ luận sẽ có tiếng nói ý kiến từng trường hợp cụ thể những thành viên nào vi phạm điều gì và điều gì rất minh bạch. Và vi phạm như vậy thì sẽ bị trừng phạt bằng biện pháp nào. Những kết luận của nghiệp đoàn sẽ có giá trị trước tòa án khi có tranh chấp thưa kiện.
Hội sẽ quyết định, cấp phép bác sĩ nào có đủ phẩm chất để hành nghề y dược tư nhân. Điều này sẽ tốt hơn nhiều so với việc cấp giấy phép hành nghề như hiện nay của Sở Y tế mang tính chất hành chính là chủ yếu. Thay vào đó, quyết định của hội nghề sẽ mang tính chất chuyên môn cao hơn và có chiều sâu hơn, sau đó hội nghề sẽ có giám sát liên tục thành viên đó hay các thành viên giám sát lẫn nhau.
Nghiệp đoàn như thế sẽ làm một phần công việc, giúp ích hay hợp tác với các cơ quan quản lý về y tế như Sở, Bộ Y tế mà cùng nhau làm tốt công tác quản lý hơn.
Và nếu có thành lập “bác sĩ đoàn” thì phải làm việc cho thật sự, cho “ra ngô ra khoai” chứ không nên “đánh trống bỏ dùi”. Trước tình hình phải làm cái gì đó để vực dậy ngành y tế là điều những người có thẩm quyền phải suy nghĩ, suy nghĩ thật sự và phải có quyết tâm làm cái gì tốt cho cộng đồng.
BS. Phan Văn Hoàng
Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!