9 ngộ nhận sai trong điều trị đái tháo đường tuýp 2

09-08-2016 09:08 | Đời sống
google news

SKĐS - "Không cần phải kiểm tra đường huyết, có thể ăn bất kỳ thứ gì bạn muốn vì đã có thuốc,..." là những ngộ nhận rất nguy hiểm trong điều trị đái tháo đường.

“Ít nhất thì nó cũng chẳng tồi tệ như ung thư”.

Có thể đó là những câu nói bạn sẽ được nghe khi bắt đầu phàn nàn về những khó khăn gặp phải trong quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Và mọi người thường rỉ tai nhau những thông tin không biết được lấy từ đâu, rằng bệnh đái tháo đường không nguy hiểm như các bệnh mạn tính khác. Nhưng, trên thực tế, đái tháo đường tuýp 2 làm tăng nguy cơ tử vong sớm 50%, và theo Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đái tháo đường ‘hoàn toàn có thể kiểm soát được với chế độ ăn kiêng hợp lý, tập luyện thể dục, và sử dụng thuốc đều đặn’.

Dưới đây là 9 ngộ nhận trong điều trị đái tháo đường mà chúng ta thường mắc phải dẫn tới tình trạng bệnh sẽ càng thêm nghiêm trọng và mất kiểm soát:

1. Không cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên, do ta có thể cảm nhận được lượng đường huyết cao hay thấp

Chờ đợi để có thể cảm nhận được mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp là rất nguy hiểm. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), điều này có thể dẫn tới tai biến, thương tổn, hôn mê và thậm chí tử vong.

“Nhiều nghiên cứu về khả năng cảm nhận lượng đường trong máu của con người đã được thực hiện, và đáng tiếc là, hầu hết mọi người đều cảm nhận không chính xác ”, Amber Taylor, bác sỹ y khoa, chuyên gia nội tiết kiêm giám đốc Trung tâm Đái tháo đường của Trung tâm Y tế Mercy, Baltimore nói.

9 ngộ nhận sai trong điều trị đái tháo đường tuýp 2

Nếu lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia, bạn có thể sống vui khỏe kể cả khi đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2

Bên cạnh việc xác định mức đường huyết trong phạm vi an toàn, việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là rất cần thiết. Vậy, cần kiểm tra bao nhiêu lần là đủ? Bác sỹ Taylor khuyên nên thực hiện hàng ngày từ 3 tới 4 lần đối với bệnh nhân tiêm insulin, và ngày một lần đối với bệnh nhân sử dụng thuốc đường uống. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, nếu có sự chỉ dẫn chuyên biệt của bác sỹ điều trị.

2. Phải tiêm insulin đồng nghĩa với thất bại trong kiểm soát bệnh

Insulin là một hormone sản sinh theo cơ chế tự nhiên từ tuyến tụy cho phép chuyển hóa đường từ thức ăn thành năng lượng cơ thể hoặc dự trữ. Khi bị mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể người bệnh không thể sử dụng insulin, thậm chí mất khả năng tự sản sinh insulin. Trong những trường hợp này, giải pháp tiêm insulin khi đó là một lựa chọn – dù cho người bệnh mới được chẩn đoán mắc đái tháo đường hay đã mắc từ 15 năm trước hoặc hơn thế nữa.

Chuyên gia dinh dưỡng tiểu đường Jenny Champion lý giải,”nếu bác sỹ yêu cầu bạn bắt đầu sử dụng insulin, điều đó không có nghĩa là bạn thất bại. Điều đó chỉ có nghĩa rằng, cơ thể bạn cần một phương pháp điều trị khác để tiếp tục giữ cho cơ thể khỏe mạnh”.

3. Kiểm soát bệnh đái tháo đường rất đau đớn và phức tạp

Người bị mắc đái tháo đường trước đây thường phải tuân theo một thời gian biểu rất chặt chẽ, cứng nhắc và thường đau đớn khi tiêm insulin. Nhưng giờ đây, mọi việc đã khác. “Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ bệnh đái tháo đường trong 50 năm qua, kim tiêm nhỏ xíu, máy đo đường huyết nhanh gọn, và các dòng thuốc loại mới đã giúp cho việc kiểm soát bệnh được dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều”, Taylor nói.

 

Tiêm insulin, luyện tập thể thao vừa sức và có một chế độ ăn lành mạnh, tránh làm tăng đường huyết là bí quyết giúp bạn sống chung với bệnh đái tháo đường

Tiêm insulin, luyện tập thể thao vừa sức và có một chế độ ăn lành mạnh, tránh làm tăng đường huyết là bí quyết giúp bạn sống chung với bệnh đái tháo đường

 

4. Đã có thuốc kiểm soát đường huyết, vậy nên, có thể ăn bất cứ thứ gì bạn muốn

“Chúng ta cần ăn tất cả những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dù cho chúng ta có mắc bệnh đái tháo đường hay không”, Taylor nói. “Bạn sử dụng thuốc, không có nghĩa là bạn có thể có một chế độ ăn không khỏe mạnh”. “Hãy nhớ rằng, những gì bạn ăn ảnh hưởng trực tiếp tới tác dụng của thuốc và số lượng thuốc bạn cần ”, Champion nhấn mạnh “vậy nên, rất quan trọng khi tiếp tục thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ngay cả khi sử dụng thuốc hàng ngày”.

5. Không thể có cuộc sống năng động khi mắc đái tháo đường

“Thực chất, năng động là một cách kiểm soát đường máu và ngăn ngừa biến chứng trong tương lai”, Champion nói. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ ADA khuyên dành khoảng 30 phút tập luyện các bài thể dục nhịp điệu cường độ mạnh ít nhất 5 ngày một tuần. Nếu không thực hiện được mỗi ngày 30 phút liên tục, bạn có thể phân nhỏ thành 10 phút một trong nhiều lần bao gồm đi bộ nhanh, leo cầu thang, bơi, và khiêu vũ.

Nên nhớ, tập thể dục có thể làm giảm đường huyết. Vậy nên, hãy ăn nhẹ trước khi vận động, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng thuốc tiểu đường. Hãy thông báo cho bác sỹ trước khi bắt đầu bất kỳ một chế độ luyện tập nào cũng như hỏi các bước giúp phòng ngừa hiện tượng hạ đường huyết.

6. Sử dụng insulin gây các biến chứng như đoạn chi và tử vong

Hoàn toàn ngược lại, insulin là nhân tố cứu rỗi cuộc sống của các bệnh nhân đái tháo đường. Insulin giúp các tế bào hấp thu và sử dụng đường trong cơ thể, giảm đường máu, ngăn ngừa các tổn thương bộ phận và các biến chứng khác của đái tháo đường.

Theo Taylor, “ví dụ, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết quá cao và được chỉ định tiêm insulin nhưng cuối cùng vẫn bị đoạn chi. Bệnh nhân đó cho rằng, việc đoạn chi là do sử dụng insulin. Nhưng trên thực tế, nếu được chữa trị sớm hơn, insulin có thể ngăn ngừa biến chứng này”.

7. Nếu người thân sử dụng thuốc loại nào, tôi cũng sẽ cần loại tương tự như vậy

“Đái tháo đường là bệnh không được chữa trị theo một phác đồ cố định”, Taylor nói. Lời khuyên cụ thể cho việc bạn nên sử dụng loại thuốc nào dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm khoảng thời gian bị tiểu đường và loại thuốc đang dùng, cũng như các yếu tố rủi ro và tình trạng sức khỏe. Tất cả những điều đó có thể rất khác so với người thân của bạn.

8. Phải giảm cân nhiều để cải thiện bệnh

Quá cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường. Theo chuyên gia dinh dưỡng tiểu đường Jenny Champion, thậm chí giảm cân một chút thôi cũng đã cải thiện đáng kể bệnh. “Thông thường, giảm từ 5 tới 10% tổng trọng lượng cơ thể là đủ. Rất nhiều bệnh nhân cảm nhận mức đường huyết đã được kiểm soát tốt hơn tức thì ngay sau khi họ thay đổi chế độ ăn kiêng”.

9. Dù có làm gì đi nữa, cuối cùng vẫn bị biến chứng tàn tật

Đây có lẽ là ngộ nhận sai lầm lớn nhất trong tất cả. – rằng, nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, chắc chắn bạn sẽ vướng vào các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như mất thị lực, tổn thương thần kinh, hay biến chứng thận. Thật ra không phải như vậy. “Chúng ta cố gắng hết sức để tránh những giai đoạn đó”, Taylor nói. “Mọi người có thể sử dụng insulin trong nhiều năm và không bao giờ phát triển những biến chứng”.

Từng bước giữ đường huyết trong tầm kiểm soát, tiếp tục nắm bắt các thông tin nhiều nhất có thể về căn bệnh đái tháo đường, và thường xuyên liên lạc với bác sỹ- đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.


Phạm Thảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn