Kỳ 1: Góc khuất trong lòng "bị cáo"
Người phụ nữ ngoài 61 tuổi, là "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" từ năm 2000, là "Người phụ nữ ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương" năm 2002, là người từng nhận đủ huân huy chương Lao động Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác đang miệt mài kêu oan lên các cấp cao nhất của ngành tư pháp về bản án "Lập quỹ trái phép" mà Tòa án Cần Thơ đang cáo buộc bà. Ngày 6/4 vừa qua, Viện KSNDTC đã có kháng nghị hủy hai án sơ thẩm và phúc thẩm trên để điều tra lại. Chuyện đã rõ nhưng còn những chuyện ít ai biết về bà?
Bà Ba Sương. |
Những danh hiệu vinh quang, những huân chương cao quý mà bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu có được chắc chắn không thể cứu được bà nếu bà có tội. Nhân dân rất tinh tường công bằng khi mà vụ án "Lập quỹ trái phép" tại nông trường này không phải là vụ án "tham nhũng" duy nhất trên nước ta. Biết bao vụ tham nhũng mà bị can, bị cáo cũng từng có công lớn trong quá khứ khi đứng trước pháp đình đều bị sự khinh bỉ của nhân dân và được dư luận đồng tình, hoan hỉ với án tòa tuyên. Thế nhưng ở vụ án này, thái độ nhân dân hoàn toàn ngược lại. Thậm chí bị hại trước nhất là nông trường viên vậy mà cũng có đến 110 "bị hại" xin đi tù thay cho "bị cáo". Vẫn biết chuyện xin đi tù thay là do bà con không hiểu pháp luật nhưng đằng sau nó lại mang ý nghĩa khác vì lẽ công bằng, vì sự thật trong mắt, trong nhận thức của những người trong cuộc. Chả thế mà sau khi được giải thích vẫn còn đến hàng chục nông dân nông trường vẫn quyết không rút tên trong lá đơn xin đi tù thay. Bằng thực tế, họ có cái lý của họ để xin đi tù thay bởi cái "quỹ trái phép" kia có nguyên nhân bắt đầu từ họ. Cái quỹ ấy đã giúp đỡ họ vượt qua khốn khó, từng bước ổn định cuộc sống và trở nên no ấm, giàu có như hôm nay. Cái quỹ ấy làm ra đường nhựa và cầu bê tông thay cho đường đất, cầu tre lắt lẻo; làm ra 13 ngôi trường từ mầm non tới trung học phổ thông và trạm y tế ở nơi được gọi là vùng sâu, vùng xa mà hàng trăm cán bộ - bác sĩ - giáo viên tự nguyện xin về chỉ vì được trả lương và phụ cấp rất cao gấp nhiều lần theo quy định thang bậc lương. Những người nông dân muốn gánh tội thay bà vì từ cái quỹ trái phép ấy mà tất cả con em họ đến lớp đều được miễn học phí; khám bệnh miễn phí và chỉ trả tiền mua thuốc... Con em nông trường học giỏi, còn phát gạo hàng tháng, tặng quần áo, sách vở. Rồi tất cả con em trong nông trường vào đại học đều được cái quỹ ấy cấp học bổng hàng tháng để giảm bớt gánh nặng cho gia đình... Nhiều em sau đó đã trở lại nông trường làm việc và cống hiến bằng cả nhiệt huyết và lòng tri ân.Tất cả đều bằng tiền của nông trường, chứ không phải tiền ngân sách nhà nước mà thời trước gọi là "quỹ công đoàn", nay là "quỹ trái phép".
Chuyện thường thấy ở các phiên tòa là các bị can bị cáo thường ân hận, nhận tội khi nói lời cuối cùng nhưng ở vụ án này, bà Ba Sương "ân hận" và nhận ra "tội" của mình ngay khi bị dính vào vòng lao lý. Ân hận lớn nhất của bà cho đến lúc này là đã không giữ được lời hứa giao lại Nông trường sông Hậu trọn vẹn cho một lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng, tồn tại và phát triển đúng với công sức của hàng chục ngàn con người đã bỏ ra; Nông trường hôm nay không còn là "thành lũy của CNXH" như báo chí ca ngợi với liên tục những chuyến tham quan của các đoàn trên cả nước kể cả sự có mặt của các vị lãnh đạo cao cấp như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp... Và "tội" lớn nhất mà bà tự nhận là có tội với cha - AHLĐ Trần Ngọc Hoằng, người khai sinh ra nông trường- khi không giữ được nông trường. Ông Năm Hoằng là thần tượng của bà khiến cô bé Trần Ngọc Sương đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường cao đẳng Nữ công gia chánh Bạc Liêu năm 16 tuổi (1965) vốn giỏi giang chọn mẫu thời trang đến nấu nướng, cắm hoa đã đi học khóa 1 ĐH Nông nghiệp Cần Thơ để thành kỹ sư chăn nuôi. Tấm gương cần cù của người cha đã truyền cho bà một tình yêu đam mê với ruộng vườn, sông nước thề "trọn đời ôm cục đất sống với nông dân". Vì thế sau một thời gian về công tác ở Nông trường sông Hậu, bà đi nghiên cứu về quản lý kinh tế ở Liên Xô, quyết tâm trở về xây dựng nông trường thành công thành nông trường kiểu mẫu.
Những người đến thăm Ba Sương sau phiên phúc thẩm đã ghi lại những lời chia sẻ với bà. |
Lâm vào vòng lao lý nhưng bà không lo lắm mức án bởi vẫn nguyên vẹn niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào sự công minh của luật pháp, tin vào sự trong sáng vô tội của mình sẽ cởi bỏ được nỗi oan. Sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, đến thăm bà tại ngôi nhà bà tá túc nhờ người em ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, tôi hỏi :
- Trước tòa, chị sợ nhất điều gì?
- Oan thì mình kêu oan và xã hội có rất nhiều người thông minh chính trực có thể cởi oan. Chị sợ mình bệnh quá không chờ được đến ngày đó.
- Vậy tâm trạng của chị lúc ở tòa?
- Chị bệnh quá được tòa cho ngồi nhưng sợ nhất là ngã lăn ra đất nên phải gắng. Anh hùng mà bị ngã lăn ra trước tòa thì còn gì là anh hùng. Với lại nhỡ kẻ xấu nó chụp hình rồi lợi dụng xuyên tạc đất nước mình...
Là bị cáo mà vẫn nghĩ đến hình ảnh đất nước, vẫn quyết bảo vệ danh hiệu Anh hùng được Nhà nước và nhân dân phong tặng chắc chỉ có bà Ba Sương. Bởi trong bà dù lâm vòng lao lý vẫn nguyên vẹn một trái tim cộng sản, trái tim của một Anh hùng.
Lưu Thủy