Hiệu quả từ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Hà Tĩnh

12-09-2023 09:26 | Y tế
google news

SKĐS - Nhờ thực hiện tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên những năm gần đây tình trạng trẻ em sinh ra nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giảm đáng kể. Tất cả các trẻ sinh ra đều khỏe mạnh.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2% - 6%, thậm chí là 0%.

Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Hiệu quả từ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tại Hà Tĩnh đã triển khai các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm người mẹ bị nhiễm HIV để can thiệp điều trị ARV kịp thời; chăm sóc khi chuyển dạ và dự phòng sau sinh cho trẻ bằng thuốc ARV; tư vấn hỗ trợ chăm sóc và chuyển tuyến, chuyển tiếp điều trị…

Trường hợp của chị T.T H. (ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), sau khi phát hiện bị nhiễm HIV chị không dám nghĩ đến chuyện sinh con vì sợ làm lây nhiễm HIV cho con. Tuy nhiên, sau khi kết hôn với người cùng cảnh ngộ và thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chị đã sinh 2 cháu. Các cháu đều khỏe mạnh, không lây nhiễm HIV từ mẹ.

Không may mắn như chị H, chị M. (ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đến ngày sinh con đầu lòng mới biết mình bị nhiễm HIV và con cũng bị nhiễm HIV từ mẹ. Sau khi sinh, vợ chồng chị M. đã đến trung tâm điều trị và cũng từ đây, chị M. biết đến dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên đã quyết định sinh cháu thứ 2. “Tôi đã hạnh phúc đến rơi nước khi biết đứa con thứ 2 sau khi sinh không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Mọi đau đớn trong quá trình vượt cạn đều nhanh chóng tan biến” - chị M. nghẹn ngào.

Hiệu quả từ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Hai vợ chồng chị H được cán bộ Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để mang lại niềm hạnh phúc cho những người không may mắn, mang trong mình căn bệnh HIV. Thời gian qua, công tác dự phòng, hạn chế lây truyền HIV trong cộng đồng, nhất là từ mẹ sang con đã được ngành y tế đẩy mạnh như tập trung tuyên truyền, chú trọng vận động người nhiễm HIV cùng người nhà tham gia hoạt động hỗ trợ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng.

Cùng với việc vận động thực hiện hành vi tình dục an toàn thì chương trình dự phòng tập trung tư vấn cho phụ nữ khi mang thai và trước khi sinh tự nguyện xét nghiệm HIV, tăng cường quản lý thai sớm để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Theo bác sĩ Phùng Bình Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, những phụ nữ nhiễm HIV mang thai khi tham gia chương trình được bác sĩ tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chăm sóc thai nghén, điều trị bằng thuốc kháng ARV, thực hành sản khoa an toàn… Đặc biệt, phụ nữ nhiễm HIV sẽ được hỗ trợ trong suốt quá trình mang thai, sinh con. Cán bộ y tế sẽ luôn theo dõi sức khỏe, cung cấp cho bà mẹ nhiễm HIV những kiến thức cơ bản trong nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

Hiệu quả từ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Bác sĩ CDC Hà Tĩnh khám, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV.

Mặc dù việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có nhiều hiệu quả, nhưng việc triển khai hiện còn gặp một số khó khăn như vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Nhận thức của một số phụ nữ đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp. Số phụ nữ có nguy cơ cao đồng ý làm xét nghiệm HIV thấp và chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng đẻ...

Do đó, đa số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, cũng như quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

"Thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm 5-10%. Với những trường hợp phát hiện muộn lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao", bác sĩ Phùng Bình Văn cho hay.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo, tất cả những bệnh nhân đang điều trị HIV dù có đang mang thai hay không đều phải uống thuốc ARV điều trị liên tục đúng giờ, hằng ngày. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần tăng cường uống đều đặn thuốc ARV hơn các bệnh nhân khác và báo với bác sĩ điều trị về tình trạng mang thai của mình để có hướng chuyển gửi, giới thiệu những đơn vị có can thiệp cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV lúc sinh và cho em bé uống thuốc dự phòng lây nhiễm sau sinh.

Để phụ nữ có tiếp cận được với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, việc tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ nhất là ở vùng sâu, vùng xa là điều hết sức quan trọng. Cần tuyên truyền cho chị em nắm được lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm để hạn chế sự lây nhiễm HIV cho trẻ.

Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 1.192 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 400 phụ nữ, có 961 người chuyển sang giai đoạn AIDS, và 400 người tử vong do AIDS. Sau 13 năm nhờ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, toàn tỉnh có 54 phụ nữ bị nhiễm HIV mang thai được tư vấn, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong đó có 52 phụ nữ đã sinh được 58 trẻ. Tất cả các trẻ đều khỏe mạnh an toàn không bị nhiễm HIV từ mẹ và 2 bà mẹ đang mang thai.

Để không còn trẻ em bị nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, quá trình chuyển dạ và cho con bú, ngay trước và sau khi mang thai, người phụ nữ cần phải xét nghiệm HIV để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, từ đó có thể đưa ra các biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Mời độc giả xem thêm:

70% người nhiễm HIV tại Việt Nam không còn nguy cơ lây nhiễm HIV70% người nhiễm HIV tại Việt Nam không còn nguy cơ lây nhiễm HIV

SKĐS - Thực tế, ở khu vực miền Nam hiện nay cứ 100 người đồng giới nam thì có tới 15 người nhiễm HIV. Tuy nhiên, 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam không còn khả năng lây nhiễm HIV vì lượng virus trong máu rất thấp, không có nguy cơ lây nhiễm HIV.


Nhật Thắng - Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn