"Ăn đất" cho làng gốm lại đỏ lửa

26-06-2008 16:34 | Thời sự
google news

"Gã" quê một cục, đúng hơn là cái chất nông dân ngấm đến từng tế bào. Nhưng gã lại ôm một giấc mơ đầy lãng mạn, đúng hơn, là một hoài bão không thể xem thường: khôi phục lại nghề gốm Thổ Hà, làng gốm ven sông Cầu vốn đã tắt lửa lò từ hơn hai chục năm trước.

"Gã" quê một cục, đúng hơn là cái chất nông dân ngấm đến từng tế bào. Nhưng gã lại ôm một giấc mơ đầy lãng mạn, đúng hơn, là một hoài bão không thể xem thường: khôi phục lại nghề gốm Thổ Hà, làng gốm ven sông Cầu vốn đã tắt lửa lò từ hơn hai chục năm trước. Tên gã là Trịnh Đắc Tân.

Dấu tích vàng son

Thổ Hà mong manh như một chiếc lá tre nằm bên sông. Bề ngang chỗ rộng nhất cũng chỉ quãng hơn 200 mét, bề dài trên một cây số. Có một trục lộ chính chạy từ đầu này đến đầu kia của làng. Từ đó, tỏa đi những con ngõ nhỏ sâu, đất chật, người đông, nhà nhà xây sát ra ngõ khiến mỗi con ngõ trở thành một cái ống sâu hun hút.

"Người dương sống trong... cõi âm", đó là nhận xét không thể đúng hơn khi ngắm những con ngõ, những ngôi nhà ở Thổ Hà. Khắp những hang cùng ngõ hẻm của Thổ Hà, đâu đâu cũng thấy tiểu sành. Tiểu sành đậu trên tường, tiểu sành "treo" trên đầu hồi, tiểu sành nằm trên bậu cửa, và vẫn tiểu sành, được dùng để... kê giường... Người Thổ Hà sống cùng tiểu sành lúc còn ở dương thế, và khi được sang cát sau khi "hai năm mươi", cuộc đời ở thế giới bên kia, lại tiếp tục gắn bó với tiểu sành.

Cái "cõi âm" của người Thổ Hà ấy là một câu chuyện dài. Xưa, nơi đây từng là một lò gốm nức tiếng của vùng Kinh Bắc. Sau mỗi mẻ gốm lại có những phế phẩm, và người Thổ Hà lại có thêm những công trình mới, từ những mảnh chum vại vỡ, từ những chiếc tiểu sành méo mó. Hàng trăm, hàng mấy chục năm trước người Thổ Hà xây nhà, xây tường, trang trí bằng chính những phế phẩm ấy. Để rồi hôm nay, thời gian bóc đi những lớp vữa trát, những con ngõ hình ống nhất loạt phô ra những mảnh gốm vỡ, sự tình cờ của người xây dựng, sự tình cờ của thời gian khiến những con ngõ của Thổ Hà trở thành những bức phù điêu gốm dài tưởng chừng vô tận.

Thổ Hà đẹp. Đẹp trong nỗi đau của từng người con đất này. Nhìn những bức "phù điêu" gốm, những chiếc tiểu sành hiện hữu khắp nơi, người Thổ Hà lại quặn lòng: Dấu tích làng gốm còn đây, nhưng lửa lò gốm đã tắt...

Những năm tháng thơ ấu, Trịnh Đắc Tân đã chơi đùa suốt bên những bức phù điêu gốm ấy. Nếu nói theo cách hoa mỹ, thì cái chất nâu đỏ của gốm Thổ Hà đã ăn vào máu thịt gã từ khi còn bé tí. Còn theo cách nói quê kệch của gã, thì "chả hiểu thế nào, chỉ biết là ngắm thì thấy thích".

Khi Trịnh Đắc Tân lên đường nhập ngũ, những lò gốm Thổ Hà vẫn đang hừng hực lửa. Khi gã vác ba lô quay về, tất cả các lò gốm đều tắt lịm. Gã cũng chẳng hiểu nổi mình, tự nhiên thấy lòng trống vắng. Gã không biết gì nhiều về gốm, nhưng dòng họ thì đã nhiều đời gắn với nghiệp đất và lửa này rồi. Gã lấy những lư hương, lấy những chậu đại cảnh của các cụ ra ngồi lặng ngắm. Và rồi người ta thấy gã chặc lưỡi tiếc rẻ: "Đẹp, đẹp thật".

Ngày, gã cứ luẩn quẩn hết đi ra lại đi vào. Rồi đêm, gã cứ vắt tay lên trán mà dằn vặt mình. Cuộc đời gã, lớn lên gã rời làng vào bộ đội. Khi về các lò đã tắt ngấm. Gã không thạo nghề gốm, nên cái mong muốn khôi phục nghề chẳng khác nào đâm đầu vách đá. Gã bế tắc.

Gã nông dân dám... ném tiền vào lò lửa!

Cái nguyên nhân khiến những lò gốm của Thổ Hà lần lượt bị phá bỏ, phần vì gốm Thổ Hà không cạnh tranh được với những vật liệu mới; phần vì cơ chế sản xuất kiểu hợp tác xã và xí nghiệp quốc doanh thời những năm 1980. "Cha chung không ai khóc" khiến chất lượng thấp, giá thành cao, mẫu mã xấu nên hàng làm ra không bán được. Mấy chục năm không xuất hiện trên thị trường khiến cụm từ "gốm Thổ Hà" gần như đã trôi tuột khỏi tâm trí mọi người.

Làng nghề đã mất thương hiệu, Trịnh Đắc Tân không thạo nghề gốm, mà để mỗi lò gốm được đốt lên, phải đổ vào đó vài chục triệu đồng. Cùng một lúc phải giải mấy bài toán. Trong khi đó Trịnh Đắc Tân lại nghèo! Cái "công thức" để Trịnh Đắc Tân thực hiện mong muốn của mình là: Lấy bánh tráng "nuôi" gốm.

Trịnh Đắc Tân bên các sản phẩm gốm. 
Nghề bánh tráng bắt đầu đến với Thổ Hà khi những lò gốm ở đây lần lượt lụi tàn, chẳng ngờ, lại là cái nghề "cứu" gốm. Càng mong muốn khôi phục lại nghề, gã lại càng lăn lưng ra tráng bánh. Ngày làm, đêm làm, quyết dành dụm lấy đủ tiền đốt lò. Gã hiểu rằng, chậm ngày nào, là những bậc tiền bối, những sư lò (người thợ đốt lò giỏi) sẽ nối nhau về chầu tiên tổ, thì gã càng khó học nghề.

Nhưng tiền hoàn toàn không phải là điều kiện tiên quyết. Cái cần nhất chính là tay nghề. "Không "ăn đất" không làm được gốm đâu", Trịnh Đắc Tân bảo tôi thế. Nhìn gã, mới thấy quả có lý. Gã đúng là con người của đất. Đến đầu tóc cũng đầy những cục đất nhỏ dính bết cả lại. Cũng dễ hiểu, ngoại tứ tuần rồi gã mới bắt tay vào học nghề gốm. Không vùi mình trong đất, không cắm mặt vào đất, không nên được nghề.

Một điều cực khó với gốm Thổ Hà, là đốt lò. Nếu như gốm Phù Lãng chỉ nung khoảng 24 giờ, gốm Thổ Hà phải nung bốn ngày bốn đêm trở lên mới ra được đúng "chất" của gốm Thổ Hà. Nhưng thời gian chưa phải trở ngại chính. Gốm Thổ Hà được làm bằng đất sét mịn, độ co ngót rất lớn, chỉ cần không đều lửa, là hàng loạt sản phẩm cong vênh, méo nứt. Trong thời gian mấy ngày mấy đêm, lại phải trải qua nhiều giai đoạn tăng giảm nhiệt độ khác nhau mới cho ra những sản phẩm "chín rẫy". Ngay cả những sư lò kinh nghiệm nhất, cũng không thể dám chắc mẻ sau sẽ tốt hơn mẻ trước. Và một điều không đơn giản nữa, chỉ có nung bằng cỏ tranh, bằng củi mới ra đúng chất gốm Thổ Hà. Chính vì độ khó, nên trước đây Thổ Hà không có thị trường tiêu thụ, cũng một phần vì giá thành sản phẩm ra lò quá cao.

Dù cho được nhiều sư phụ cố vấn (đó là các cụ Cáp Trọng Truyện, Nguyễn Đức Sinh, Trịnh Đức Chỉnh...), hai mẻ gốm đầu tiên, đổ vào bao nhiêu mồ hôi nước mắt và tiền bạc trở thành đồ phế phẩm. Trịnh Đắc Tân gần như sạt nghiệp. Gã cũng gần như kiệt sức. Nhưng gã gượng lao vào tráng bánh, lại tằn tiện để đốt lò thứ ba...

Đẳng cấp gốm Thổ Hà

Thổ Hà có nét tương đồng với Phù Lãng, ấy là vẻ đẹp mộc mạc, dung dị. Phù Lãng đặc trưng là men da lươn. Gốm Thổ Hà không tráng men, nhưng khi được "tắm lửa" đủ độ, đủ thời gian để chín rẫy, từ cốt đất sẽ chảy ra một thứ men bao phủ toàn bộ sản phẩm. Cái màu đặc trưng của gốm Thổ Hà, không phải có màu đỏ, cũng không nâu đỏ, mà phải có màu cánh gián. Nung nhiệt độ cao, khi gõ vào có tiếng boong boong như chuông đồng. Và cũng nhờ thế, mà gốm Thổ Hà có độ bền hàng mấy trăm năm, cho dù chịu mưa nắng thế nào. Sau rất nhiều thất bại, Trịnh Đắc Tân đã thành công với những sản phẩm đúng "chất" Thổ Hà.

Trong cái con người bề ngoài rất quê kệch ấy (khi tiếp nhà báo, gã vẫn cứ đánh độc cái quần đùi lấm lem những bùn với đất), lại ẩn chứa một cách nhìn sâu xa. Gốm Thổ Hà đã chết, nhưng gã đã "đọc" ra được đâu là vẻ đẹp của gốm Thổ Hà, và làm nó sống lại, sống được trong thời buổi có nhiều đổi thay...

Trong quá khứ hàng trăm năm về trước, bên cạnh đồ dùng thông thường cho sinh hoạt, người Thổ Hà từng đạt đến đỉnh cao của gốm sành mỹ nghệ, với những lư hương, những bể cá, những chậu đại cảnh... Trịnh Đắc Tân đã khơi lại cái mạch chảy ấy.

"Làm theo phương thức truyền thống, thì những chum vại, ang, tiểu sành... của Thổ Hà không cạnh tranh được với nhiều nơi khác. Nhưng làm đúng theo phương thức truyền thống, đồ mỹ nghệ của Thổ Hà có một đẳng cấp riêng. Tôi luôn tin là sẽ nhiều người nhận ra vẻ đẹp ấy...". Con người thô mộc, tay làm nhiều hơn miệng, bỗng dưng thay đổi khác thường, bỗng ăn nói văn vẻ lạ, khi gã đã hoàn toàn "nhập tâm" vào gốm.

Những chậu hoa, những chậu đại cảnh, những lư hương... mang màu cánh gián giản dị, đột ngột trở nên sang trọng khi được đặt vào sân vườn của những biệt thự, đặt vào đại sảnh của những nhà hàng khách sạn. Trong sân nhà gã thợ gốm quê mùa, có những bộ chậu hoa, cây cảnh và bể cá, được người ta trả tới ba chục triệu đồng. Và giờ, gã không đủ hàng để bán khi nhu cầu làm đẹp của xã hội ngày một lớn. Nhưng gã vẫn trăn trở, làng Thổ Hà vẫn quá ít người biết làm nghề gốm cổ truyền...

Bài và ảnh: Lam Sơn


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn