Hà Nội

Bộ Y tế, UNFPA kêu gọi tăng cường đầu tư hơn nữa cho trẻ em gái vị thành niên

09-07-2016 16:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sáng 9/7 tại Hà Nội, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam , Trung ương Đoàn TNCSHCM, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7 với chủ đề "Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên". Tham dự buổi lễ có đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đại diện lãnh đạo cục, vụ, Tổng cục Dân số Bộ Y tế, lãnh đạo các ban ngành, tổ chức chính phủ, các đại sứ quán, các tổ chức phi chinh phủ trong nước và quốc tế..

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con.

Các em có thể bị ép phải kết hôn sớm và phải bỏ học, bị ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý do phải mang thai và sinh nở khi các em chưa thực sự hoàn thiện về thể chất và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ.

Các đại biểu tham dự Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7/2016

"Không được đi học, sức khỏe không tốt, bị bạo hành và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình, tương lai của các trẻ em gái sẽ  bị hủy hoại, tiềm năng của các em sẽ không bao giờ được phát huy.Các thách thức và trở ngại mà một em gái vị thành niên phải đối mặt sẽ nhân lên bội phần nếu em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn vùng sâu vùng xa và xuất thân trong một gia đình khó khăn. Nhưng khi các em gái vị thành niên được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội về nghề nghiệp và việc làm, được bảo vệ an toàn thì các em sẽ phát triển tốt và có được tương lai tươi sáng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo thông báo của Văn phòng UNFPA năm 2015, số trẻ em gái đã kết hôn trước 18 tuổi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nhiều nhất chiếm 59 triệu trẻ, khu vực Đông Á và Nam Á là 8 triệu trẻ. Số trẻ em gái tại các nước đang phát triển, tuổi từ 15 đến 17, đã từng sinh con là 20.000 trẻ. Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15 đến 19  là 3,2 triệu trẻ. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi là tự tử, Nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi là do biến chứng thai sản.

 


PGS.TS Nguyễn Thị KIm Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới

 

Còn ở Việt Nam, số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ  - Trẻ em của Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong hai năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại: năm 2010 là 3.24%, 2012 - 3,39%, năm 2014 - 2,78 %, và năm 2015 - 2,66 %.

Theo đó, để thiết thực hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2016, với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” , thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng  Bộ Y tế mong muốn nhận được  sự quan tâm, hỗ trợ vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ trung ương tới cơ sở, mọi tầng lớp nhân dân nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình để trẻ em gái vị thành niên được hưởng các quyền của các em như học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành, hiện thực hóa mong ước của các em về tương lai và thay đổi thế giới…

Cũng trong dịp này,  thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng đã  gửi lời cảm ơn sâu sắc và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn nữa của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp Dân số.

Cũng tại buổi lễ, Bà Astrid Bant, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã ghi nhận quyền của phụ nữ và đã có những đầu tư về giáo dục và y tế cho tất cả mọi người. Chúng ta đều nhìn thấy sự cam kết này và các đầu tư đều thể hiện rõ trong nhiều chỉ số phát triển.

Trong bối cảnh như hiện nay, tăng cường đầu tư hơn nữa cho trẻ em gái vị thành niên cần phải là một ưu tiên hàng đầu, để Việt Nam có thể tận dụng được lợi ích từ những đầu tư trước đây, giúp tiếp tục xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh và công bằng cho tất cả mọi người.

 

Đoàn xe cổ động, diễu hành Hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7/2016

 

Đảm bảo rằng trẻ em gái cũng giống như trẻ em trai được thực hiện các quyền của mình như quyền phát biểu ý kiến và quyền được lắng nghe, được đi học, không phải làm quá nhiều việc trong gia đình, có kỹ năng và cơ hội để tham gia vào các dịch vụ công cọng và có công việc ổn định. Điều này không chỉ cần thiết cho cuộc sống của các em mà còn là nền tảng quan trọng về sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc của gia đình và cộng đồng cũng như cả quốc gia…

Việt Nam đang trải qua thời kỳ “Cơ cấu Dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử của Việt Nam. Nhóm Dân số từ 10 -24 tuổi chiếm gần 40% dân số. Thời kỳ cửa sổ nhân khẩu học là cơ hội duy nhất giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch chư thời kỳ chuyển đổi dân số và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đóng góp vào phát triển kinh thế xã hội của đất nước, điều này hoàn toàn phù hợp với chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà Việt Nam hoàn toàn ủng hộ với tư cách là quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.

.


Nguyễn Hồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn