Zimbabwe: Cuộc tiếm quyền không có máu rơi

16-11-2017 10:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau hàng thập kỷ lãnh đạo của Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, Zimbabwe đã ghi vào sử sách một ngày lịch sử, ngày chấm dứt chế độ trị vì của Tổng thống Mugabe như một sự tất yếu. Đất nước ở châu Phi nhỏ bé giàu tài nguyên này rơi vào sự quản lý của quân đội.

Đường phố Zimbabwe bị phong tỏa, trên phố rất đông lực lượng quân đội.

Đường phố Zimbabwe bị phong tỏa, trên phố rất đông lực lượng quân đội.

Quân đội tuyên bố không đảo chính

Zimbabwe rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất sau nhiều năm khi  quân đội Zimbabwe bất ngờ tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự, huy động nhiều xe tăng và xe bọc thép áp sát thủ đô Harare, phong tỏa các tuyến đường dẫn tới văn phòng chính phủ, tòa nhà quốc hội và tòa án ở trung tâm thủ đô Harare. Tuyên bố trên đài truyền hình, lãnh đạo quân đội Zimbabwe cho biết, đây không phải là một cuộc đảo chính, và chỉ là  hành động nhằm tiêu diệt những tội phạm đang làm bất ổn đất nước, đó là những người xung quanh Tổng thống Mugabe. Đến thời điểm này không ai biết Tổng thống Mugabe và vợ ông ở đâu, nhưng quân đội cho biết họ đang được đảm bảo an ninh.

Trên đường phố Zimbabwe, nhiều tuyến đường bị phong tỏa, người dân đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền do lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị leo thang, chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhiều trường học bị đóng cửa trong khi các tổ chức quốc tế như LHQ yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.

Những mâu thuẫn bên trong lòng quốc gia châu Phi này âm ỉ đã lâu nhưng bắt đầu bùng lên kể từ sau khi Tổng thống Mugabe quyết định sa thải phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa – động thái được cho là “dọn đường” để vợ ông là bà Grace, 52 tuổi,  lên kế nhiệm chồng, trở thành người lãnh đạo đất nước.  Tuy nhiên ý định này vấp phải sự phản đối gay gắt của Phó Tổng thống Mnangagwa.

Người dân tập trung tại ngân hàng rút tiền do lo ngại khủng hoảng

Người dân tập trung tại ngân hàng rút tiền do lo ngại khủng hoảng


Căng thẳng leo thang sau khi người đứng đầu quân đội – Tướng Chiwenga đe dọa rằng quân đội sẽ can thiệp để chấm dứt tình trạng thanh trừng lực lượng đối lập mà Tổng thống đang triển khai. Đáp lại Tổng thống Mugabe cáo buộc ông này tội phản quốc. Không phải đợi lâu, người đứng đầu quân đội đã nhanh chóng kiểm soát Chính phủ mà không quá ồn ào, mặc dù người ta vẫn thấy bao phủ tại Zimbabwe một bầu không khí căng thẳng và lo ngại.  Đáng chú ý là Phó Tổng thống 75 tuổi, ông E.Mnangagwa – người đã từng là trợ thủ đắc lực của Tổng thống Mugabe suốt 40 năm, nhưng cũng là người mà ông Mugabe thẳng tay loại bỏ với cáo buộc tội phản bội và lừa đảo, ông bị trục xuất khỏi đất nước-  đã quay trở lại và được cử giữ chức Tổng thống lâm thời của quốc gia này. Theo nguồn tin quân đội, Tổng thống Mugabe sẽ từ chức.

Giải mã những bất ổn ở Zimbabwe

Không thể phủ nhận công lao của Tổng thống Mugabe, người đã từng được coi như vị anh hùng của dân tộc, giành lại quyền tự do cho người dân Zimbabwe từ nước Anh. Ông lãnh đạo đất nước từ năm 1980 cho đến nay, đã qua 37 năm tại vị nhưng nhà lãnh đạo 93 tuổi này vẫn nuôi ý định chạy đua trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018.

Tuy nhiên những “ di sản” mà ông Mugabe để lại  nhận được nhiều chỉ trích, như tình trạng tham nhũng, quản lý kém, cách đàn áp tàn nhẫn những người bất đồng, gian lận trong bầu cử, dưới sự điều hành của ông, kinh tế Zimbabwe ngày càng “tụt dốc không phanh” với tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng lạm phát lên cao kỷ lục, hàng triệu người dân rơi vào cảnh đói nghèo, thiếu lương thực.

Có nhiều con số không tưởng chỉ có ở Zimbabwe như tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới đạt 231 triệu phần trăm vào năm 2008, hay  100 tỷ đô la Zimbabwe chỉ mua được cái bánh mỳ,  người dân từ bỏ đồng nội tệ để sử dụng đồng USD.

Trong bối cảnh chính trị rối reng, mâu thuẫn giữa nhà lãnh đạo đất nước và các lực lượng như quân đội, phe đối lập,  ngay cả các quyết định của ông cũng gây bất bình trong dân chúng. Đơn cử như quyết định tịch thu đất đai của những người chủ da trắng chuyển cho người da đen quản lý, tuy nhiên quyết định này đã nhận hậu quả nặng nề, khiến cho nền nông nghiệp Zimbabwe suy giảm trầm trọng.

Người dân Zimbabwe quá mệt mỏi với nhà lãnh đạo cầm quyền gần 40 năm nhưng lại “tàn phá” đất nước, khiến nền kinh tế ngày càng kiệt quệ, nhưng cuộc sống của Tổng thống rất xa hoa, cộng thêm sự “tham quyền cố vị” của người đứng đầu khiến Zimbabwe lâm vào tình cảnh như hiện nay.


Hải Yến
Ý kiến của bạn