Người bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên ăn gì và tránh ăn gì?

SKĐS - Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới. Một chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo với nhiều trái cây và rau quả có thể góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Chế độ ăn giúp làm chậm tiến triển ung thư tuyến tiền liệtChế độ ăn giúp làm chậm tiến triển ung thư tuyến tiền liệt

SKĐS - Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cancer, những người đàn ông mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến có thể cải thiện tiên lượng của họ bằng cách áp dụng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải.

Tuyến tiền liệt là một cơ quan của nam giới, vị trí nằm ngay phía dưới cổ bàng quang, nơi bắt đầu của niệu đạo. Ở người cao tuổi, nếu tuyến tiền liệt phát triển lớn sẽ gây ra hiện tượng bế tắc đường tiểu (phì đại tiền liệt tuyến), hoặc đôi khi dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt.

Một số thực phẩm đơn giản dưới đây sẽ giúp hạn chế căn bệnh này.

Người bệnh ung thư tiền liệt tuyến nên ăn trái cây và rau quả

Trái cây và rau quả chứa một lượng lớn các chất chống ung thư và giảm viêm như vitamin, polyphenol, chất chống ôxy hóa, khoáng chất và chất xơ tự nhiên, tốt cho người bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Các loại rau họ cải: Bao gồm bông cải xanh, súp lơ trắng, cải Brussels, cải xoăn và bắp cải… có các chất phytochemical giúp giảm stress ôxy hóa hoặc các gốc ôxy tự do trong cơ thể, có nghĩa là giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và sự xâm hại của nó.

Cà rốt: Rất giàu chất dinh dưỡng và chứa chất chống ôxy hóa beta-carotene và falcarinol giúp giảm nguy cơ ung thư. Những người ăn ba khẩu phần cà rốt mỗi tuần giảm 18% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Cà chua: Cà chua chứa chất lycopene, là một chất chống ôxy hóa mạnh, có thể làm giảm tổn thương tế bào nguồn và làm chậm quá trình sản xuất tế bào ung thư. Từ đó, giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt cũng như giảm sự phát triển khối u ở tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, vì lycopene liên kết chặt chẽ với thành tế bào, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất này từ cà chua sống. Vì vậy, các sản phẩm cà chua nấu chín hoặc xay nhuyễn sẽ giúp cơ thể hấp thụ lycopene tốt hơn.

 Dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 3.

Cà chua xay nhuyễn hoặc nấu chín tốt hơn cho người bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Nấm: Nấm là nguồn cung cấp protein, vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống ôxy hóa rất tốt cho cơ thể. Đặc biệt, trong nấm có ergothioneine, một chất kháng viêm và chống ôxy hóa mạnh mà con người hiện vẫn chưa tổng hợp được. Nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm sò là những loại có hàm lượng ergothioneine cao hơn so với nhiều loại nấm khác. Chỉ cần ăn 18g nấm/ngày có thể giảm đến 45% nguy cơ mắc ung thư.

Lựu: Nhiều nghiên cứu cho thấy quả lựu có rất nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là với nam giới. Nó giúp cải thiện ham muốn tình dục, khắc phục rối loạn cương dương và cũng có thể bảo vệ tuyến tiền liệt. Nước ép lựu, đã được chứng minh là làm chậm thời gian tăng gấp đôi PSA và có thể giúp ngăn ngừa tái phát ung thư tuyến tiền liệt sau điều trị.

Táo: Rất giàu vitamin C cùng với hàng loạt các hợp chất chống ôxy hóa khác. Táo giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ruột bằng cách ngăn chặn sự hư tổn ở các DNA. Hàm lượng chất xơ trong táo rất có lợi cho việc giảm cân và kiểm soát mức cholesterol. Nếu ăn hai quả táo lớn mỗi ngày, mức cholesterol có thể giảm tới 16%.

 Dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 4.

Quả mọng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Quả mọng: Các loại quả như quả mâm xôi, việt quất, dâu tây… là một nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin C và K, mangan và một nguồn chất xơ tốt. Việt quất là một trong những loại trái cây có khả năng chống ôxy hóa cao nhất vì chúng chứa nhiều chất phytochemical, nên rất tốt cho người bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Trà xanh: Trà xanh có các chất chống ôxy hóa mạnh. Trà xanh đã được chứng minh là làm chậm và ngăn ngừa sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Có thể uống trà vào mỗi buổi sáng thay cho cà phê. Cũng có thể dùng trà ấm, trà lạnh pha loãng trong ngày. Nếu bị mất ngủ, không nên uống trà sau 18 giờ.

Hạn chế tiêu thụ đạm động vật

Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa và mỡ động vật thường có liên quan đến sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Người bệnh ung thư tiền liệt tuyến nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu…

Cá: Nguồn đạm từ cá chứa thành phần dinh dưỡng rất quan trọng đó là omega - 3 và omega - 6, là các axit cần thiết có trong cơ thể. Khi có sự cân bằng tỷ lệ giữa các axit béo omega - 3 và omega - 6 có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển và tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt.

 Dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 5.

Cá giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư tiền liệt tuyến.

Tăng cường đạm thực vật

Nguồn chất đạm từ thực vật như các loại đậu, đậu nành, hạt lanh, đậu phộng và đậu lăng, có chứa các hợp chất thực vật phytoestrogen, hỗ trợ phòng chống ung thư, ngăn chặn sự phát triển khối u trong các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy ăn hoặc uống sữa đậu nành giúp giảm ung thư tuyến tiền liệt.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt không chỉ là nguồn cung cấp chất đạm mà còn là nguồn cung cấp chất xơ và magiê tuyệt vời. Người bệnh ung thư tiền liệt tuyến nên chọn thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt thay vì thực phẩm đã qua chế biến.

Hạn chế đồ uống có đường

Cắt giảm đồ uống có ga và nước uống giải phẫu có thể tăng tốc độ trao đổi chất và thải các chất gây ung thư ra khỏi cơ thể.

Chọn thực phẩm hữu cơ khi có thể

Thực phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ không có hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu, bao gồm cả BPA, một chất gây ung thư tuyến tiền liệt được biết đến. Thực phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ có nhiều chất dinh dưỡng hơn thường có vị ngon hơn.

Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt trong và sau khi điều trị

 Dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 6.

Duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học với người bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh chuẩn bị và phục hồi sau khi điều trị ung thư. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt tái phát.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, thói quen ăn uống và cân nặng. Vì vậy, phải duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và duy trì hoạt động thể chất nhiều nhất có thể.

Nếu uống nước và thấy có vị khó chịu, hãy uống nhiều chất lỏng hơn thông qua các món như súp, trà, sữa hoặc các chất thay thế sữa như sữa hạnh nhân… Hoặc tạo hương vị cho nước bằng cách thêm trái cây tươi cắt nhỏ.

Nếu thức ăn có vị nhạt, hãy thử nêm nếm với các loại gia vị có hương vị như tỏi, ớt, thì là…

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì cố gắng ăn nhiều thức ăn cùng một lúc.

Nếu bị lở miệng hoặc nhiễm trùng nướu, hãy dùng máy xay để xay nhuyễn rau và thịt. Hãy thử ép nước trái cây hoặc làm sinh tố.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Những người đang điều trị ung thư cần phải lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm, vì một số phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và dẫn đến nhiễm trùng. Lưu ý:

- Rửa tay trước và trong khi xử lý và chế biến thực phẩm.

- Rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn.

- Xử lý và bảo quản thực phẩm một cách hợp lý. Để thịt sống tránh xa các thực phẩm khác khi nấu nướng.

- Ăn thức ăn nấu chín kỹ. Tránh uống đồ uống chưa được khử trùng, như sữa tươi…

- Đảm bảo thực phẩm mua về vẫn còn thời hạn sử dụng, tươi mới.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Tại sao bữa sáng lại là bữa ăn quan trọng nhất-


BS. Thu Nga
Ý kiến của bạn