Công an Đà Nẵng cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm 14 vụ/20 nhóm/120 đối tượng thanh thiếu niên tàng trữ, sử dụng hung khí để tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.
Chưa kịp chém nhau vẫn bị khởi tố, bắt giam
Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn – Phó trưởng Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, ngoài việc khởi tố 18 bị can của nhóm "anh em Mân Thái" và nhóm "Cẩm Lệ" tham gia vụ hỗn chiến vào rạng sáng 7/5 trên tuyến đường ven biển Đà Nẵng thì cơ quan công an cũng đang tiếp tục điều tra, làm rõ thêm các đối tượng khác.
"Trong vụ án này, mặc dù các đối tượng trong hai băng nhóm chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nào do cơ quan công an đến ngăn cản kịp thời nhưng chúng tôi vẫn tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng. Nhiều đối tượng khai nhận chỉ nghe theo lời rủ rê đi đánh nhau, chứ không phải là bạn bè hay có mâu thuẫn với đối phương. Nhiều em còn nhỏ tuổi nhưng nghe đánh nhau là xách mã tấu, dao kiếm hùa chạy theo. Hành vi này đã đủ yếu tố để cấu thành tội phạm và sẽ bị xử lý nghiêm khắc", Thượng tá Tuấn cho hay.
Trong vụ án này, có nhiều đối tượng dưới 14 tuổi đã bị cơ quan công an triệu tập nhằm răn đe, giáo dục sau đó chuyển về cho phía công an phường và địa phương quản lý. Theo một cán bộ điều tra thì nhiều đối tượng khi đến làm việc tại cơ quan công an khai rằng chỉ chạy theo chơi, xem đánh nhau chứ chưa tham gia chém ai.
Tuy nhiên, hành vi tụ tập, mang theo vũ khí, phóng xe máy bạt mạng trên các tuyến đường như vậy đã đủ yếu tố để cấu thành tội "Gây rối trật tự công cộng", có thể bị bắt tạm giam. Còn khi đã sử dụng hung khí để đánh nhau, gây thương tích thì có thể bị khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích", nặng hơn là việc sử dụng bom xăng dẫn đến chết người thì bị khởi tố về tội "giết người.
"Đã tham gia vào rồi thì không thể nói là chỉ đi chơi được. Pháp luật rất nghiêm minh, không thể viện lý do này kia để trốn tránh. Điển hình như vụ án hỗn chiến giữa hai nhóm 'Mân Thái' và 'Cẩm Lệ' vừa rồi, nhiều đối tượng chỉ xách dao, kiếm chạy theo la hét, nẹt-pô xe nhưng cũng bị khởi tố, bắt tạm giam", Thượng tá Tuấn cho biết.
"Tuần tra"... trên mạng
Trước tình trạng các băng, nhóm thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí giải quyết mâu thuẫn diễn ra ngày càng nhiều, gây bất an trong xã hội, ngày 5/7, tại Hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm 2022, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng – Trưởng phòng Tham mưu (Công an Đà Nẵng) thì trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù số vụ phạm tội về trật tự xã hội tuy giảm so với cùng kỳ năm 2019, 2021 nhưng một số loại tội phạm gia tăng (nhất là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng).
"Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các đơn vị, địa phương đưa ra các giải pháp để ngăn chặn nhóm tội phạm này. Trong đó, thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực xuyên suốt để nhận diện tội phạm và chủ động phòng ngừa, đấu tranh", đại tá Dũng thông tin.
Đại tá Trần Phước Hương – Trưởng Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang gia tăng và có xu hướng ngày càng manh động, liều lĩnh.
"Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội thì vấn đề cơ bản vẫn là tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn sớm, xử lý kịp thời các băng, nhóm có ý định đánh nhau. Ngoài tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thì công an còn "tuần tra" trên cả không gian mạng để kịp thời phát hiện các nhóm có biểu hiện mâu thuẫn, hẹn nhau hỗn chiến. Thực tế thì nhiều vụ mâu thuẫn, đánh nhau đã kịp thời bị dập tắt, khống chế từ nguồn thông tin trên mạng xã hội", ông Hương nói.
Theo công an TP.Đà Nẵng, để ngăn chặn các vụ việc các băng nhóm "giang hồ nhí" hỗn chiến, lực lượng công an sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát an ninh nhằm hỗ trợ phòng ngừa. Qua đó, kịp thời phát hiện các loại tội phạm, nhất là tình trạng các nhóm thanh thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí đánh nhau.
Liên quan đến tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, trong đó có sử dụng cả bom xăng với mức độ nguy hiểm cao, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho biết: Khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra.
Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.
Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS có những quy định riêng, trong đó nguyên tắc xử lý chung là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm vào mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.