Nguy hiểm vì chủ quan với lệch khúc xạ 2 mắt vì "một mắt vẫn nhìn tốt"!
Dù đã là một bác sỹ chuyên khoa mắt hơn 20 năm, hàng ngày khám cho hàng trăm người bệnh có tật khúc xạ các loại nhưng ThS.BS Nguyễn Thị Minh Ngọc – Chuyên gia khúc xạ, Bệnh viện Mắt HITEC cũng không khỏi ngạc nhiên với trường hợp cháu H.V.A, ở Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội được bố đèo đến khám tại Phòng khám mắt kỹ thuật cao số 480 Thụy Khuê, Tây Hồ thuộc hệ thống Bệnh viện Mắt HITEC.
25 tuổi, đi lao động xuất khẩu về nước, trước khi quay trở lại Đức, A. đến tiệm kính gần nhà cắt kính nhưng họ nói: "mắt cháu loạn thị nặng, họ không chỉnh được kính mà khuyên cháu nên đến bệnh viện để khám" – A. nói khi BS Ngọc hỏi: "sao mắt cháu mờ thế mà giờ này mới đi khám?".
Kết quả thăm khám bước đầu cho thấy hai mắt của A. vừa cận vừa loạn. Thị lực không có kính, mắt phải của A. chỉ đếm được ngón tay cách mắt 1,5m; mắt trái là mắt chủ đạo để nhìn cũng chỉ được 20/400 (tương đương với 0,5/10).
Bố của A. kể lại, hổi nhỏ có phát hiện mắt phải của con kém nhưng mắt trái vẫn nhìn tốt nên không cho con đeo kính. Rồi A. không vào được đại học, bố mẹ đã cho A. ra nước ngoài làm bếp nên dù mắt kém nhưng cũng chưa đeo kính vì bên đó đăng ký đi khám và cắt kính được hẹn chờ đến hàng tháng trời, A. không nghỉ việc để đi khám được... Đợt này con muốn học lái xe nên mới "quyết tâm" đi cắt kính!
BS Ngọc chia sẻ với hai bố con: "Hai mắt của A. bị cận loạn nặng, nhược thị - đây là một tật bẩm sinh nhưng tiếc là cháu để muộn quá! Bây giờ mắt phải đeo kính 5 độ cận, 3 độ loạn cũng chỉ nhìn được 20/70 (tương đương 3/10); mắt trái khá hơn đeo kính 4 độ loạn thị lực đạt 20/40 (tương đương 5/10). Tuy nhiên vì A. đã lớn lại chưa đeo kính bao giờ nên cháu không thể thích nghi với kính số cao ngay lập tức, và cháu cũng không thể lái xe được, nguy hiểm lắm!"
Hai bố con có nguyện vọng muốn mổ mắt nhưng BS Ngọc giải thích: những trường hợp đặc biệt như mắt của A. phẫu thuật là giải pháp tình thế cuối cùng, tuy nhiên cũng cần phải khám chuyên sâu kỹ hơn và dù có mổ được cũng chỉ là để thay thế kính, chứ không thể nhìn tốt hơn được vì võng mạc đã có tổn thương thoái hóa.
Hai bố con A. cầm giấy hẹn về suy nghĩ thêm và buồn bã ra về…
Tật khúc xạ nặng, nhược thị và nguy cơ mù lòa đã khép lại cánh cửa nghề nghiệp của bao người …
Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó chủ yếu là cận thị và nhiều trường hợp có cả cận loạn hoặc viễn loạn phối hợp.
Các chuyên gia phân loại độ cận như sau: cận thị nhẹ: dưới 3,00 độ; cận thị trung bình từ: 3,00 – 5,00 độ; cận thị nặng: trên 5,00 độ. Trong một số trường hợp, hai mắt có độ khúc xạ chênh nhau nhiều nếu không được khắc phục/điều chỉnh sớm sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây nhược thị bởi khi đó mắt tốt (cận thị nhẹ hơn) sẽ được sử dụng thường xuyên, mắt kém (cận thị nặng hơn) sẽ "lười" hoạt động nên ngày càng kém, thậm chí khiếm thị, mù vĩnh viễn. Có những trường hợp dẫn đến nhược thị cả 2 mắt.
Cận thị hai mắt chênh nhau từ 3,00 độ trở nên có nguy cơ cao gây nhược thị. Chênh lệch khúc xạ càng nhiều, nhược thị càng sâu, phát hiện càng muộn càng khó khắc phục.
"Thời điểm vàng" để điều trị nhược thị cho trẻ là trước 8 tuổi. Nếu nhược thị được bắt đầu điều trị trước 5-8 tuổi, thị lực có thể phục hồi hoàn toàn. Nhưng nếu bắt đầu điều trị muộn, khi trẻ lớn hơn, thị lực có thể chỉ cải thiện được một phần và rất khó có thể như bình thường được.
"Trường hợp của A. hai mắt chênh nhau đến 5 độ cận và 1 độ loạn, lại để đến khi 25 tuổi - nhược thị cả hai mắt, mới có nguyện vọng "khắc phục" thì dù có làm gì cũng chỉ đem lại một kết quả rất thấp" – BS Ngọc nhấn mạnh: "thêm vào đó A. sẽ còn phải đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm khác do thoái hóa võng mạc – hoàng điểm, bong võng mạc, đục thủy tinh thể …"
Chuyên gia nhãn khoa Bệnh viện Mắt HITEC khuyến cáo gì?
Tật khúc xạ làm giảm thị lực và là rào cản cho sự phát triển thế chất, tinh thần cũng như sự hoàn thiện thị giác hai mắt và khả năng nhận biết không gian, khả năng phối hợp tay – mắt với các động tác tinh tế, nhanh nhạy, năng động làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt, học tập và giao tiếp khám phá thế giới xung quanh của trẻ. Hệ lụy nặng nề hơn cả là sự khó khăn trong việc lựa chọn và phát triển nghề nghiệp của trẻ trong tương lai. Vì vậy, tật khúc xạ với nguy cơ mù lòa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân và gia đình mà nó còn là gánh nặng cho toàn xã hội.
Hãy chủ động quản lý tật khúc xạ cho trẻ với những lời khuyên sau đây:
- Để phát hiện sớm nhược thị, phụ huynh nên đưa con đến khám mắt, đo kính tại một cơ sở phòng khám mắt/bệnh viện có bác sỹ chuyên khoa, để được theo dõi thường xuyên, định kỳ, để được chỉnh kính tối ưu: đúng tâm, đúng số cho thị lực tốt nhất, hình ảnh chân thật, rõ nét, không bị méo mó biến dạng, đeo kính thoải mái - dễ chịu, không bị nhức đầu, chóng mặt,....
- Trẻ cận thị luôn có xu hướng tăng số, phụ huynh cần được tư vấn để hiểu và giúp trẻ được đeo kính đủ số: số kính thấp nhất, cho thị lực từng mắt tốt nhất, thị lực 2 mắt chênh nhau không quá 1-2 hàng để đảm bảo cho việc học tập, sinh hoạt, tham gia giao thông được tốt và an toàn nhất và cũng là để tránh nguy cơ nhược thị.
- Tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng, hiện nay chưa có thuốc điều trị, đeo kính được chỉnh tối ưu là giải pháp hiệu quả, an toàn nhất phù hợp với mọi điều kiện chi phí, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt cho trẻ. Đến khi trẻ trưởng thành (sau 18 tuổi) có thể có giải pháp thay thế kính/bỏ kính bằng các phương pháp phẫu thuật. Khi đó, các bác sỹ nhãn khoa có kinh nghiệm sẽ khám và tư vấn giúp bạn lựa chọn được giải pháp phù hợp và an toàn nhất.
Từ ngày 18/5/2022, Bệnh viện Mắt HITEC: Số 51-53-55 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khai trương phòng khám và quản lý tật khúc xạ.
Đến phòng khám khúc xạ HITEC, bệnh nhân được tiếp cận với quy trình khám khúc xạ chuyên sâu với các phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp chỉnh kính tối ưu đồng thời được tư vấn xây dựng chiến lược quản lý tật khúc xạ phù hợp, hiệu quả nhằm hạn chế cận thị tiến triển cũng như giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do cận thị nặng gây ra.