Alice Munro - Bậc thầy của truyện ngắn đương đại

14-10-2013 17:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nữ văn sĩ Canada nổi tiếng Alice Munro đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 2013. Nhiều chuyên gia so sánh tác phẩm của bà với tác phẩm của Chekhov, trong khi đó Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá bà là "Bậc thầy của truyện ngắn đương đại".

Nữ văn sĩ Canada nổi tiếng Alice Munro đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 2013. Nhiều chuyên gia so sánh tác phẩm của bà với tác phẩm của Chekhov, trong khi đó Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá bà là "Bậc thầy của truyện ngắn đương đại". Alice Munro trở thành người phụ nữ thứ 13 đoạt giải thưởng danh giá này kể từ khi nó được thành lập năm 1901.

Giải thưởng Nobel Văn học, giống như bất cứ giải thưởng văn học nào có thể giải quyết những nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ, nhiệm vụ chính trị: đó là trường hợp nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn năm ngoái. Giải thưởng văn học ở đây dường như thay thế giải hòa bình: khi hai quốc gia láng giềng đang xích mích với nhau, hãy để cho văn học hòa hoãn họ. Điều này không có gì xấu, nhưng ý nghĩa của nó đối với văn học không lớn. Giải thưởng Nobel có thể được trao vì cống hiến, ví dụ như trường hợp nhà thơ Tomas Transtromer năm 2011. Trong trường hợp này, giải thưởng hoàn toàn xứng đáng với tầm cỡ tài năng của Tomas Transtromer, nhưng nó không tăng thêm vinh quang cho nhà thơ và cũng không bổ sung nhiều độc giả mới cho ông.

Alice Munro - Bậc thầy của truyện ngắn đương đại 1
 Nhà văn Alice Munro.

Alice Munro có lẽ là trường hợp thứ ba. Có thể giả định rằng ở đây mục đích chính của việc trao giải là giới thiệu một nữ văn sĩ tài năng cho những kẻ chưa biết bà, đặc biệt là kích thích việc dịch tác phẩm của bà ra các ngôn ngữ khác. Vị thế nhà văn cổ điển của Alice Munro đã được khẳng định từ lâu: có lẽ, không một nhà phê bình nào nói rằng chưa nghe cái tên này, như điều đã xảy ra với nữ văn sĩ Đức Herta Muller; không ai coi bà là nhà văn nhẹ đồng cân, như trường hợp nhà văn Ý Dario Fo; và cuối cùng không ai buộc tội bà viết văn khiêu dâm, như nữ văn sĩ Áo Elfriede Jelinek. Nhưng dù sao tên tuổi của Alice Munro cũng chưa thật nổi trội, hiện nay, tác phẩm của bà có cơ sở để được dịch và xuất bản. Điều quan trọng mà Ủy ban Nobel lần này đã làm được có lẽ là phục hồi thể loại truyện ngắn: trước đây, các nhà văn đoạt giải Nobel đều là tác giả tiểu thuyết - còn Alice Munro thì ngược lại. "Nhiều năm liền tôi nghĩ rằng truyện ngắn chỉ là một sự khởi động trước khi viết tiểu thuyết - Alice Munro phát biểu trong một bài trả lời phỏng vấn của báo The New Yorker. – Sau đó tôi hiểu rằng đấy là tất cả những gì tôi có thể làm được và tôi chấp nhận. Hy vọng, những cố gắng của tôi dành thật nhiều cho truyện ngắn sẽ bù đắp lại điều đó".

Lần đầu tiên Alice Munro thử bút khi bà còn ở tuổi vị thành niên, nhưng tuyển tập truyện ngắn đầu tay của bà Điệu vũ của những cái bóng hạnh phúc (Dance of the Happy Shades) xuất bản năm 1968 đã thu được thành công lớn ở Canada. Tiếp theo, cuốn sách của bà có tên gọi Cuộc đời của các cô gái và đàn bà (Lives of Girls and Women) ra đời, được các nhà phê bình gọi là tiểu thuyết giáo dục nhân cách.

Alice Munro nổi tiếng chủ yếu như là tác giả của các truyện ngắn mà xét về chiều sâu, sự tinh tế và hàm xúc, các nhà phê bình coi như những cuốn tiểu thuyết. Nữ văn sĩ đã xuất bản 14 tập truyện ngắn, trong đó có Anh nghĩ anh là ai? (Who Do You Think You Are? 1978), Mặt trăng của sao Mộc (The Moons of Jupiter, 1982), Trốn chạy ("Runaway", 2004, đã được xuất bản tại Việt Nam), Điểm nhìn từ lâu đài đá (The View from Castle Rock, 2006) và Quá nhiều hạnh phúc (Too Much Happiness, 2009). Tác phẩm cuối cùng của bà có tên gọi Cuộc đời yêu quý (Dear Life), xuất bản năm 2012.

Nhiều tập truyện ngắn của bà đã được trao tặng giải thưởng văn học. Alice Munro đã đoạt giải Booker quốc tế (2009). Từ đó, các nhà phê bình văn học bắt đầu gọi bà là "Chekhov của Canada". Cũng như đại văn hào Nga, cốt truyện các truyện ngắn của bà được xây dựng xung quanh cuộc sống của các thị trấn, nơi cuộc đấu tranh sinh tồn thường dẫn tới những xung đột giữa các thế hệ và sự đụng độ của lòng tự tôn.

Mặc dù miêu tả những khía cạnh của đời sống hàng ngày, nhưng Alice Munro bằng tài năng của mình đã tạo nên những câu chuyện tràn đầy tính hiện sinh. Theo nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển: "Bà có lối kể chuyện tinh tế đặc trưng bởi sự rõ ràng và trung thành với chủ đề hiện thực".

Alice Munro là nhà văn Canada đầu tiên trong lịch sử đoạt giải Nobel văn học; không kể Saul Bellow, người Mỹ gốc Do Thái sinh ra ở Quebek. Như vậy, quyết định lần này của Ủy ban Nobel đã hoàn toàn đánh mất cơ hội đoạt giải của một nữ văn sĩ Canada xứng đáng khác là Margaret Atwood. Tuy thế, khi biết tin Alice Munro được trao giải, bà đã viết trên trang Twitter của mình: "Hoan hô!". Chiến thắng của Munro khá bất ngờ khi danh sách ứng cử viên giải Nobel Văn học năm nay không thiếu các tài năng đến từ nhiều châu lục: Haruki Murakami (Nhật Bản), Joyce Carol Oates, Philip Roth, Bob Dylan (Mỹ), Peter Nadas (Hungary), Javier Marias (Tây Ban Nha), Adinis (Syria), Ko Un (Hàn Quốc), Svetlana Alekseevich (Belarussia)..., đặc biệt là Haruki Murakami đã nhiều lần được coi là ứng cử viên sáng giá và năm nay được đánh giá cao.

Giải Nobel Văn học - 2013 xem ra hết sức mâu thuẫn với ý nguyện của Alfred Nobel: nhà công nghiệp Thụy Điển mong muốn trao giải cho những nhân vật lỗi lạc để cổ vũ họ tiếp tục chiến công. Bà Munro 82 tuổi, mùa hè năm 2013 đã tuyên bố chia tay với văn học: "Tôi, chắc chắn, sẽ không viết nữa", - bà nói. Như vậy, cuốn sách cuối cùng của bà là Cuộc đời yêu quý (Dear Life) xuất bản năm 2012. Theo Munro, bà bắt chước nhà văn Mỹ Philip Roth, người đã tuyên bố ngừng viết vào mùa thu năm 2012, trước khi bước vào tuổi 80. "Roth khích lệ tôi rất nhiều, - Alice Munro nói.

Trần Hậu

(Theo báo Nga)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn