Bài tập nào tốt cho người bệnh viêm da cơ địa?

17-03-2024 19:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm da cơ địa là bệnh lý thường gặp. Vậy người bệnh viêm da cơ địa có nên tập thể dục không và cần lưu ý gì khi vận động?

Việc duy trì tập luyện thể lực một cách phù hợp và thường xuyên góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe cả thể chất và tinh thần tổng thể, trong đó có sức khỏe làn da.

1. Chức năng sinh lý của da trong tập luyện thể dục thể thao

Da là một bộ phận quan trọng với các chức năng sinh lý không thể thiếu cấu thành nên cơ thể. Da bao bọc toàn bộ cơ thể, là tuyến phòng thủ đầu tiên, là "tấm khiên" che chắn bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài như chấn thương, điều kiện khí hậu thời tiết, các tác nhân hóa học và sinh học (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…).

Một chức năng quan trọng khác của da là điều hòa thân nhiệt. Đặc biệt trong hoạt động thể lực, chức năng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức an toàn thông qua việc bài tiết mồ hồi và co giãn các mạch máu nhỏ.

Da cũng là nơi tập trung các đầu mút thần kinh tiếp nhận các cảm giác đau, nóng, lạnh, áp lực, tiếp xúc, giúp cơ thể có phản ứng kịp thời với các kích thích từ bên ngoài tác động đến cơ thể trong sinh hoạt cũng như trong quá trình tập luyện.

2. Vai trò của tập luyện với người bị viêm da

Những người có các bệnh lý về da như các tình trạng viêm da (viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, chàm...), các tình trạng nấm da, vẩy nến, các chứng ban sẩn, mày đay dị ứng… có nên tập luyện thể thao?

Nhìn chung, khi có bất kỳ bệnh lý gì chúng ta thường có xu hướng nghỉ ngơi, tránh vận động, nhất là vận động tập luyện thể dục thể thao. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, vận động tập luyện phù hợp có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, nâng cao sức đề kháng phòng tránh bệnh tái phát.

Đối với da, vận động thể chất làm tăng cường lưu thông máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, giãn mạch ngoại vi, tăng tưới máu cho da và đào thải các chất cặn bã qua da. Nhờ đó các tác nhân gây viêm, dị ứng có thể được loại bỏ, giúp giảm viêm, giảm kích thích.

Những trường hợp viêm da cơ địa có thể bùng phát do căng thẳng thần kinh, luyện tập phù hợp làm dịu căng thẳng, giúp cải thiện bệnh.

Ở giai đoạn bệnh tiến triển cấp tính, người bệnh cần được chăm sóc y tế kịp thời và nghỉ ngơi hợp lý. Việc tập luyện thể dục thể thao chỉ được tiến hành khi bệnh đã ở giai đoạn ổn định.

3. Những bài tập thích hợp cho người bị viêm da

Nhìn chung không có chống chỉ định tuyệt đối tập luyện với người có bệnh lý về da như viêm da cơ địa. Vấn đề chỉ là lựa chọn đúng loại hình vận động phù hợp với đặc điểm cá thể và tình trạng bệnh lý của bản thân.

Người bị bệnh da (như viêm da cơ địa) có thể lựa chọn những loại hình vận động nhẹ nhàng không đòi hỏi gắng sức quá mức, dễ thực hiện như đi bộ, chạy chậm, đạp xe, các bài tập yoga đơn giản, kéo giãn cơ hay bất kỳ loại hình vận động thể chất nào mà người tập thấy phù hợp với sức khỏe và không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của mình.

Bài tập nào tốt cho người bệnh viêm da cơ địa?- Ảnh 2.

Các bài tập yoga đơn giản phù hợp cho người viêm da.

4. Lưu ý khi tập luyện ở người bị viêm da

Đặc điểm sức khỏe thể chất và tình trạng bệnh lý của mỗi người không giống nhau, do đó việc tập luyện cũng phải được cá thể hóa.

Hãy thử tập một số bài tập đơn giản và lắng nghe phản ứng của cơ thể. Nếu không chắc chắn việc tập luyện có đảm bảo phù hợp và an toàn, hãy hỏi bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thể lực của bạn.

Địa điểm, không gian, thời điểm, thời gian tập luyện cần được chú ý nhằm đảm bảo tránh tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn, phấn hoa trong không khí… đối với các tình trạng viêm da, nhất là viêm da cơ địa, dị ứng.

Môi trường nóng bức, độ ẩm cao, khiến cơ thể phải tăng bài tiết mồ hôi, muối trong mồ hôi kết hợp với bụi bẩn trong không khí bám vào da gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Do đó, địa điểm, không gian tập luyện cần thoáng đãng, thông khí, thời điểm tập luyện nên điều chỉnh vào lúc thời tiết mát mẻ trong ngày. Đồng thời cũng tránh tập ngoài trời thời điểm quá sớm, hay quá khuya, nhất là vào mùa lạnh.

Bài tập nào tốt cho người bệnh viêm da cơ địa?- Ảnh 3.

Những người có bệnh lý da cần thận trọng khi bơi.

Bơi là loại hình vận động được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, với những người có bệnh lý da, nhất là viêm da, nấm da, vẩy nến, những người dễ bị dị ứng nên thận trọng khi tập ở những bể bơi công cộng bởi các chất tẩy làm sạch nước, nhiệt độ, độ pH của nước có thể gây kích ứng da. Đồng thời môi trường nước cũng dễ phân tán lây nhiễm nấm cho người xung quanh khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển.

Trang phục tập luyện phải thông thoáng, thấm mồ hôi, phù hợp với thời điểm, thời tiết, hoàn cảnh tập luyện. Nếu thời gian tập kéo dài, cần chuẩn bị trang phục dự phòng để thay khi cần thiết. Chuẩn bị khăn để thấm mồ hôi trong quá trình tập, nhất là mồ hôi ở những vùng nếp lằn da như cổ - gáy - sau tai, nách, bụng, vùng cạp quần, khuỷu tay, bẹn, khoeo chân.

Chú ý tắm rửa sạch sẽ sau khi tập, khi bơi để loại bỏ các tác nhân có thể gây kích ứng cho da như mồ hôi, bụi bẩn, hóa chất trong nước bể bơi….

Chấn thương, va chạm tiếp xúc ma xát da trong quá trình tập, ra quá nhiều mồ hôi hay tập quá sức đều có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng viêm da. Có một tỉ lệ nhỏ những người có thể bị dị ứng khi tập luyện, thậm chí có thể dẫn đến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt khi tập luyện hoặc hoạt động vận động thể chất cường độ cao. Do đó, cần dừng tập ngay khi đang tập thấy xuất hiện mày đay trên da, kèm theo các tình trạng toàn thân khác như tức ngực, khó thở, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy…

Cũng như mọi đối tượng khác khi tham gia tập luyện thể dục thể thao, người tập cần tuân thủ các nguyên tắc tập luyện: Luyện tập một cách hệ thống, tuần tự tăng tiến, các bài tập từ nhỏ đến lớn, cường độ, khối lượng, thời gian tập phù hợp với mỗi người, tránh tập luyện quá sức. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ nước cho cơ thể trong quá trình tập.

Tập luyện phù hợp giúp nâng cao sức khỏe thể chất toàn thân, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, nhờ đó góp phần cải thiện sức khỏe và giảm nhẹ các bệnh lý da.

Xem thêm:

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm da cơ địaCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm da cơ địa

SKĐS - Viêm da cơ địa là một bệnh da khá phổ biến, bệnh hay tái phát, có thể tồn tại suốt đời, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm da cơ địa cũng chưa thật sự rõ ràng nhưng do nhiều yếu tố như di truyền, cơ chế miễn dịch…

Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaViêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Viêm da cơ địa trước đây gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da rất hay gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc…

Thuốc điều trị viêm da cơ địa hiệu quảThuốc điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

SKĐS – Viêm da cơ địa là bệnh da liễu rất phổ biến. Mặc dù không lây nhiễm nhưng phải sống chung với tình trạng da liên tục ngứa và bong tróc, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

Chế độ ăn cho người viêm da cơ địaChế độ ăn cho người viêm da cơ địa

SKĐS - Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với một số người, có những loại thực phẩm nhất định góp phần làm bùng phát bệnh viêm da cơ địa. Một số người có tình trạng không dung nạp hoặc dị ứng cụ thể với thực phẩm nào đó, khi ăn phải có thể bùng phát bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Viêm da cơ địa và những điều cần biết.


TS.BS. Phạm Quang Thuận
Bệnh viện Thể thao Việt Nam
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn