Điều trị thiếu máu trong suy thận mạn có gì mới?

10-03-2012 14:48 | Thông tin dược học

Thiếu máu trong suy thận mạn có biểu hiện lâm sàng và thể dịch rất rõ ràng. Chức năng thận càng giảm thì thiếu máu càng nặng, vì vậy, thiếu máu là một trong những tiêu chí để phân biệt giai đoạn suy thận.

Thiếu máu trong suy thận mạn có biểu hiện lâm sàng và thể dịch rất rõ ràng. Chức năng thận càng giảm thì thiếu máu càng nặng, vì vậy, thiếu máu là một trong những tiêu chí để phân biệt giai đoạn suy thận.

Tại sao khi suy thận bệnh nhân bị thiếu máu?

Ở người trưởng thành, thận là cơ quan chủ đạo điều hòa sản xuất erythropoietin, một nội tiết tố kích thích sản sinh hồng cầu theo cơ chế feed - back (ức chế ngược) đáp ứng với nồng độ oxygen cung cấp cho tổ chức. Erythropoeietin tác động kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu nhằm vào khâu biệt hóa hồng cầu. Nếu thiếu erythropoietin thì hồng cầu không thể tiếp tục biệt hóa, tức là không “chín” được thành hồng cầu trưởng thành.

Ngoài thiếu erythropoietin, ở người suy thận còn thiếu dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu vitamin B12, folate.

Thiếu máu sẽ gây hậu quả nào trong suy thận mạn?

Khi thiếu máu, sự vận chuyển oxygen đến các mô, đặc biệt cơ tim bị giảm sút làm gia tăng gánh nặng cho tim mạch: tim nhịp nhanh, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ tim.

Ngoài ra, thiếu máu còn làm suy thận nặng lên và người bệnh bị giảm chất lượng cuộc sống.

Vì vậy, điều trị tốt thiếu máu trong suy thận sẽ giảm tỉ lệ tử vong; tăng tỉ lệ sống; giảm các biến chứng tim mạch; giảm tần suất nhập viện; làm chậm tiến triển suy thận mạn; cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điểm mới trong điều trị thiếu máu do suy thận mạn

Từ năm 1983, nhờ kỹ thuật tái tạo gen, y học đã sản xuất được erythropoietin giống như erythropoietin tự nhiên của người và gọi là erythropoietin người tái tổ hợp (rHu – EPO). Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong điều trị thiếu máu do suy thận mạn và phương pháp điều trị thay thế erythropoietin nội sinh bằng erythropoiesis – stimulating agents – ESAs được khởi xướng và phát triển.

Hiện tại đang có 3 nhóm ESA để điều trị thiếu máu do suy thận mạn.

- ESA tác dụng ngắn: EPO alpha (eprex, epogen, epokin); EPO bêta (neorecormon). Quãng tiêm: 2 - 3 lần/tuần.

- ESA tác dụng trung bình: Darbepoetin alpha - Aranesp. Quãng tiêm 1 - 2 lần/2 tuần.

- ESA tác dụng kéo dài: Mircera. Quãng tiêm 1 lần/4 tuần.

Theo khuyến cáo của các nhà thận học:

- Nên điều trị sớm khi hemoglobin máu dưới 10g/dl.

- Phác đồ, chọn thuốc phù hợp cho từng người bệnh.

- Nồng độ hemoglobin trong máu phải ổn định, không được dao động nhiều.

- Cung cấp đủ sắt, vitamin, folate.

- Trường hợp thiếu máu rất nặng vẫn cần truyền khối hồng cầu hoặc máu toàn phần cấp cứu.

Hiện nay, thuốc tương tự sinh học epo (biosimilar epo) đang được nghiên cứu và có khả năng áp dụng sớm trên lâm sàng. 

 

  PGS.BS. Trần Văn Chất
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn