Bác sĩ chia sẻ vai trò của tế bào gốc trong điều trị

03-06-2024 17:33 | Y học 360

"Việc ứng dụng đúng bệnh, đúng cơ chế, đúng giai đoạn bệnh thì liệu pháp tế bào gốc mới phát huy hiệu quả…", TS.BS Lê Thị Bích Phượng (Phó Chủ tịch Hội tế bào gốc TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh) cho biết.

Ngày nay, việc ứng dụng tế bào gốc đã trở thành xu thế phát triển của nền y học thế giới, mang lại cơ hội điều trị các bệnh lý phức tạp và khả năng phục hồi cao cho bệnh nhân.

Dựa trên hiệu quả này, mạng xã hội cũng bắt đầu xuất hiện vô vàn thông tin về việc tế bào gốc "như thần dược điều trị bách bệnh". Đặc biệt, không chỉ bệnh nhân mà người dân cũng dễ dàng mua, sử dụng tế bào gốc trong làm đẹp, điều trị… một cách dễ dàng. Chính điều đó đã gây ra sự lo ngại, băn khoăn về hiệu quả thực sự của nó.

Bác sĩ chia sẻ vai trò của tế bào gốc trong điều trị- Ảnh 1.

Liệu pháp tế bào gốc đang được ứng dụng rộng rãi trong y học.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, TS.BS Lê Thị Bích Phượng (Phó Chủ tịch Hội tế bào gốc TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh), khẳng định thông tin "tế bào gốc chữa bách bệnh" lan truyền trên mạng xã hội là không đúng, và liệu pháp này đang bị thổi phồng quá mức.

Theo đó, tế bào gốc có hiệu quả trong điều trị nhờ tính năng đặc biệt là biệt hóa, điều hòa miễn dịch, cung cấp thông tin cho tế bào khác trong cơ thể và nhiều tính chất khác. Tuy nhiên, phải ứng dụng đúng bệnh, đúng cơ chế, đúng giai đoạn bệnh, tế bào gốc mới phát huy được hiệu quả.

"Ngược lại trong 1 số trường hợp, tế bào gốc được chống chỉ định sử dụng như bệnh nhân nhiễm trùng lao chưa kiểm soát, bệnh nhân ung thư đang tiến triển hoặc nghi ngờ ung thư, bệnh nhân đang dùng 1 số loại thuốc ức chế miễn dịch, người mẹ đang mang thai… Do đó, việc điều trị bằng tế bào gốc cần đến các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao", TS.BS Lê Thị Bích Phượng chia sẻ.

Bác sĩ chia sẻ vai trò của tế bào gốc trong điều trị- Ảnh 2.

Bác sĩ Phượng khuyến cáo liệu pháp tế bào gốc không phải 'thuốc tiên' để chữa được bách bệnh.

Hiện nay, tế bào gốc được ứng dụng thành công nhất là tế bào gốc tạo máu trong điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ tạo máu. Tiếp theo là tế bào gốc ứng dụng trong bệnh lý cơ xương khớp, 1 số bệnh lý miễn dịch như GvHD, SLE. Ngoài ra còn các bệnh lý về tim mạch, gan, thận, dịch vụ thẩm mỹ…

Về mặt tích cực của liệu pháp tế bào gốc so với các phương pháp điều trị khác, TS.BS Lê Thị Bích Phượng chia sẻ, tế bào gốc lúc đầu được xem như là 1 liệu pháp " rescue therapy", tức là liệu pháp cứu chữa cho những người bệnh giai đoạn cuối mà các liệu pháp khác không còn tác dụng, hoặc người bệnh không đủ điều kiện tham gia các liệu pháp khác.

Ngoài ra, liệu pháp tế bào gốc được nghiên cứu như một liệu pháp hỗ trợ và bảo tồn cơ quan và là một liệu pháp ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả nếu được sử dụng đúng chỉ định, đừng lạm dụng.

Bác sĩ chia sẻ vai trò của tế bào gốc trong điều trị- Ảnh 3.

TS.BS Phượng chia sẻ nhiều trường hợp cần chống chỉ định sử dụng liệu pháp tế bào gốc.

Là bác sĩ giàu kinh nghiệm, ứng dụng thành công các liệu pháp tế bào gốc cho nhiều bệnh nhân có bệnh lý phức tạp, TS.BS Lê Thị Bích Phượng mong muốn sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp nhất cho bệnh nhân và người nhà.

"Nhiệm vụ của ngành y là cứu người, giúp đỡ người bệnh, vì vậy tôi luôn sử dụng điều này làm tôn chỉ hành nghề cho bản thân. Tôi mong trong thời gian sắp tới, lĩnh vực tế bào gốc ngày càng được ứng rộng rãi, mang hiệu quả cao trong điều trị bệnh cho các bệnh nhân", TS.BS Lê Thị Bích Phượng chia sẻ thêm.

PV


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn