Mắc bệnh vì thiếu vitamin B1
Vitamin B1 rất cần thiết đối với cơ thể, đây là một loại vitamin có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, chế biến không hợp lý, thường xuyên ăn các loại thức ăn không có hoặc có chứa hàm lượng vitamin B1 thấp có thể dẫn tới thiếu vitamin B1. Thiếu vitamin B1 có thể gây bệnh.
Khi cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ gây rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng nặng, làm tổn thương thần kinh trung ương và ngoại vi, hệ tim mạch. Bệnh hay gặp do thiếu vitamin B1 là bệnh tê phù.
Bệnh tê phù thường có biểu hiện: mệt mỏi, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ăn uống khó tiêu, rối loạn cảm giác như tê bì, kiến bò đầu chi, chuột rút, nặng đầu chi nhất là hai chi dưới…
Bệnh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu không được điều trị bổ sung vitamin B1 kịp thời. Tuy nhiên, cách phòng ngừa lại rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần sử dụng đầy đủ và đúng cách loại lương thực chúng ta ăn hàng ngày, đó là ngũ cốc (chủ yếu là gạo).
Không nên ăn gạo xay xát kỹ
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B1 là ngũ cốc, tập trung chủ yếu ở lớp vỏ ngoài, ngay sát hạt gạo. Do vậy, đối với những người có thói quen ăn gạo trắng, gạo xay xát quá kỹ sẽ làm mất hết lớp vỏ lụa chứa vitamin B1 dẫn đến cơ thể thiếu vitamin B1. Vì vậy, để phòng ngừa thiếu vitamin B1, chúng ta nên lựa chọn loại gạo mới, không xay xát quá trắng. Tốt nhất nên giữ lại lớp cám bên ngoài hạt gạo.
Tăng cường ăn rau củ quả
Ngoài ngũ cốc, cần bổ sung một số loại thức ăn có chứa nhiều vitamin B1 như thịt cá, gia cầm, các loại trứng. Đặc biệt, các loại rau xanh, củ quả; các loại đậu, cà chua… cũng chứa nhiều vitamin B1. Vì vậy nên tăng cường các loại thực phẩm này.
Chế biến đúng cách
Để tránh hao hụt hàm lượng vitamin B1 trong thực phẩm, các loại thực phẩm giàu vitamin B1 nên bảo quản ở môi trường tự nhiên. Nên sử dụng ngay sau khi mua về. Không nên để gạo lâu hoặc để rau củ trong tủ lạnh nhiều ngày sẽ làm mất dần vitamin.
Tránh nấu kỹ thức ăn nhiều lần dễ làm phân hủy vitamin B1. Khi nấu cơm chỉ cho nước vừa đủ, không nên vo gạo quá kỹ làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1.
Không nên sử dụng nhiều cà phê, chè đặc vì những loại thức uống này có chứa các chất kháng vitamin B1.
Vitamin B1 thường thiếu hụt ở những người bị suy dinh dưỡng, người nghiện rượu, người bệnh phẫu thuật đường tiêu hóa, phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân bị các nhiễm khuẩn nặng… Vì vậy, nếu có dấu hiệu mắc bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19