Bác Hồ với các bậc tiền nhân

01-09-2009 07:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thật lạ, con người ta khi đã ở tuổi "tri thiên mệnh", các cụ thường thanh thản chuẩn bị cho cuộc đi xa. Phần nhiều lặng lẽ, giấu con cháu.

Thật lạ, con người ta khi đã ở tuổi "tri thiên mệnh", các cụ thường thanh thản chuẩn bị cho cuộc đi xa. Phần nhiều lặng lẽ, giấu con cháu. Đặc biệt với Bác Hồ, một cốt cách điển hình Á Đông. Người có hai cuộc "về thăm" thiên thu định mệnh" liên quan đến tác phẩm di chúc bất hủ của Người.

Chúng tôi cứ nghĩ, đời mình thật may mắn, vinh dự được đứng trong đội ngũ Thanh niên xung phong tổ chức do Bác Hồ chủ trương thành lập, được làm quân của vị "Tiểu đồng" Vũ Kỳ do Người đặc cử làm Đoàn trưởng. Hẳn vì thế, được 5 năm tròn 2000 - 2005, cứ chiều thứ năm hằng tuần sang nhà ông ở khu Hoàng Cầu giúp ông tập luyện tự chữa bệnh, cho tới ngày 16/4, cái ngày ông cũng đã "chuẩn bị", đôi khi nói vui: "Mình sắp được về với Bác Hồ...".

Nghe kể về hai chuyến đi của Bác, bao giờ người nghe cũng thấy ông trầm ngâm suy nghĩ và khẳng định: Mai đây các nhà nghiên cứu sẽ còn phải tốn nhiều thời gian, giấy mực cho hai lần đi, ông luôn gọi là "về thăm". Có lần tôi hỏi:

- Thưa anh, anh dùng động từ “về”?

- "Về" chứ, hả, hả...! Thói quen đệm "hả, hả" là ý ông nhấn mạnh với người nghe...

 Bác Hồ với quê hương. Ảnh: Tư liệu

Về lại Côn Sơn

Hà Nội - Côn Sơn cách hơn trăm cây số, rẽ trái từ thành phố Hải Dương. Nơi đây một vùng núi non, sông nước thơ mộng, khí thiêng hội tụ. Nhiều bậc hiền tài chọn, lui về đây yên nghỉ: Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trúc Lâm Tam Tổ Huyền Quang, Nguyễn Thái Học... Đặc biệt, nhiều những di tích của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Ông Vũ Kỳ cho hay, cứ mỗi lần qua Chí Linh, Nam Sách... thường Bác vẫn ghé thăm, nên quen thuộc cả đường đi lối lại trên núi cao. Nhưng, lần "về" này, Người có chủ ý chọn đúng ngày lễ Tết Ất Tỵ (1965) là rằm tháng Giêng, "về" sáng 14 (15/2 dương lịch). Người cũng không lên Yên Ngựa, am Bạch Vân, Bàn Cờ trên non cao, mà chỉ dừng lại ở lưng chừng nơi nền ngôi nhà tranh vách nứa ngày Ức Trai ở ẩn, xuống Bàn Thạch ngay trước nhà và ngồi lại lâu trên phiến đá to bên dòng Suối Âm nước trong vắt, mát lạnh chảy từ đỉnh cao trên động Thanh Hư. Nay có tấm biển nhỏ ghi kỷ niệm về Bác ở đây. Xong, Người xuống núi, vào chùa thắp hương và dành thời gian đọc tấm bia ngoài sân chùa. Anh em đi theo kịp ghi lại hình ảnh vô giá Bác bên tấm bia. Đời vua Lê Thánh Tông (1434 - 1442) bọn gian thần lũng đoạn, Cung phi Nguyễn Thị Anh giật dây, khai quốc công thần Nguyễn Trãi bị đày xuống Côn Sơn giữ chức Đề cứ Tư Phúc Tự, tức coi giữ chùa để đợi cớ hãm hại. Cớ đó là vụ kỳ án Lệ Chi Viên, Ức Trai bị chu di tam tộc. 500 năm sau vẫn lệ đau xé lòng, Bác Hồ hễ tiện dịp qua đây là về thăm để chia sẻ và học hỏi tiền nhân.

Khó ai đoán được “cuộc gặp” giữa hai tác gia vĩ nhân của Bình Ngô Đại cáo năm 1427 và Tuyên ngôn Độc lập năm 1945: nội dung trao đổi gì về vận mệnh dân tộc trước họa xâm lăng mà Mỹ đang muốn dùng bom đạn đưa đất nước ta trở lại "thời kỳ đồ đá".

Bình Ngô sách lấy "Đại nghĩa thắng bạo tàn", danh nghĩa bày ra "Hội thề Đông Quan" (16/12/1427), thực chất là bắt bại tướng nhà Minh Vương Thông phải ký văn kiện đầu hàng, song y không bị bẽ mặt, mà "thiên triều" thì đòn đau thấm sâu nhớ đời. Sử sách còn ghi, Hồ Chí Minh tuyên bố: Hà Nội sẵn sàng trải thảm đỏ mời Tổng thống Mỹ Giôn - xơn sang hoà đàm chấm dứt chiến tranh. Rồi trước ngày đi xa, Bác dặn con cháu: Đánh "đủ" cho Mỹ cút, ngụy nhào thôi...

 Bác thăm tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tư liệu

Về với Khổng Tử

Bác Hồ làm việc lớn nhỏ đều có chủ đích, kết hợp một công đôi việc. Anh em nhìn hiện tượng chỉ biết Bác "đi vắng" trong ngày sinh nhật 19/5 - cả sang Bắc Kinh, còn thực chất, mục đích chuyến đi cần thêm nhiều nghiên cứu. Bác lường trước mức độ khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bắt đầu trong lúc quan hệ Xô - Trung căng thẳng ở mức cao ảnh hưởng đến sự chi viện cho ta, nước bạn đang làm cách mạng văn hóa mà phản phong đả Khổng là một mục tiêu. Người lại cất công "về thăm" Khổng Tử có "mạo hiểm"?

Bác sang nước bạn, trước hết hội kiến Mao Trạch Đông. Ông mời cơm thân mật, chuyện trò vui vẻ và tiễn bạn một quãng đường xa. Lên Bắc Kinh có vợ chồng Phó Chủ tịch nước Đổng Tất Vũ, người ngoài Đảng đón đưa Bác về tận Khổng Miếu - tên mới của thị trấn quê nhà hiền triết vĩ đại.

Ông Vũ Kỳ kể, xe đưa Bác đi, dừng lại bên chiếc cầu vòng vắt qua con hào nhỏ, qua cầu, mọi người có ý lùi lại để Bác vào trước cửa tam quan. Cảnh vật xung quanh im ắng lạ thường. Thì lạ thay, khi Bác vào sân Trình chừng mươi bước, bỗng đâu từ trên trời cao trong xanh phẳng lặng một luồng gió xoay tròn trước mặt khách quý, cuộn sạch đôi ba chiếc lá khô. Bất giác, ông Vũ Kỳ tưởng như từ ở thế giới bên kia Khổng Tử biết tin Bác đến đã vội về gặp. Ông đi chậm lại, chiêm ngưỡng Bác như một Tiên ông trong bộ quần áo lụa Hà Đông, hiền từ sánh bước bên vị Thánh hiền mừng vui lâu ngày gặp lại một đệ tử yêu quý của mình.

Ông liền nhớ và liên hệ chuyện trên đường tới đây Bác kể: Năm 1921 trên tạp chí "Cộng sản" Pháp, Bác dịch câu của Khổng Tử: Lấy dân làm gốc và giải thích cụ thể hơn: Lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể. Đoạn, Bác nhắc lại bằng tiếng Pháp và hỏi vui ông: - Chú nghe Bác dịch như vậy có được không?

Lần đầu được nghe kể chuyện này, ông Vũ Kỳ hỏi tôi đã thăm Khổng Miếu chưa, tôi thưa: "Đã". Ông bảo: "Thế thì tốt, phân biệt được: Khổng phủ - nhà ở của Trọng Ni, Khổng Lâm khu rừng tùng, bách - nghĩa trang dành riêng tôn vinh Khổng Khâu, các cao đồ của ngài và nhiều bậc danh Nho đời sau.

Ông lại hỏi: - Thế có nhớ "Khổng Tử tạo" không?" Rồi ông kể lại, chính dưới gốc cây bách 2.500 tuổi do Đức Khổng Tử trồng ngày ấy, Bác Hồ nói rõ hơn một số mảng tối do hạn chế của lịch sử nhưng mặt tích cực của đạo Khổng thật vĩ đại, còn toả sáng mãi mãi sau nền đại đồng trong thiên hạ.

Phải trên cơ sở thế giới hòa bình, công bằng về của cải, lấy dân làm gốc... Chính Khổng Tử chống mê tín dị đoan, không tin có ma quỷ với câu nói nổi tiếng: Không quý người sống làm sao thờ được người chết... Ngay cả việc soạn lại Kinh Dịch, ngài cũng chỉ nhằm mục đích tìm hiểu những biến hoá tất yếu của sự vật mà Bác Hồ là người rất am tường, kết hợp tài tình với phép duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của C.Mác để xử lý đúng đắn, dự báo mọi vấn đề từ thời thế mách bảo. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" không riêng vận dụng từ Kinh Dịch...

Thời thế ngày đó diễn biến hết sức phức tạp ngay trên quê hương Khổng Khâu. Nên sau chuyến "về thăm", Bác Hồ đã cảm thán làm bài thơ chữ Hán, sau được Đặng Thai Mai dịch ra như sau: Thăm Khổng Phụ

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà!  Bác thăm tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tư liệu

Trịnh Tố Long


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn