Khi TP.HCM bắt đầu bước vào những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, khi những lực lượng tuyến đầu đang nỗ lực hết mình cho cuộc chiến thì đó cũng là lúc những bữa ăn nóng hổi, thơm ngon được Trung tâm CTXH Thanh niên TP.HCM (địa chỉ số 5 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM) nấu và cung cấp đến các lực lượng tuyến đầu với tất cả tấm lòng của những người đầy nhiệt huyết.
Phiếu báo số lượng suất ăn được thực hiện hằng ngày tại Trung tâm CTXH Thanh niên TP.HCM
Theo chia sẻ từ anh Cổ Thái Long – nhân vật “đầu lĩnh”, người phụ trách nấu ăn, kiêm đi chợ, kiêm ‘tổng quản” của bếp ăn chia sẻ: “Nếu những ngày đầu tiên công việc có thể bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ đêm thì nay khi số lượng suất ăn cung cấp mỗi ngày đã hơn 3000, mọi người kết thúc công việc muộn hơn có khi là quá nửa đêm và việc nấu ăn cũng được bắt đầu từ 4 giờ để kịp chuẩn bị và cung cấp suất ăn sáng”.
Anh Cổ Thái Long (áo đen) cùng các bạn tình nguyện viên phân thực phẩm cho các suất ăn
Để thực hiện được hơn 3000 suất ăn mỗi ngày đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể chung lòng vì mục tiêu “tiếp sức” cho tuyến đầu để cùng Thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh. Trong màu áo xanh tất cả đều không mệt mỏi dù phải luôn chân luôn tay, dù lưng áo ướt đẫm mồ hôi hay những đôi tay rung liên hồi vì mỏi.
Anh Võ Quốc Bình - Trưởng phòng kết nối tình nguyện Trung tâm CTXH Thanh niên Thành phố vẫn luôn nhiệt tình và đầy năng lượng.
Anh Võ Quốc Bình - Trưởng phòng kết nối tình nguyên Trung tâm CTXH Thanh niên Thành phố chia sẻ, ban đầu chương trình được triển khai với mục đích hỗ trợ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), sau đó tiếp tục được mở rộng với những suất cơm được mang đến cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Bên cạnh một món chính, suất ăn còn có thêm món canh, món rau đôi khi được bổ sung thêm trái cây tươi để tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
“Thời gian đầu chúng tôi chỉ dự định nấu 200 suất/ngày, nhưng sau đó được nâng lên 500 suất/ngày rồi 1000, rồi 2000 đến nay thì mỗi ngày có khoảng 3000 suất được trao tặng; Bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ suất ăn sáng cho các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM kể từ khi bệnh viện này bị phong tỏa” – Anh Võ Quốc Bình chia sẻ thêm.
Lực lượng tình nguyện viên tại đây có thể khác nhau về nghề nghiệp, lứa tuổi nhưng đều cùng chung mục tiêu góp phần tiếp sức cho tuyến đầu để đẩy lùi dịch bệnh
Máy nấu cơm được một đơn vị trao tặng khi đưa vào hoạt động đã góp phần giảm tải công việc cho các lực lượng tại bếp ăn
Ghi nhận tại Trung tâm CTXH Thanh niên Thành phố trong cuối buổi chiều ngày 22/6, tại trung tâm đang có mặt của khoảng 20 tình nguyện viên từ nhiều nghề nghiệp, độ tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều đang tất bật để chuẩn bị những suất ăn chiều với món thịt kho, canh bí, rau xào được chia phần đầy đặn; dù vất vả với những lưng áo ướt mồ hôi nhưng không khí vui vẻ vẫn luôn bao trùm xung quanh những con người nhiệt huyết.
Các suất ăn được chia phần đầy đặn, đóng gói kỹ càng để sẵn sàng lên đường đến với nơi tiếp nhận.
Chia sẻ cùng phóng viên, chị Văn Thị Cẩm Nhung thường được các thành viên trong nhóm gọi thân thương là “má Nhung” cho biết: “Để thực hiện được hơn 3000 suất ăn mỗi ngày là điều không hề đơn giản, chỉ tính riêng lượng thịt chuẩn bị mỗi ngày đã lên đến khoảng 400 kg, nếu là gà thì có khi lên đến 300-400 con, thêm vào đó là tương ứng số lượng rau củ, trứng… để đảm bảo một bữa ăn thơm ngon và dinh dưỡng”.
Dù công việc quần quật liên tục chẳng kể ngày đêm nhưng bằng nhiệt huyết và tình yêu thương, các tình nguyện viên đã cùng nhau san sẻ, dốc hết sức cùng hoàn thành nhiệm vụ chung góp một phần vào cuộc chiến chống dịch.
“Điều đó đòi hỏi mọi người gần như là làm việc liên tục để kịp thời chuẩn bị nguyên liệu, nấu ăn và cung cấp suất ăn. Như hiện giờ là mọi người sẽ chuẩn bị nguyên liệu để sẵn sàng cho suất ăn sáng ngày mai, bên cạnh đó là hầm xương để sáng mai sẽ nấu hủ tíu để thực hiện gần 50 suất ăn cung cấp cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM” – “má Nhung” chia sẻ thêm.