Thực hiện bí kíp ăn uống đơn giản này chẳng lo tiêu chảy

13-08-2021 10:04 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Vì tác nhân gây bệnh tiêu chảy chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn nên để phòng và điều trị hiệu quả chúng ta chỉ cần lưu ý thực hiện các nguyên tắc ăn uống rất đơn giản.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Để phòng ngừa mắc bệnh tiêu chảy trong ăn uống, trước tiên cần lưu ý khâu lựa chọn thực phẩm an toàn. Lựa chọn thực phẩm còn tươi sống tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc, tiêu chuẩn sản xuất rõ ràng. 

Tránh mua những thực phẩm có màu sắc quá khác biệt so với thực phẩm cùng loại. Hạn chế mua những thức ăn chế biến sẵn. Rau quả phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn.

Thực hiện bí kíp ăn uống đơn giản này chẳng phải lo tiêu chảy - Ảnh 2.

Rau quả phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch.

Ăn chín, uống sôi

Cần thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đồ ăn thức uống phải đậy kỹ. Nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng dễ biến đổi chất và có thể bị vi khuẩn xâm nhập.

Tuyệt đối không ăn thức ăn đã ôi thiu, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh. Hạn chế ăn thức ăn ngoài vỉa hè, đường phố. Không uống các loại nước giải khát bán dạo, không bảo đảm vệ sinh.

Không nên ăn rau sống, không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi…

Thực hiện bí kíp ăn uống đơn giản này chẳng phải lo tiêu chảy - Ảnh 3.

Không nên ăn gỏi, rau sống vì có thể chứa mầm bệnh gây tiêu chảy.

Vệ sinh ăn uống

Sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt và ăn uống. Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Dinh dưỡng đúng cách khi bị tiêu chảy

Khi bị tiêu chảy bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng nước và hệ vi sinh đường ruột.

Ăn thức ăn loãng

Người bệnh nên ăn các món ăn dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như súp, cháo: cháo muối, cháo thịt gà, cháo thịt gà hoặc thịt lợn nạc nấu với cà rốt…

Uống nhiều nước

Người bệnh cần uống nhiều nước như: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín.

Thực hiện bí kíp ăn uống đơn giản này chẳng phải lo tiêu chảy - Ảnh 4.

Nước dừa tươi tốt cho người bệnh tiêu chảy.

Cần tránh các loại nước giải khát có gas, nước ép trái cây quá ngọt gây khó tiêu, đầy bụng; Uống dung dịch ORESOL để bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân, pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc.

Người bệnh không nên ăn gì?

Tuyệt đối không uống thuốc cầm tiêu chảy, hoặc ăn lá ổi, hồng xiêm xanh… các chất thải dễ ứ đọng lại đường tiêu hóa dẫn đến bệnh kéo dài và nặng thêm.

Trong trường hợp tiêu chảy không có dấu hiệu giảm đi sau 3-4 ngày và có các triệu chứng như nôn, đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu, bạn cần đến bệnh viện để khám và tìm nguyên nhân gây bệnh.


BS. Thu Lan
Ý kiến của bạn