Tương tác thuốc - thức ăn
Người nhiễm HIV phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị HIV, nhiễm trùng cơ hội và các bệnh kèm theo khác như sốt rét, cảm lạnh, nhiễm ký sinh trùng. Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị khỏi HIV nhưng các thuốc chống virut (ARV) có thể làm giảm nhẹ ảnh hưởng của HIV bằng cách làm chậm sự phát triển của HIV, do đó, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở người nhiễm HIV. Thường dùng phối hợp nhiều loại thuốc trong liệu pháp ARV để ức chế sự nhân lên của virut. Đây là phương pháp điều trị đang được áp dụng tại Việt Nam để điều trị HIV/AIDS.
Thức ăn giàu chất béo ảnh hưởng tới hấp thu thuốc, giảm tác dụng của thuốc.
Tuy nhiên, khi dùng các thuốc điều trị này, cần chú ý tới sự tương tác giữa thuốc với thức ăn hằng ngày. Sự tương tác giữa thuốc và thức ăn được định nghĩa là sự thay đổi đặc tính dược động học của một loại thuốc hoặc thay đổi thành phần dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng. Tương tác thuốc - thức ăn xảy ra theo những cách sau:
- Một số thuốc làm rối loạn hấp thu, chuyển hóa, phân bổ và bài tiết các chất dinh dưỡng, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng.
- Thức ăn làm ảnh hưởng đến hấp thu, chuyển hóa, phân bố và đào thải của thuốc.
- Một số thuốc gây thay đổi vị giác, mất cảm giác ngon, chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi, trầm cảm dẫn đến giảm khẩu phần hoặc giảm hấp thu thức ăn.
Các thức ăn khác nhau có thể làm tăng cường hay ức chế hấp thu, chuyển hóa, phân bố và đào thải thuốc và như vậy sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Ví dụ: thức ăn làm giảm hấp thu isoniazid (thuốc điều trị lao), do đó, nên uống isoniazid trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 1-2 giờ. Thức ăn nhiều chất béo có một số ảnh hưởng tới người đang điều trị HIV/AIDS như làm tăng nồng độ của thuốc efavirenz (một thuốc điều trị HIV) trong máu (bởi vậy, cần tránh dùng efavirenz ngay sau bữa ăn nhiều chất béo) hay làm giảm tác dụng của indinavir. Việc uống rượu, bia có thể làm tăng nồng độ abacavir trong máu lên đến 41%.
Ngược lại, thuốc ARV cũng có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể. Ví dụ, stavudine (d4T) gây rối loạn phân bố mỡ của cơ thể. Một số ARV gây rối loạn chuyển hóa mỡ làm tăng triglycerides và cholesterol, rối loạn phân bố mỡ và kháng insulin (có thể gây đái tháo đường). Isoniazid làm giảm hấp thu vitamin B6 (do đó, cần bổ sung vitamin B6 để tránh giảm vitamin B6 và các triệu chứng liên quan tới việc thiếu vitamin này).
Ảnh hưởng của điều trị ARV lên tình trạng dinh dưỡng
Không chỉ thức ăn làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của các thuốc ARV mà ngược lại, các thuốc điều trị ARV cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng của người bệnh. Các thuốc ARV có thể làm rối loạn chuyển hóa đường. Đây là một trong những biến chứng xảy ra đầu tiên khi điều trị ARV, được chẩn đoán thông qua xét nghiệm định kỳ hoặc test dung nạp đường sau ăn 2 giờ.
Thiếu xương và loãng xương thường gặp ở bệnh nhân điều trị HAART (điều trị kháng retrovirus hiệu quả cao). Nguyên nhân chưa được xác định, mặc dù chất ức chế men protease HIV-1 có thể ảnh hưởng đến sự phân biệt tế bào tạo xương và tế bào hủy xương. Chẩn đoán bằng quét DEXA định kỳ với người nhiễm HIV có nguy cơ loãng xương (như có tiền sử gia đình, giảm chức năng tuyến sinh dục, hút thuốc lá và sử dụng corticoid).
Loạn dưỡng lipid cũng là rối loạn của cơ thể trong việc sản xuất, sử dụng và phân bố mỡ. Người nhiễm HIV, đặc biệt là đang điều trị ARV, có thể xuất hiện những thay đổi hình dạng cơ thể do thay đổi phân bố mỡ.
(Theo tài liệu của Bộ Y tế)
BS. Nguyễn Bích Ngọc