Hà Nội

“Ai không một lần gọi... bác sĩ ơi”!

26-02-2009 13:13 | Thời sự
google news

Đêm giao lưu nghệ thuật "Giai điệu yêu thương" do Bộ Y tế, báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức tối 25/2 là lời tri ân đối với những cán bộ y tế trên khắp mọi miền Tổ quốc đang lặng lẽ ngày đêm ân cần gọi nhịp sống hồi sinh.

Một tiếng trẻ sơ sinh khóc chào đời, một nụ cười của người mẹ, một tiếng reo vui khi người già nào vừa thoát cơn hiểm nghèo… Tiếng hát của người ca sĩ cất lên chất chứa bao yêu thương của những người thầy thuốc. Đêm giao lưu nghệ thuật "Giai điệu yêu thương" do Bộ Y tế, báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức tối 25/2 là lời tri ân đối với những cán bộ y tế trên khắp mọi miền Tổ quốc đang lặng lẽ ngày đêm ân cần gọi nhịp sống hồi sinh.

Mới gần 7 giờ tối, còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ khai mạc chương trình, hội trường Cung Văn hóa Hữu Nghị đã chật kín người. Ngoài trời, những hạt mưa vẫn lặng lẽ rơi nhưng không cản được dòng người đổ về với đêm hội "Giai điệu yêu thương" dành riêng tặng cho những người thầy thuốc. Cùng góp mặt về đây còn có 455 cán bộ y tế cơ sở từ khắp mọi miền tổ quốc. Những sắc áo chàm xen lẫn màu vàng của áo Chăm, màu trắng, đen của áo Thái, Mường, Mông đủ sắc màu xen lẫn ánh sáng đêm hội càng làm không khí hội trường thêm sôi động.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu và lãnh đạo Bộ Y tế, các thành viên Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ.
Ảnh: Trần Minh

Cuộc hành trình sau gần một năm đã đi đến chặng cuối cùng. Trong không khí ấm cúng và tràn ngập niềm vui, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi đã biểu dương báo SK&ĐS trong nhiều năm qua cùng với những cố gắng và thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn đã có nhiều hoạt động xã hội giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đặc biệt là tổ chức thành công cuộc thi “Giai điệu yêu thương”, và Bộ trưởng long trọng tuyên bố khai mạc Đêm giao lưu nghệ thuật đặc biệt nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Tiếp nối không khí đầy cảm xúc ấy, nhà thơ, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập báo Sức khỏe & Đời sống Trưởng ban tổ chức cuộc thi đã xúc động nhấn mạnh: "Lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc nước nhà, một cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành y tế với chủ đề "Giai điệu yêu thương" đã được báo Sức khỏe tổ chức thành công. Không chỉ dừng lại ở mục đích là có được những bài hát về ngành y tế, trong suốt một năm qua cuộc thi của chúng ta đã hướng tới mục đích nhân văn cao cả là để trái tim, để tấm lòng mỗi người rung lên những giai điệu của tình yêu thương, của sự đồng cảm và chia sẻ trước những nỗi đau của đồng loại, trước những hy sinh của người thầy thuốc và những nghiệt ngã của cuộc đời. Và cuộc thi đã làm được một công việc hết sức có ý nghĩa là gắn kết thi ca và y tế hai công việc, hai lĩnh vực tưởng như khác biệt mà lại rất gần gũi". Một kỷ niệm nhà thơ Trần Sĩ Tuấn nhắc đến trong cuộc thi khiến cả hội trường bùi ngùi lặng đi. "Đó là câu chuyện của nhạc sĩ Tân Huyền, người từng là Trưởng ban tổ chức nhiều cuộc đi thực tế sáng tác của Hội Nhạc sĩ, tác giả của nhiều bài hát giàu sức truyền cảm sau khi nhận lời mời của Ban tổ chức ông đã dành thời gian, tìm cảm hứng, vun đắp cảm xúc viết bài hát Giữa đêm khuya lặng lẽ nhưng trong lúc sáng tác ông lại lâm bệnh nặng. Trước khi đi viện ông còn gọi điện trò chuyện về bài hát ông đã viết xong, chờ hòa âm và đưa phòng thu. Rồi ông mới vào viện và mất sau đó ít lâu".

Ở bên dưới, không ít người đã vội lau giọt nước mắt thương cảm người nghệ sĩ giàu lòng yêu thương. Và bài hát Giữa đêm khuya lặng lẽ, một giai điệu đẹp, chứa chan tình cảm của ông sau đó đã vang lên như gửi gắm tấm lòng của người nhạc sĩ kính yêu với ngành y, điều đó sẽ mãi mãi lay động tâm hồn những người đã từng một lần được nghe tác phẩm cuối cùng của ông...

Nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Hạ Vân song ca bài hát Lặng lẽ ân tình. Ảnh: PV

Sau phút bùi ngùi xúc động, sân khấu lại rực rỡ với ánh đèn và những giai điệu xúc cảm. Đêm, ánh sáng trắng, áo khoác trắng, nụ cười trắng... đã tạo nên một Dạ khúc trắng (nhạc Nguyễn Thụy Kha, phỏng thơ Trần Sĩ Tuấn) mang đậm chất thi ca vào trong những ca trực đêm của những người thầy thuốc. Ở đó không chỉ có những ca cấp cứu với những nỗi đau của người bệnh trong đêm tối. Khi tiếng hát của ca sĩ Việt Hoàn cất lên, cả hội trường như bừng sáng, đó là thứ ánh sáng trắng diệu kỳ nhất, lan tỏa nhất. Sự đối lập giữa màu đen của đêm với màu áo của người thầy thuốc mang đến một sự liên tưởng đẹp đẽ. Khi sự sống của bệnh nhân được bàn tay của người thầy thuốc hồi sinh thì dù đêm đen, dù vất vả, gian truân cũng không còn trở ngại gì nữa. Trời sao kia còn là bầu bạn của những người thầy thuốc trong những đêm trực nhớ nhà. Có lẽ những đêm trực "thức trắng cùng sao trời" là đặc điểm đặc trưng nhất khi nói về ngành y. Cũng vì thế mà trong các sáng tác của các nhạc sĩ cả chuyên nghiệp và không chuyên, những ca trực trong đêm đều được nhắc đến. Đó là Một sắc thanh cao của tác giả Tuấn Phương với "những đêm dài thức trắng cùng sao trời" hay Cô gái ngành y - một ca khúc mang đậm chất dân ca vùng núi Tây Bắc của tác giả Nguyễn Thị Hựu, dân tộc Thái, một kỹ thuật viên gây mê hồi sức đang công tác tại BV huyện Mộc Châu, Sơn La. Chia sẻ tâm sự về sáng tác của mình, chị Hựu bộc bạch rằng, những giai điệu đó là bản sắc quê hương chị mà chị muốn gửi đến tất cả những đồng nghiệp ở cả miền ngược lẫn miền xuôi. Còn "chất bột" để tạo nên cái hồn của bài hát chính là những công việc đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở bệnh viện nơi chị công tác. Chị còn ví rằng, khi báo SK&ĐS tổ chức cuộc thi âm nhạc mang chủ đề "Giai điệu yêu thương", chị "như người nhóm bếp gặp được ngùi lửa". Và ngọn lửa ấy đã bùng cháy lên, giúp chị Hựu và các đồng nghiệp nói lên những tâm tư của mình và tìm kiếm sự đồng cảm của những người biết trân trọng giá trị của những sự hy sinh thầm lặng.

Đêm giao lưu không chỉ là tiếng lòng của người thầy thuốc đang ngày đêm lặng lẽ ân cần "gọi nhịp sống hồi sinh, gọi những con đường rộng mở về cuộc sống" mà còn là sự tri ân của những người đã từng chịu ơn cứu chữa của các thầy thuốc. "Khi ta nằm tuyệt vọng giữa cơn đau, càng khao khát những ngày xanh trở lại... Những thiên thần áo trắng bên ta, cho ta thấy trời xanh bao mơ ước" là những lời lẽ tự đáy lòng mà nhạc sỹ đất cảng Duy Thái gửi gắm trong ca khúc Áo trắng diệu kỳ. Đó là lòng biết ơn của một người bệnh vừa thoát khỏi cơn hiểm nghèo nhờ vào bàn tay tài hoa và sự tận tụy của các thầy thuốc.

Không chỉ là lòng biết ơn đối với những người thầy thuốc, những "bệnh nhân" còn mạnh dạn bày tỏ mong muốn đối với các thiên thần áo trắng của họ. Bác sĩ ơi, nụ cười của nhạc sĩ Nguyễn Cường chính là lời bày tỏ của bệnh nhân đối với bác sĩ, y tá và nhân viên y tế nói chung. Kể về những trải nghiệm của mình trong bệnh viện, nhạc sĩ muốn nói về một tứ khác của ca từ bài hát: Ai không một lần gọi... bác sĩ ơi. Và bác sĩ ơi hãy cười lên nhé vì "mặt trời còn gọi tên bác sĩ" nữa mà.

Nhạc sĩ Trần Tiến từng tâm sự rằng, ông sáng tác bài hát Sắc màu lúc đang nằm ở bệnh viện. Ông nói đùa, vì lúc đó đang bệnh, mắt hoa lên mới nhìn thấy nhiều màu sắc như thế. Sau rồi ông cũng thành thật rằng lúc tỉnh lại trên bàn mổ, ông cứ ngỡ mình đã đi về một cõi khác, mình đang được "siêu thoát" nên mới hồi tưởng lại những sự việc ở trần thế với muôn màu muôn vẻ. Bây giờ, khi nhớ lại thời khắc đó, ông vẫn thấy như mình được hồi sinh lần thứ hai trong đời. Và để ghi nhớ cái ơn và cái tình của những người thầy thuốc đã không quản ngại gian nan vì sự sống của ông và những người bệnh khác, ông đã viết nên ca khúc Lặng lẽ, ân tình và hát tặng những cán bộ y tế đang miệt mài giành giật sự sống cho người bệnh. Câu kết của bài hát "Quê hương bay lên từ những trái tim lặng lẽ ân tình" không hề quá lời mà chính là sự ghi nhận của xã hội đối với những người đã, đang và sẽ chọn cho mình sự nghiệp cao quý là cứu người.

Kết thúc đêm giao lưu, một lần nữa Khúc tráng ca Đặng Thùy Trâm (sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn và TS.BS. Triệu Triều Dương) vang lên như thôi thúc các thế hệ mai sau tiếp bước truyền thống của thầy thuốc cách mạng Việt Nam "lương y như từ mẫu".

12 ca khúc được trình bày trong đêm giao lưu là kết tinh từ những cảm xúc chân thực của các nhạc sỹ để tôn vinh những thành tựu to lớn của các thầy thuốc. Đây cũng là những ca khúc nổi bật nhất được lựa chọn từ 403 tác phẩm tham dự cuộc thi âm nhạc lớn do báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức thành công trong năm qua với chủ đề "Giai điệu yêu thương". Như đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế: Chăm sóc sức khỏe là công việc nhiều gian nan vất vả, nhưng cũng luôn ấm áp tình người, cần được hỗ trợ diễn tả bởi ngôn ngữ thi ca. Và đây, cuộc thi âm nhạc lớn đầu tiên về ngành y với tên gọi "Giai điệu yêu thương" được báo SK&ĐS tổ chức thành công, đã giúp cho những cán bộ y tế có được những bài hát riêng về ngành, mang đậm dấu ấn đặc thù với những giai điệu đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hạ Hiền

Để có sự thành công của cuộc thi "Giai điệu yêu thương" báo Sức khỏe & Đời sống xin trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo sát sao của TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế. Cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ, các cơ quan, đoàn thể với cuộc thi.

Trân trọng cảm ơn Hội nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc sĩ trong và ngoài ngành y tế đã dành những tâm huyết để sáng tác các ca khúc, đánh giá chất lượng và chấm giải các tác phẩm dự thi.

Đặc biệt, trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã giúp cho Chương trình "Giai điệu yêu thương" thành công rực rỡ: Nhà tài trợ chính Tập đoàn dược phẩm Viễn Đông; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoàng Khang; Công ty Cổ phần tài chính đầu tư xây dựng Chu Việt.

Báo Sức khỏe & Đời sống cũng cảm ơn các cán bộ y tế cơ sở, bạn đọc và khán giả đã tham gia và ủng hộ cho chương trình.


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn