Hà Nội

Hà Tĩnh chung tay thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

12-10-2023 12:02 | Y tế
google news

SKĐS - Truyền thông nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, giám sát, theo dõi và tư vấn xét nghiệm HIV ở cộng đồng, điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... là những giải pháp Hà Tĩnh tập trung triển khai hướng đến mục tiêu cùng cả nước chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hơn 30 năm qua, với nhiều nỗ lực, công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam được đánh giá là điểm sáng quốc tế. Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên năm 1990, Việt Nam đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công cuộc phòng chống HIV và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Đây là nhờ có sự cam kết chính trị mạnh mẽ và sự lãnh đạo của chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự và sự hỗ trợ đáng kể từ cộng đồng quốc tế.

Cùng chung tay với cả nước, ngành y tế Hà Tĩnh đang tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông và dự phòng chống lây nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là đối tượng thanh niên.

Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh đã tổ chức chương trình truyền thông cho gần 1.000 học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh. Các học sinh được cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản; các biện pháp từ chối quan hệ tình dục trước 18 tuổi, trước hôn nhân; những nguy cơ xảy ra khi quan hệ tình dục trước hôn nhân và trước 18 tuổi; những bệnh lây truyền qua đường tình dục; các giải pháp phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục.

Hà Tĩnh chung tay thực hiện “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” - Ảnh 2.

Gần 1.000 học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh được truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS

Bác sĩ Nguyễn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên hiện nay có những nguy cơ quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS.

Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên là do các em thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục, thiếu kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ ở xung quanh. Chính vì vậy, việc tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng, nhà trường là hết sức cần thiết để nâng cao nhận thức, kiến thức cho các em".

Hà Tĩnh chung tay thực hiện “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” - Ảnh 3.

Bác sĩ khám, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV.

Không chỉ riêng ở thị xã Hồng Lĩnh, thời gian qua, ngành y tế đã cùng với các địa phương vào cuộc tuyên truyền, triển khai nhiều chương trình hành động nhằm nâng cao kiến thức, thái độ thực hành phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên. Những khẩu hiệu như “Cộng đồng chung tay - kết thúc ngay dịch AIDS!”, “Tuổi trẻ sáng tạo - hành động vì một Việt Nam không còn AIDS!”, “Tuổi trẻ chung vai vì ngày mai không còn HIV/AIDS!”... đã góp phần truyền tải thông điệp chung của tháng hành động, “đánh thức” hành động, nhận thức của thanh niên về vấn đề này.

Cùng với đó, các cấp bộ đoàn tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động các CLB tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, câu lạc bộ phòng, chống ma túy, tội phạm… Nhiều CLB hoạt động có hiệu quả, thu hút số đông đoàn viên thanh niên tham gia như CLB Tiền hôn nhân, CLB Tuổi trẻ với pháp luật, CLB Thắp sáng niềm tin… góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Hà Tĩnh chung tay thực hiện “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” - Ảnh 4.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại huyện Hương Sơn.

Để cùng với cả nước thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ngành y tế Hà Tĩnh đang tập trung tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo người nhiễm HIV có được Bảo hiểm y tế (BHYT); cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

Tăng cường công tác truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; phát huy sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình, xã hội. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS, điều trị các bệnh đồng nhiễm như: viêm gan virus, lao, các bệnh lây qua đường tình dục.

Bác sĩ Phùng Bình Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: "Từ nhiều năm trước, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó đóng 100% tiền mua BHYT cho đối tượng là người nhiễm HIV có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ ngân sách cùng chi trả chi phí thuốc kháng HIV (ARV) cho người nhiễm HIV. Đây là những sự hỗ trợ mang ý nghĩa tinh thần và vật chất rất to lớn để người nhiễm HIV/AIDS mạnh mẽ, nỗ lực hơn trong việc chống lại căn bệnh thế kỷ”.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) đến nay trên địa bàn đã phát hiện 1.192 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó 538 trường hợp còn sống tại địa phương, 400 trường hợp đã tử vong và số còn lại đã chuyển đi nơi khác sinh sống.

Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, từ đầu năm 2022 đến nay, CDC Hà Tĩnh đã tổ chức 13 lớp tập huấn cung cấp kiến thức về luật phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức tư vấn điều trị ARV, dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS cho cán bộ trung tâm y tế huyện, cán bộ chuyên trách xã/phường. Tổ chức nhiều đợt giám sát tại 13 huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp cận vận động đối tượng tham gia điều trị ARV, Methadone.

Để người bệnh HIV/AIDS an tâm điều trị lâu dàiĐể người bệnh HIV/AIDS an tâm điều trị lâu dài

SKĐS - "Đôi lúc không nghĩ họ là bệnh nhân mà chỉ nghĩ là người chị, người em gặp khó cần sự quan tâm, giúp đỡ. Thấy họ tìm lại được sức khỏe và niềm vui sống khiến chúng tôi càng nỗ lực hơn trong công tác", Bác sĩ Bé chia sẻ.


Nguyễn Sơn - Nhật Thắng
Ý kiến của bạn