Đã là cuộc chiến thì sự thắng bại giữa đúng - sai, tà - chính phụ thuộc rất nhiều vào "tương quan lực lượng". Người tố cáo nằm ở thế chiếu dưới biết hiện tượng nhưng không có đầy đủ bằng chứng rất có thể bị quy thành tội vu cáo hoặc ít nhất cũng là tội "gây rối nội bộ". Người bị tố cáo khi chưa lộ vẫn là cán bộ lãnh đạo có uy tín, với "trên" có điều kiện "trình bày" để được "thông cảm", với "dưới" thì có quyền ban phát ảnh hưởng tới số đông, nhất là chuyện quyền lợi, "nồi cơm manh áo" của một số người. Về bằng chứng, người bị tố cáo có thể chỉ đạo cấp dưới quyền làm sạch hoặc hợp thức hóa bằng chứng nếu nắm được nội dung tố cáo. Chính vì vậy, trong cuộc sống đã có câu tổng kết thật chua xót "Đấu tranh thì tránh đâu".
Chính vì thế, những người dám công khai tố cáo tham nhũng, tiêu cực là những người rất dũng cảm. Trong quá trình tố cáo, người tố cáo thường bị cô lập trước tập thể, thậm chí bị đe dọa, lâm vào cảnh khó khăn về kinh tế là chuyện ai cũng trải qua, nhưng họ không lung lay, lùi bước. Tố cáo thắng lợi rồi, kẻ tham nhũng tiêu cực bị xử lý rồi nhưng vẫn chưa được yên và việc bảo vệ những người tố cáo là điều cần được quan tâm mặc dù việc bảo vệ, khen thưởng người tố cáo đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, nhưng những điều khoản này được thực hiện còn chưa tương xứng với người tố cáo tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng hiện nay thường không phải một cá nhân tham nhũng mà thường là người có quyền cùng bộ sậu tham nhũng, thậm chí tập thể tham nhũng, tiêu cực vì lợi ích cục bộ đi ngược lợi ích nhân dân, trái quy định của pháp luật. Khi vụ việc bị phát giác, kẻ có tội bị xử lý nhưng cấp trên kẻ có tội tuy không bị xử lý, chỉ bị mất uy tín, danh dự vì buông lỏng quản lý để "rút kinh nghiệm sâu sắc" thì người tố cáo cũng lãnh đủ sau khi tố cáo có kết quả. Khi quyền lợi cục bộ trái với pháp luật bị xóa bỏ, nhiều người bị truy đòi khoản nhận sai trong đơn vị cũng nhìn người tố cáo như một nguyên nhân gây nên sự "thiệt thòi" của mình. Những vụ điển hình chống tham nhũng thành công như vụ Tánh Linh, đất Đồ Sơn, những người bị tố cáo đều đã phải lĩnh án tù, nhưng những người tố cáo đã phải "tự cứu" cuộc sống của mình. Ông Nguyễn Minh Thảo (vụ phá rừng Tánh Linh) phải nuốt nước mắt ký vào đơn xin nghỉ việc, đại tá Đinh Đình Phú (vụ Đồ Sơn) bị cô lập ở địa phương hoặc ông Hoàng Văn Khánh dù được tôn vinh là một trong số 88 người tiêu biểu có thành tích chống tham nhũng vẫn đang khắc khoải hy vọng sẽ tiếp tục được làm ăn một cách bình thường trước thế lực vô hình nào đó đang chặn con đường sống...
Gần đây là chuyện chị Phan Thị Oanh ở BV đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Chị là cấp dưới nên lúc đầu phải tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, đã ký vào một số bản xét nghiệm khống, nhưng thấy việc làm sai, chị đã làm đơn tố cáo việc làm sai trái. Bị sức ép, chị phải rút đơn nhưng vẫn làm một việc mà không ai trong bệnh viện có điều kiện để thu thập chứng cứ làm bằng chứng tố cáo. Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm để rút ruột quỹ bảo hiểm y tế bị phơi bày nhưng bây giờ chị đang dính vào vòng lao lý. Luật phải nghiêm nhưng phải thấu nhân tình và thực tế. Ngay CSGT thấy người vượt đèn đỏ nhưng biết người đó vội đến phòng cấp cứu với người thân vừa bị nạn đã không phạt mà còn an ủi, chia sẻ được dư luận hoan nghênh. Lẽ nào chuyện chị Oanh cứ cứng nhắc căn cứ vào những bản ký khống trước khi tố cáo để quy xét. Liệu còn ai dám tố cáo, dám thức tỉnh trước hành vi sai trái khi mà trước đó, họ buộc phải làm vì là cấp dưới?
Bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực còn là phải xử từ gốc, nghiêm với cả cấp trên khi buông lỏng quản lý. Đặc biệt, kẻ chủ mưu, là người ra lệnh làm việc sai trái lại chỉ chịu phần "thiếu trách nhiệm" và cấp dưới vì thân phận phụ thuộc buộc phải làm theo, phải gánh thay mọi tội lỗi.
Lê Quý Hiền