Viêm tụy cấp là tình trạng viêm đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi từ mức gây khó chịu nhẹ cho đến gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp tính đều hồi phục hoàn toàn sau khi được điều trị đúng cách. Trong trường hợp bệnh nặng, viêm tụy cấp tính có thể dẫn đến xuất huyết tụy, tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng và hình thành nang giả tụy. Viêm tụy nặng cũng có thể gây tổn hại cho một số cơ quan quan trọng khác như tim, phổi, thận. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe sau quá trình điều trị lâu dài.
Người bệnh viêm tụy cấp nên ăn gì?
Nên xây dựng một thực đơn cho người viêm tụy cấp nhiều rau củ quả, nhiều vitamin, chất xơ dễ hòa tan, ngũ cốc, protein nạc.
Các bữa ăn của người bệnh nên chia nhỏ ra, không nên ăn quá nhiều và quá no trong một bữa. Tốt nhất nên chuẩn bị những đồ ăn nhẹ bổ dưỡng dễ tiêu hóa và bất cứ khi nào muốn ăn, người bệnh có thể ăn.
Nếu bệnh nhân đang gặp vấn đề với tiêu chảy sau khi phẫu thuật tuyến tụy, thì vấn đề khó khăn nhất là tiêu hóa chất béo. Trong trường hợp này, cần tránh các loại thực phẩm chất xơ cao như ngũ cốc và trái cây sấy khô. Nếu triệu chứng tiêu chảy quá nặng, cần thông báo với bác sĩ để dùng thuốc kiểm soát.
Rau cải xanh đặc biệt là bông cải có hàm lượng cao các hợp chất chứa lưu huỳnh, giúp giải độc cho các cơ quan trong cơ thể (bao gồm cả tuyến tụy) và giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Một số loại nấm như nấm mỡ, nấm đùi gà, nấm hương, mộc nhĩ đều có chứa các hợp chất chống viêm mạnh mẽ, có thể làm giảm viêm và sưng quanh tụy và do đó giảm nguy cơ phát triển viêm tụy. Hàm lượng selenium, chất xơ, kali và vitamin D cao trong nấm cũng giúp tăng cường sức khỏe của tuyến tụy.
Các loại khoai đặc biệt là khoai lang nhuận tràng vì có chứa beta-carotene, chất chống ôxy hóa mạnh mẽ và có tác dụng tích cực với tuyến tụy.
Trái cây, nhất là những loại quả mọng nước như dâu tây, mâm xôi, cherry, nho... giúp người viêm tụy cấp nhanh hồi phục sức khỏe. Các loại quả này có chứa hàm lượng chống ôxy hóa cực cao giúp tăng cường chức năng của tuyến tụy, chống lại nguy cơ ung thư và đẩy nhanh quá trình phục hồi tụy.
Người bệnh viêm tụy cấp nên kiêng gì?
Trong thực đơn cho người bệnh viêm tụy cấp cần lưu ý:
Loại bỏ hoàn toàn rượu bia và các chất kích thích, đồ uống có ga, chứa cồn ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày.
Những thực phẩm quá ngọt, lạnh, nhiều chất béo như kem, phô mai, socola, trái cây ướp lạnh… sẽ làm cho người bệnh bị rối loạn chức năng gan và tụy, tích tụ, không lưu thông khí huyết ở dạ dày gây ra nôn mửa.
Không bổ sung các loại chất xơ không hòa tan như các loại đậu, lá hẹ...
Loại bỏ hết những thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ bởi chúng sẽ khiến cho bệnh tình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Các loại gia vị cay nóng như mù tạt, sa tế, ớt.... Nên ăn nhạt, thanh đạm để đảm bảo đẩy nhanh được quá trình tiêu hóa, trao đổi chất của cơ thể.
Tuy nhiên về chế độ ăn dù được chia làm nhiều bữa nhỏ nhưng bệnh nhân không nên có thói quen ăn muộn sau 19 giờ vì ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe trong đó có cường độ làm việc của dạ dày và tuyến tụy.
Phòng biến chứng viêm tụy cấp tái phát
Chia nhỏ bữa ăn (3 bữa chính; 1-2 bữa phụ).
Bữa sáng phải có rau xanh ăn kèm. Trong đó, rau xanh: 300-400g/ngày + quả chín: 100g/ngày (không ăn sau ăn). Các loại rau nên ăn là: cà rốt, cà chua, gấc, rau cải bó xôi, súp lơ xanh hoặc các loại rau lá xanh đậm (rau cải, rau ngót, mồng tơi, rau lang, rau muống, các loại đậu quả…).
Uống đủ nước (khoảng 1,5 lít/ngày).
Không được uống rượu, bia, bỏ thuốc lá.
Hạn chế thức ăn xào rán, tăng luộc hấp.
Vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày, ≥4 ngày/tuần.
Nên uống thêm bột ngũ cốc hoặc sữa bán thủy phân vào các bữa phụ để nhanh hồi phục sức khỏe.
Chán ăn tâm thần.