Khát vọng 'thành công nhanh chóng'
Vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên, dù liên quan đến những tranh chấp hợp đồng và nợ nần cá nhân trong quá khứ, đã phơi bày một góc khuất đáng lo ngại trong tâm lý của nhiều người trẻ: sẵn sàng đặt cược những cam kết lớn lao, không lường trước rủi ro, để chạm tới danh vọng và cơ hội. Liệu sự kỳ vọng quá lớn vào một tương lai tươi sáng đã khiến họ dễ dàng chấp nhận những điều khoản mơ hồ, những lời hứa hẹn không rõ ràng?
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Ngọc Ánh, chuyên gia tâm lý học đường, nhận định: "Nhiều bạn trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy của việc muốn thành công nhanh chóng, có tiền ngay lập tức mà quên đi quá trình tích lũy, học hỏi. Họ nhìn thấy những người nổi tiếng với cuộc sống xa hoa, nhưng không thấy được những đánh đổi, những góc tối đằng sau. Điều này tạo ra áp lực tâm lý rất lớn, khiến họ dễ sa ngã vào những lời mời gọi "việc nhẹ lương cao", "làm giàu không khó" hay những giao dịch mập mờ".
Tâm lý này không chỉ len lỏi vào showbiz mà còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác: từ lừa đảo đa cấp, đầu tư tài chính "ảo", cho đến việc chấp nhận những công việc lương cao nhưng tiềm ẩn rủi ro pháp lý, đạo đức. Người trẻ, đặc biệt là sinh viên - đối tượng còn thiếu kinh nghiệm sống và kiến thức thực tế, thường dễ trở thành "con mồi" của những chiêu trò này. Khao khát chứng tỏ bản thân, cùng với sự thiếu hiểu biết về tài chính và pháp luật, dễ dàng biến họ thành những người đưa ra quyết định sai lầm.
Hệ lụy khôn lường
Những trường hợp như vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên cho thấy rõ những hệ lụy nhãn tiền của tâm lý làm giàu bất chấp. Đầu tiên là rủi ro pháp lý: tranh chấp hợp đồng, kiện tụng không chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc mà còn bào mòn sức lực và tinh thần. Áp lực dư luận xã hội, những phán xét từ cộng đồng mạng có thể gây tổn thương sâu sắc đến danh dự, uy tín cá nhân – thứ vốn rất khó gây dựng lại.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Thùy Tiên) tại cơ quan Công an. Nguồn: Bộ Công an
Luật sư Nguyễn Hoài Nam, Công ty Luật TNHH Bamboo Star, chia sẻ: "Rất nhiều trường hợp sinh viên, người trẻ đến tìm chúng tôi tư vấn về các hợp đồng vay mượn, hợp tác làm ăn mập mờ. Đa số họ đều thiếu kiến thức cơ bản về pháp luật dân sự, không đọc kỹ các điều khoản, hoặc tin tưởng mù quáng vào người khác. Đến khi xảy ra tranh chấp, mọi thứ đã quá muộn và việc khắc phục hậu quả rất khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ lụy về sức khỏe tinh thần là điều không thể xem nhẹ. Áp lực tài chính, sự lo lắng về tương lai, cảm giác bị lừa dối hay sự mất mát danh dự có thể dẫn đến trầm cảm, căng thẳng, mất ngủ và nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác. Thậm chí, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con đường học vấn, sự nghiệp và các mối quan hệ cá nhân của người trẻ".
Xây dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ
Từ những bài học đắt giá này, việc trang bị cho người trẻ một "sức đề kháng" vững vàng trước những cám dỗ của "làm giàu nhanh" là vô cùng cần thiết.
Theo ThS. Vũ Thị Ngọc Ánh khẳng định, việc giáo dục tài chính và pháp luật từ sớm là yếu tố quan trọng. "Không chỉ dừng lại ở các tiết học trên trường, gia đình cần chủ động dạy con về giá trị của đồng tiền, cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm. Nhà trường nên tích hợp các buổi học ngoại khóa, hội thảo về tài chính cá nhân, đầu tư an toàn, và đặc biệt là kiến thức pháp luật cơ bản về hợp đồng, quyền và nghĩa vụ công dân. Nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo, đa cấp, tín dụng đen cũng rất quan trọng".
Ngoài ra, cần khuyến khích người trẻ nhìn nhận giá trị của sự nỗ lực, kiên trì, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để tạo ra của cải một cách bền vững. Khởi nghiệp là tốt, nhưng phải đi đôi với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đạo đức kinh doanh và sự hiểu biết về thị trường. Thay vì thần tượng những "thành công" chớp nhoáng, hãy tôn vinh những người lao động chân chính, những doanh nhân tạo ra giá trị thực cho xã hội.
Trong thời đại thông tin bùng nổ, việc trang bị cho người trẻ khả năng phân tích, đánh giá thông tin một cách khách quan, không bị cuốn theo đám đông là tối quan trọng. Họ cần học cách đặt câu hỏi, tìm hiểu kỹ lưỡng mọi khía cạnh trước khi đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định liên quan đến tiền bạc và tương lai.
Đặc biệt, gia đình cần là điểm tựa, nơi người trẻ có thể chia sẻ những khó khăn, băn khoăn về tài chính mà không sợ bị phán xét. Cộng đồng, các tổ chức xã hội cần có những chương trình tư vấn, hỗ trợ tâm lý và pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp cho sinh viên, người trẻ.
ThS. Nguyễn Bình Minh - giảng viên Khoa kinh tế và Thương mại điện tử của một trường đại học chia sẻ: "Các bạn sinh viên, đặc biệt là những người sắp ra trường, thường đứng trước áp lực lớn về tài chính và định hướng nghề nghiệp. Điều quan trọng nhất là các bạn cần trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc, không chỉ về chuyên ngành mà còn về tài chính cá nhân, pháp luật kinh tế cơ bản. Đừng ngần ngại tìm kiếm lời khuyên từ các thầy cô, chuyên gia trong trường, hoặc những người có kinh nghiệm thực tế.
Hãy luôn nhớ rằng, kiếm tiền nhanh không đồng nghĩa với kiếm tiền bền vững và an toàn. Một sự nghiệp vững chắc được xây dựng từ năng lực thực sự, đạo đức nghề nghiệp và sự kiên trì. Tránh xa những lời mời gọi "việc nhẹ lương cao" không rõ ràng, những cơ hội đầu tư hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ nhưng tiềm ẩn rủi ro cao. Hãy đặt ưu tiên vào việc học hỏi, trau dồi bản thân và xây dựng giá trị cốt lõi, đó mới là 'tài sản' lớn nhất giúp bạn làm giàu một cách tử tế và bền vững trong tương lai".
"Làm giàu" là một khát vọng chính đáng, nhưng "làm giàu bất chấp" lại là con đường đầy cạm bẫy. Từ những vụ việc ồn ào như của Hoa hậu Thùy Tiên, thế hệ trẻ cần rút ra bài học sâu sắc: Thành công bền vững không đến từ những lối tắt, mà là kết quả của sự nỗ lực, trí tuệ, và quan trọng nhất là đạo đức. Hãy trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và một tâm thế vững vàng để đi trên con đường tài chính một cách tử tế, an toàn và bền vững, thay vì đánh đổi danh dự, sức khỏe và tương lai cho những giấc mơ hào nhoáng nhưng rỗng tuếch.