Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào?

08-08-2022 17:34 | Thời sự

SKĐS - Nữ cán bộ Vụ vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và những người có hành vi trục lợi trong việc cấp thẻ 'luồng xanh' giữa đại dịch COVID-19 mà Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh lần đầu bị đưa ra xét xử.

Tiêu cực cấp thẻ “luồng xanh”: Doanh nghiệp đăng ký 8 lần bị trả lại, nhờ dịch vụ “một phát ăn ngay”Tiêu cực cấp thẻ “luồng xanh”: Doanh nghiệp đăng ký 8 lần bị trả lại, nhờ dịch vụ “một phát ăn ngay”

SKĐS - Quá trình điều tra, thu thập tài liệu của phóng viên cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đang bị làm khó trong quá trình đăng ký phương tiện “luồng xanh”. Tuy nhiên, khi họ bỏ tiền thông qua “cò dịch vụ” thì việc cấp mã QR Code hoàn toàn dễ dàng, nhanh chóng.

Ngày 8/8/2022, TAND TP. Hà Nội đưa bị cáo Hoàng Thị Thanh Nga (SN 1976, cựu cán bộ Vụ vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam) ra xét xử sơ thẩm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Thời điểm tháng 8/2021, cấp mã nhận diện QR Code "luồng xanh" đối với phương tiện xe ô tô vận tải hàng hóa là một giải pháp rất hiệu quả trong vấn đề tổ chức giao thông ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cách giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát việc chấp hành phòng chống dịch của doanh nghiệp và lái xe.

Đăng ký thẻ "luồng xanh" hoàn toàn miễn phí, nhưng thực tế đang bị biến tướng thành một "giấy phép con" để "cò" móc nối với cán bộ cấp duyệt trục lợi. Chính vì những bất cập và chi phí đội lên rất nhiều trong quá trình chờ đợi thủ tục nên nhiều người đã chấp nhận bỏ tiền tìm đến "cò" dịch vụ. Báo Sức khỏe & Đời sống là cơ quan báo chí đầu tiên phản ánh về những tiêu cực trong cấp thẻ nhận diện "luồng xanh" và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng.

Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó trong quá trình đăng ký phương tiện "luồng xanh" giữa thời điểm nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Cao Tuân

Theo cáo trạng truy tố, ngày 17/8/2021, Sở GTVT Hà Nội có văn bản gửi Công an TP. Hà Nội đề nghị xác minh nội dung bài viết: "Doanh nghiệp đăng ký "luồng xanh" 8 lần bị trả lại, nhờ dịch vụ "một phát ăn ngay" đăng tải trên Báo Sức khoẻ & Đời sống. Trong đó, phản ánh việc một số doanh nghiệp vận tải sau nhiều ngày đăng ký cấp mã nhận diện "luồng xanh", nhưng chưa được. Tuy nhiên, khi nhờ "dịch vụ" thì được cấp ngay.

Quá trình điều tra, Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với Báo Sức khoẻ & Đời sống làm rõ những chiêu trò trục lợi của cán bộ có thẩm quyền với các đối tượng trong hoạt động cấp thẻ "luồng xanh".

Cụ thể, thực hiện hướng dẫn của Tổng cục đường bộ Việt Nam về việc triển khai sử dụng phần mềm trực tuyến đăng ký cấp và quản lý sử dụng thẻ nhận diện phương tiện (kèm mã Qr code) ưu tiên các phương tiện vận tải hoạt động trên các luồng xanh vận tải, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đã triển khai và hướng dẫn các đơn vị vận tải thuộc địa phương mình đăng ký trực tuyến tại webside của Tổng cục đường bộ Việt Nam để được cấp thẻ luồng xanh.

Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 3.

Cũng bộ hồ sơ nhiều lần bị trả lại, khi thông qua dịch vụ với số tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng thì phương tiện dễ dàng được cấp thẻ nhận diện "luồng xanh".

Phương tiện xin và được cấp thẻ "luồng xanh" không mất phí và sẽ được các lực lượng chức năng công tác trên tuyến đường, hoặc các chốt miễn kiểm tra, hoặc chỉ kiểm tra xác xuất trên đường, nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hóa khi phương tiện vận tải đi, đến hoặc đi qua các chốt kiểm soát ra vào khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16, hoặc các chốt kiểm soát ra, vào khu vực áp dụng các cấp độ kiểm soát dịch COVID-19 khác nhau.

Thời điểm tháng 7/2021, do số lượng hồ sơ gửi Sở GTVT Hà Nội xin cấp thẻ luồng xanh quá lớn, nên Tổng cục đường bộ Việt Nam đã tăng cường thêm 8 cán bộ của Vụ vận tải hỗ trợ Sở GTVT Hà Nội trong việc xét duyệt hồ sơ để cấp thẻ "luồng xanh", trong đó có Hoàng Thị Thanh Nga.

Từ ngày 25/7/2021, Nga được Tổng cục đường bộ Việt Nam giao nhiệm vụ tăng cường cho Sở GTVT Hà Nội duyệt cấp thẻ luồng xanh cho các phương tiện vận tải. Nga được cấp 1 tài khoản để dùng xét duyệt cấp thẻ "luồng xanh" trên trang thông tin điện tử.

Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 4.

Đối tượng Hoàng Thị Thanh Nga. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Quá trình thực hiện, lợi dụng vị trí được giao, Hoàng Thị Thanh Nga giới thiệu cho Nguyễn Đức Nam (SN 1979, Giám đốc HTX Vận tải hàng hóa và hành khách Nam Cường GT) và Nguyễn Văn Tú (SN 1993, ở xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) về việc mình có thẩm quyền duyệt cấp thẻ "luồng xanh" nhanh để Nam, Tú gom các xe có nhu cầu nhằm hưởng lợi bất chính.

Tại cơ quan công an, Nam khai bị cáo là chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Cường, chuyên hoạt động vận tải. Biết Nga là cán bộ trực tiếp có thẩm quyền duyệt cấp thẻ "luồng xanh", ban đầu Nam nhờ Nga duyệt những trường hợp xe của Hợp tác xã Nam Cường.

Sau đó, do có nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực vận tải nên Nam biết có nhiều chủ xe khác cũng có nhu cầu duyệt, cấp thẻ "luồng xanh" nhanh nên đã trao đổi, đặt vấn đề với Nga. Nga đồng ý và thống nhất sẽ duyệt nhanh những hồ sơ mà Nam gửi thông tin trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ, kèm chi phí 100 ngàn đồng/ xe.

Nam nhận thức được việc thu tiền là sai, vì anh ta biết việc cấp thẻ "luồng xanh" không bị mất phí.

Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 5.

Hai trong số rất nhiều giao dịch chuyển khoản cho người làm dịch vụ để được cấp thẻ nhận diện "luồng xanh" với phương tiện đang bị hệ thống báo lỗi.

Cáo trạng cũng nêu rõ, Nga đã lợi dụng nhiệm vụ được phân công là người có thẩm quyền duyệt cấp thẻ "luồng xanh" cho các phương tiện vận tải đã làm trái công vụ, sử dụng trái phép tài khoản để thực hiện duyệt các hồ sơ xin cấp thẻ "luồng xanh" cho 1.741 hồ sơ xe ô tô, hưởng lợi hơn 222 triệu đồng trái quy định, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước trong quá trình cấp thẻ "luồng xanh" cho các phương tiện giao thông vận tải giữa cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngoài Nam, bị cáo Nguyễn Văn Tú cũng gom hồ sơ xe và thu tiền trái phép của nhiều cá nhân, đơn vị để chuyển cho Nga duyệt, cấp thẻ "luồng xanh" trái phép để hưởng lợi cá nhân.

Tú là chủ hộ kinh doanh chuyên về lĩnh vực bán các mặt hàng đông lạnh. Ngày 24/7/2021, khi có yêu cầu các phương tiện vận tải phải đăng ký xe "luồng xanh" mới được vận chuyển hàng hóa, Tú đã nhiều lần đăng ký xin cấp thẻ "luồng xanh" cho 10 xe ô tô nhà Tú nhưng đều khó khăn và không được chấp nhận.

Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 6.

Việc các đối tượng móc nối để dễ dàng cấp thẻ "luồng xanh" không đúng quy định gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp.

Tú tìm gặp Nga nhờ vả để được duyệt cấp thẻ cho ô tô lưu thông vào Hà Giang và được Nga báo giá mức 200 nghìn đồng/ xe.

Do có nhiều mối quan hệ với các lái xe tải vận chuyển hàng hóa cũng có nhu cầu xin cấp thẻ "luồng xanh", Tú nhận làm giúp và đặt vấn đề với Nga và được đồng ý.

Tú khai đã nhận 234 hồ sơ của các xe khác và thu tiền 200 - 300 nghìn đồng/ xe, sau đó chuyển thông tin cho Nga để xét duyệt nhanh trong vòng 1-3 giờ. Khi Nga xét duyệt xong, Tú chuyển cho Nga 200 nghìn đồng/ xe.

Kết quả điều tra cho thấy, Nam đã chuyển thông tin của 1.252 xe và hơn 125 triệu đồng, còn Tú đã chuyển thông tin của 244 xe và hơn 97 triệu đồng cho Nga để xin cấp thẻ "luồng xanh" nhanh, trong đó có nhiều xe xin cấp lại lần 2, lần 3.

Nữ cán bộ Vụ vận tải ‘thu phế’ cấp thẻ ‘luồng xanh’ trong đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 7.

Tình trạng này còn gây bất công bằng trong hoạt động vận tải, ảnh hưởng đến danh dự uy tín của ngành GTVT.

Bị cáo Nguyễn Đức Nam và Nguyễn Văn Tú đều bị truy tố tội Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Tuy nhiên phiên tòa hôm nay đã phải tạm hoãn do bị cáo Nam có đơn xin hoãn tòa.

Sau loạt bài viết: "Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh" của Báo Sức khoẻ & Đời sống, bên cạnh việc xử lý trách nhiệm cán bộ vi phạm, Bộ GTVT đã thay thế phần mềm cấp thẻ "luồng xanh" cũ của doanh nghiệp tư nhân bằng phần mềm cấp mã Code mới do Tập đoàn Viettel hỗ trợ. Đây là hệ thống hoàn toàn tự động, doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện tự kê khai hồ sơ, kê khai thông tin (chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin kê khai) và Hệ thống sẽ tiến hành cấp tự động.

Bộ GTVT cũng thống nhất chuyển giao phần mềm này cho Bộ Công an sử dụng. Như vậy, Bộ Công an sẽ tích hợp với dữ liệu quản lý dân cư để cấp thẻ và hậu kiểm vì Bộ Công an có lực lượng xử lý vi phạm của tài xế, chủ xe.

Loạt bài "Tiêu cực cấp thẻ luồng xanh" của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cựcLoạt bài 'Tiêu cực cấp thẻ luồng xanh' của Báo Sức khỏe & Đời sống đạt giải B Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

SKĐS - Tối 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3 năm 2020 - 2021. Báo Sức khỏe & Đời sống vinh dự được trao giải B cho loạt 5 bài 'Tiêu cực cấp thẻ nhận diện luồng xanh' của tác giả Cao Tuân.


Cao Tuân
Ý kiến của bạn