Yoga, sự thống nhất giữa Tâm và Thân, hài hòa và an lạc

13-06-2016 14:00 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Yoga giúp người tập phối hợp hài hòa giữa Tâm và Thân, giữ cảm xúc luôn an bình và trí tuệ minh mẫn. Theo kinh sách Yoga, thực hành Yoga sẽ dẫn đến sự hợp nhất của tâm thức cá nhân và tâm thức vũ trụ.

Clip các Giao thức Yoga phổ biến. (Nguồn video: iyogadayvietnam.org/AYUSH)

Theo diễn từ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại kỳ họp thứ 69 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA): "Yoga là một món quà vô giá của truyền thống Ấn Độ cổ xưa. Nó thể hiện sự thống nhất giữa Tâm và Thân, giữa ý nghĩ và hành động, giữa chế ngự và viên mãn; thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên; và thể hiện một cách tiếp cận tổng thể tới sức khỏe và phúc lạc. Yoga không phải để tập luyện thể thao mà là để khám phá ra tri giác về tính nhất thể của bản thân chúng ta với thế giới và thiên nhiên. Bằng cách thay đổi lối sống của chúng ta và tạo dựng tâm thức, Yoga có thể giúp ta ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu". Trong đề xuất lấy ngày 21 tháng 6, ngày Hạ Chí là Ngày Yoga Quốc tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu "Đó là ngày dài nhất trong năm ở Bắc Bán cầu và có ý nghĩa đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới."

Ngày Quốc tế Yoga đầu tiên

Năm 2014, 193 quốc gia Đại hội đồng LHQ đã đồng thuận thông qua đề xuất lấy ngày 21/6 làm "Ngày Quốc tế Yoga" với con số kỷ lục 177 nước đồng bảo trợ. trong nghị quyết này, ĐHĐ LHQ ghi nhận rằng, Yoga đem lại một cách tiếp cận tổng thể tới sức khỏe và phúc lạc, và phổ biến rộng rãi hơn về lợi ích của việc thực hành Yoga đối với sức khỏe của người dân trên thế giới. Yoga cũng đem lại sự hài hòa cho mọi tầng lớp nhân dân và do vậy, yoga nổi tiếng bởi khả năng phòng bệnh, tăng cường sức khỏe và chế ngự nhiều loại rối loạn liên quan đến cách sống.

Clip 193 quốc gia tham dự Ngày Quốc tế Yoga đầu tiên. (Nguồn video: Zoomin.TV)

Ngày 21/6/2015, Bộ Yoga & Trị liệu thiên nhiên, Unani, Siddha và Liệu pháp Vi lượng đồng căn của Ấn Độ (AYUSH), ở Ấn Độ có riêng một cơ quan bộ nhằm tôn vinh các liệu pháp chữa bệnh cổ truyền của Ấn Độ, đã tổ chức thành công Ngày Quốc tế Yoga lần thứ nhất tại Rajpath, New Dehli. Hai kỷ lục thế giới Guinness đã được thiết lập: buổi tập Yoga lớn nhất với 35.985 người tham dự, và số lượng quốc gia tham dự cao nhất (84) trong một buổi tập Yoga. Hàng triệu người dân ở Ấn Độ và trên toàn thế giới đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga đầu tiên.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tập yoga cùng mọi người trong Ngày Quốc tế Yoga đầu tiên

"Giao thức Yoga phổ biến" cho lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga, do ủy ban chuyên gia Yoga và trưởng các viện yoga nổi tiếng ở Ấn Độ chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo của TS. H.R. Nagendra. Trong "giao thức yoga phổ biến" là các bài tập Yoga hữu ích giúp ta có cuộc sống khỏe mạnh. Các bài tập đó đang mang lại lợi ích cho người tập. Yoga giúp người tập phối hợp hài hòa giữa Tâm và Thân, giữ cảm xúc luôn an bình và trí tuệ minh mẫn.

Yoga - Sự hài hòa giữa Thân và Tâm

Yoga thực chất là sự rèn luyện tâm linh trên cơ sở một môn khoa học cực kỳ tinh tế, với trọng tâm là mang lại sự hài hòa giữa Thân và Tâm, chính là mối liên kết giữa cơ thể hay thể xác với Tâm Trí và Linh hồn. Đó là khoa học và nghệ thuật sống khỏe mạnh. Cái tên "Yoga" xuất phát từ tiếng yuj trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa là "liên kết", "kết hợp" hay "hợp nhất". Theo kinh sách Yoga, thực hành Yoga sẽ dẫn đến sự hợp nhất của tâm thức cá nhân và tâm thức vũ trụ. Theo các nhà khoa học hiện đại, bất cứ thứ gì trong vũ trụ này chẳng qua cũng chỉ là sự biểu lộ của cái cõi giới phân lượng ấy mà thôi. Người nào cảm nhận được tính nhất thể của sự hiện hữu thì được coi là "trong trạng thái Yoga" và được gọi là hành giả Yoga - người đạt đến trạng thái giải thoát hay mukti, nirvana (niết bàn), kaivalya hay moksha.

Ngày 21/6 đã trở thành Ngày Quốc tế Yoga, với thông điệp: "Yoga cho hài hòa & an lạc"

"Yoga" cũng hàm nghĩa là một môn khoa học nội tâm bao gồm các phương pháp khác nhau mà qua đó, con người có thể đạt tới sự nhất thể giữa Thân và Tâm để tự chứng ngộ. Mục đích của thực hành Yoga (sadhana) là vượt qua mọi sự khổ đau để tiến tơi sự tri giác về giải thoát cho mọi tầng lớp người, với sức khỏe tổng thể, hạnh phúc và hòa hợp.

Thực hành Yoga vì Sức khỏe & Phúc lạc

Các lối thực hành Yoga được áp dụng rộng rãi là: Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratyahara, Dharana, Dhyana, Samadhi, Bandhas và Mudras, Shatkarmas, Yuktahara, Mantra-japa, Yukta-karma,...

Yamas là kiêng giới và Niyamas là trí giới (tuân thủ theo giới) được xem như là điều kiện tiên quyết để thực hành tiếp Yoga. Asanas có khả năng đem lại sự bình ổn cho thân và tâm; "kuryat-tadasanam-sthairyam" bao gồm thực hành các dạng thức tâm lý-thể chất khác nhau, và cho người ta khả năng duy trì một tư thế (nhận thức bình ổn của bản thân về sự tồn tại về mặt cấu trúc) trong một khoảng thời gian đáng kể.

Pranayama bao gồm phát triển khả năng chú tâm vào hơi thở, được tiếp nối bằng sự điều khiển có dụng ý luồng hơi thở như là nền tảng chức năng hay sự sống cho sự tồn tại của con người. Nó giúp phát triển nhận thức về tâm và giúp ta chế ngự được tâm. Ở giai đoạn đầu tiên, tập luyện là thông qua phát triển sự nhận thức về hơi thở - hít ra - hít vào (svasa-prasvasa) qua mũi, miệng và các khiếu khác nhau trên cơ thể, những đường mạch dẫn bên trong và bên ngoài, cũng như các điểm đến. Rồi sau đó, hình thức này thay đổi, thông qua quá trình "hít vào" được theo dõi, kiểm soát và điều tiết (svasa), dẫn đến sự nhận biết về khoảng nào trong cơ thể được lấp đầy (puraka); các khoảng nào trong trạng thái tràn đầy (kumbhaka) rồi trở nên cạn rỗng (rechaka) trong quá trình "thở ra" được theo dõi, kiểm soát và điều tiết (prasvasa).

Pratyahara chỉ sự thoát ly (rút lui) tâm thức khỏi các giác quan (Căn) vốn liên quan tới cảnh giới bên ngoài (Trần). Dharama hàm ý một trường tập trung chú ý rộng rãi (vào bên trong Thân và Tâm) mà thông thường được hiểu là Định (chú tâm).

Dhyana (Thiền) là sự quán chiếu (tập trung chú ý cao độ bên trong thân và tâm) và cuối cùng là Samadhi (đại định) hay là sự tỉnh giấc.

Bandhas và Mudras là các lối thực hành gắn với Pranayama. Bandhas và Mudras được nhìn nhận như là loại thực hành Yoga cao nhất, bao gồm các động tác cơ thể nhất định đi đôi với kiểm soát hơi thở. Điều này tiếp tục giúp kiểm soát Tâm và là nền tảng mở đường cho sự chứng đạt Yoga cao hơn. Tuy nhiên, luyện tập Thiền (dhyana) được coi là tinh túy của Yoga Sadhana, khi hướng hành giả quay trở về tự tri giác bản thân và dẫn đến tình trạng siêu thức.

Satkarmas là quy trình giải độc mà về bản chất có tính chất trị liệu, giúp người ta giải tỏa được độc tố tích tụ trong cơ thể. Yuktahara chủ trương dùng thực phẩm thích hợp và có lối ăn thích hợp để sống khỏe mạnh.

Mantra Japa: Japa là sự tham thiền lặp đi lặp lại một câu mật chú (linh trí). Mantra Japa sản sinh ra những đường tinh thần tích cực, giúp ta dần dần vượt qua căng thẳng.

Yukta-karma ủng hộ những hành động (karma) đúng đắn để sống khỏe mạnh.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Yoga lần thứ hai (2016) ở Việt Nam

Ngày 21/6 là ngày làm việc trong tuần. Nhận thấy sự phổ biến rộng rãi của bộ môn Yoga tại Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội quyết định kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ hai vào Chủ Nhật, 26/6/2016 để toàn thể đại gia đình Yoga Hà Nội có thể cùng tham dự.

Từ bây giờ, bạn có thể đăng ký tham gia đồng diễn Yoga theo địa chỉ sau http://iyogadayvietnam.org/index-vie.php hoặc có thể đăng ký tại địa chỉ facebook của Đại sứ quán Ấn độ www.facebook.com/IndiaInVietnam.

Clip Ngày Quốc tế Yoga đầu tiên ở Hà Nội, Việt Nam. (Nguồn video: ĐSQ Ấn Độ)

Năm nay, chương trình kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga được tổ chức lần lượt tại 6 tỉnh thành lớn của Việt Nam: TP. Hồ Chí Minh (18/6), TP. Đà Nẵng (19/6/2016), Hải Phòng (21/6/2016), TP. Nha Trang (25/6/2016), thủ đô Hà Nội (26/6) và TP. Vinh (2/7). Dự kiến có khoảng 500-800 người trình diễn tại mỗi địa điểm, và tổng số người tham gia thực hành trình diễn tại cả 6 tỉnh thành là 2000 người. Chương trình Ngày Quốc tế Yoga năm 2016 tại Việt Nam ước tính sẽ thu hút khoảng 10.000 người tham dự tại 6 tỉnh thành.

Các sự kiện đều mở cửa cho công chúng vào tự do. Bạn có thể đến xem các sự kiện và xem đồng diễn Yoga nhân Ngày Yoga Quốc tế lần thứ hai tại các địa điểm như sau:

1. Hà Nội, từ 7h30 sáng ngày 26/6 tại Sân vận động Quần Ngựa, 30 Văn Cao, Hà Nội, với sự tham gia của Đại sứ Ấn Độ và Đại diện LHQ. Sau đó là màn trình diễn Yoga tập thể khoảng từ 8h40-9h20.

2. Thành phố Hồ Chí Minh, từ 7h sáng ngày 18/6 tại Sân vận động trong nhà Hồ Xuân Hương, 2 Hồ Xuân Hương, Quận 3, tp. HCM.

3. Hải Phòng, từ 18h30 ngày 21/6 tại Sân Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp, 53 Lạch Tray, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

4. Nghệ An, từ 19h ngày 2/7 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, Nghệ An.

5. Đà Nẵng, từ 5h sáng ngày 19/6 tại Công viên Biển Đông, Bãi biển Phạm Văn Đồng, thành phố Đà Nẵng.

6. Khánh Hòa, từ 6h sáng ngày 25/6, tại Trung tâm Hội nghị, 46 Trần Phú, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn