Bác Hồ rất chăm lo sức khỏe của giống nòi dân tộc

01-01-2011 06:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ở cương vị đứng đầu Nhà nước nhân dân vừa được thành lập, Bác Hồ đặt ba nhiệm vụ cấp bách hàng đầu chống ba loại giặc.

Đầu bài này là của ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, được giao giữ chức Chủ tịch đầu tiên để xây dựng Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (ra đời sau Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị). Ông mong báo giới chung tay góp thêm luận cứ để quảng bá, hiện thực hóa vào cuộc sống chủ trương lớn này của Đảng và Nhà nước ta về tương lai của giống nòi dân tộc theo ước vọng của Bác Hồ.

Bức ký họa - nỗi đau giống nòi

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, rồi ra tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Người chủ bút kiêm hoạ sĩ trang trí đưa lên mặt báo một bức họa gây sửng sốt dư luận. Với nhà cầm quyền thực dân thì như một điềm báo chẳng lành, một tai họa lớn đã chớm hé lộ. Với các dân tộc thuộc địa lại thật hả hê, bắt đầu tia hy vọng. Bên góc bức họa có dòng chữ Nguyen AQ. Trên chiếc xe tay nằm dài một người Âu béo ị, tay phải vẫn chống ba toong, đội mũ ông sếp Tây, miệng ngậm điếu thuốc phì phèo, vừa thúc giục: “Chạy nhanh lên! Hãy chứng tỏ lòng trung thành vì thượng đế...!”. Nghịch cảnh là người phu xe gầy guộc, đội nón... cố giữ xe đang xuống dốc.

Người bạn lớn của tác giả bức họa, đại danh họa Picasso có nhận xét thật chí lý: “Chỉ mấy nét vẽ này thôi ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong...”. Với đồng bào ta, “sự tàng ẩn” ấy còn là nỗi nhục mất nước, sự tàn tạ dẫn tới giống nòi bị suy vong. Nỗi day dứt canh cánh bên lòng lãnh tụ, tới năm 1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc), khi đã gần Tổ quốc, có điều kiện chủ động mở lớp huấn luyện cán bộ, chuẩn bị tổ chức thành lập đảng lãnh đạo tiên phong, thì sự thôi thúc về giống nòi càng thêm bức bách. Lãnh tụ ra lời kêu gọi Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh.

Phải mất hai thập kỷ nữa sự “hồi sinh” mới thực sự được khơi nguồn từ cuộc cách mạng đổi đời năm 1945.

Bà con kiều bào và các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên đến thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ngày 29/1/1960.        Ảnh: TL

Lời cha răn dạy

Ở cương vị đứng đầu Nhà nước nhân dân vừa được thành lập, Bác Hồ đặt ba nhiệm vụ cấp bách hàng đầu chống ba loại giặc. Người lường trước: giặc ngoại xâm như một thứ bệnh phải chữa lâu dài. Cần cấp cứu hai bệnh liên quan đến sự tồn vong và tương lai phát triển của dân tộc, đó là giặc đói và giặc dốt. Người giải thích: Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt... Dân cường thì nước thịnh và tuyến bố trước quốc dân đồng bào tự mình nêu gương tập thể dục hàng ngày, cùng kêu gọi mọi người trẻ già trai gái cùng tham gia phong trào tập luyện (bài Sức khỏe & Thể dục HCM toàn tập. T4 trang 212). Trong loạt bài viết và nói chuyện khác, Bác gọi những người thầy thuốc mang vinh dự giữ gìn sức khỏe cho dân bảo vệ sự khang kiện của giống nòi (SĐD T.5. Trang 567) là những chiến sĩ đánh giặc ốm, là mẹ hiền và vạch rõ một trong 12 nhiệm vụ của người cán bộ đảng viên là Phải dạy đồng bào vệ sinh thường trực, phát triển công tác y tế, thường xuyên gây phong trào đời sống mới... Người chí tình chỉ bảo cặn kẽ: Ruồi muỗi là thứ nhỏ bé nhưng độc ác, hàng triệu cái hại nhỏ bé cộng lại sẽ thành một cái to, là bạn đồng minh của kẻ thù... Rồi Bác hứa: Tôi thay mặt Chính phủ hứa rằng người nào, tổ chức nào tìm được, chế ra được thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng. (SĐD T.4. Trang 396).

Tiếc rằng kết thúc 30 năm đấu tranh cho độc lập, thống nhất, khó khăn thiếu thốn trăm bề, Bác đã đi xa.

Giống nòi đang suy giảm chất lượng

Dân cư nước ta tăng nhanh về số lượng mà đã có mấy ai nghĩ tới, lo cho chất lượng giống nòi như Bác Hồ.

Di chứng chiến tranh. Môi trường ô nhiễm, thiên tai, tệ nạn xã hội... Đặc biệt đáng lo ngại là thức ăn, đồ uống không sạch, khá nhiều từ nguồn ngoại nhập. Sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về thu nhập giữa các vùng miền, các tầng lớp cư dân thêm khó khăn cho đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở nước ta đã xuất hiện xu hướng già hóa dân số, một nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh theo Luật Người cao tuổi. Cùng với đó là đủ loại khó khăn phức tạp nảy sinh từ vấn đề trẻ sơ sinh, vấn đề nền tảng của hạnh phúc gia đình. Ngành y tế “nặng gánh” về tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên. Cần có sự thống nhất nhận định rằng ở nước ta về mặt nhận thức và hiểu biết của mỗi người, mỗi nhà và cả xã hội về ý thức chăm sóc sức khỏe ban đầu, về chất lượng của tương lai nòi giống dân tộc còn rất thiếu và chưa mạnh.

Thành lũy của quan niệm cũ: “Trăm dâu đổ đầu tằm” - chữa bệnh, thuốc thang là việc của ngành y tế - vẫn đứng đó chịu mọi bão táp mưa sa, làm cho tình hình thêm phức tạp khi có tình trạng bất thường xảy đến. Đã tới lúc, dù hơi muộn, cần luật hóa việc giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đưa việc tuyên truyền, giới thiệu, giáo dục về nguy cơ suy thoái giống nòi song song với việc triển khai trên quy mô lớn, rộng khắp một chương trình vận dụng đồng bộ các phương pháp vận động bài bản về chăm sóc, nâng cao chất lượng nòi giống con Hồng cháu Lạc vốn thông minh, tài trí, giỏi võ nghệ, có truyền thống “lấy ít thắng nhiều” làm điên đầu mọi bọn xâm lược từ xa xưa tới ngày nay, dù chúng đông quân tới đâu, vũ khí hiện đại, đất nước giàu mạnh đến thế nào...

Thiết tưởng đó cũng là tinh thần chung mà Nghị quyết 46-NQ/TW hướng tới trong quốc sách Con người là trung tâm của chiến lược phát triển đất nước và dân tộc. Trong đó việc giáo dục phổ cập để tạo chuyển biến tích cực về nâng cao sức khỏe toàn dân, cải thiện chất lượng nòi giống dân tộc mong được đưa vào văn kiện Đại hội XI, làm điểm tựa để Quốc hội thể chế hóa ý Đảng, lòng dân phát triển đồng thời, đồng bộ với kế hoạch kinh tế - xã hội tới năm 2020 và lâu hơn nữa.    

 Trịnh Tố Long  


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn