Hà Nội

26 trạm y tế thí điểm triển khai mô hình tăng cường năng lực y tế cơ sở

20-12-2017 18:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân chỉ đạt được khi chúng ta thực sự chú trọng và phát huy được vai trò "người gác cổng" của y tế cơ sở

Chiều ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại trạm y tế xã phường

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ở nước ta rộng khắp từ TW đến xã, phường đều bao phủ hệ thống y tế, thậm chí còn có cả y tế thôn bản thông qua hệ thống các cô đỡ thôn bản. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5 % trạm có bác sĩ khám chữa bệnh; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là  96%; gần 80 % trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với cán bộ y tế của trạm y tế xã Hát Lừu-huyện Trạm Tấu- tỉnh Yên Bái

"Nhờ bao phủ y tế mà công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai sâu rộng, do đó các chỉ số liên quan đến sức khỏe của chúng ta đều đáng tự hào. Việt Nam là 1 trong 10 nước đạt mục tiêu thiên nhiên kỷ về sức khỏe bà mẹ trẻ em. Chúng ta đã khống chế và loại trừ thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm..." - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế cho thấy công tác y tế cơ sở vẫn còn không ít hạn chế đó là chất lượng dịch vụ y tế còn thấp; Năng lực hoạt động của các cán bộ y tế còn hạn chế; Danh mục thuốc ít, nghèo nàn và chi từ Quỹ BHYT cho người dân khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở còn hạn chế ... nên người dân không tin, không muốn đến với y tế cơ sở, phải vượt tuyến lên trên dẫ đến tốn kém quỹ BHYT va tốn kém tiền của người dân.

Ngoài ra nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường và tăng huyết áp chưa được kiểm soát tốt tại tuyến xã gắn với nguyên lý bác sĩ gia đình.

Bên cạnh đó, chúng ta còn lãng phí và dàn trải trong đầu tư xây dựng trạm y tế. Nhiều xã phường ngay vùng đồng bằng sát cạnh bệnh viện huyện vẫn xây trạm y tế to trong khi không có bệnh nhân.

Tại nhiều địa phương của miền núi diện tích rộng, xa trung tâm thì chỉ có mỗi một trạm y tế trong khi trạm này chưa được đầu tư thường xuyên nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì thế dẫn đến sự chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa người dân miền núi và vùng đồng bằng.

"Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là nội dung được thể hiện rõ trong các Nghị quyết TW về y tế vừa được ban hành. Vậy vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở để thu hút người dân đến thăm khám, để y tế cơ sở đúng với vai trò "người gác cổng" trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân "- Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Thăm khám cho người dân tại trạm y tế xã Đồng Thịnh- huyện Yên Lập- Tỉnh Phú Thọ

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới (giai đoạn 2018- 2020). Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ 6 nhiệm vụ để thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới gồm các nhiệm vụ về chuyên môn; nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị; cung cấp tài chính và bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng mô hình điểm 26 trạm y tế xã tại 8 tỉnh, thành phố.

Về nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) cho biết cụ thể thêm, Bộ Y tế đã thống nhất lựa chọn 26 trạm y tế của 26 xã phường tại 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Long An, Khánh Hòa và Lâm Đồng để triển khai mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở.

 

Phát biểu tại hội nghị, TS Kidong Park- Trưởng đại diện của Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ, đổi mới hệ thống y tế là một phần quan trọng để chúng ta đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Theo TS Kidong Park, để thực hiện Nghi quyết TW về công tác chăm sóc sức khỏe bao gồm cả điều trị và dự phòng cùng với truyền thông nâng cao sức khỏe cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống. Đồng thời ngành y tế cũng cần hướng tới hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm và lấy người dân làm trung tâm trong hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
TS Kidong Park cũng nhấn mạnh, chìa khóa cho sự thành công là chúng ta phải trao quyền quản lý, nâng cao vị thế cho các nhà quản lý y tế tuyến huyện đồng thời nâng cao vị thế của y tế cơ sở. Theo đó, vai trò lãnh đạo của Trung tâm y tế huyện rất quan trọng vì đây là đơn vị hiểu rõ nhất về y tế cơ sở của địa phương, nên khi được tăng cường xuống xã thì họ sẽ làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó cần tăng cường trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở.
“Chúng ta phải nhìn nhận được tầm quan trọng của y tế cơ sở để giúp chúng ta đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân”- Trưởng đai diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ.

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn