Một nghiên cứu gộp trên 2.800 người tham gia được ngẫu nhiên tập yoga hoặc tập thể dục đều đặn bằng đạp xe hoặc đi bộ được so sánh với nhóm người không có bất cứ tập luyện nào. Những người tham gia tập luyện yoga trung bình 12 tuần, tối thiểu là 3 tuần và tối đa 52 tuần. Cả yoga và tập thể dục đã làm giảm LDL cholesterol được 12mg/dl và tăng được HDL cholesterol lên 3mg/dl. Một điều thú vị là cả yoga và tập thể dục đều có biên độ hiệu quả tương tự nhau khi so với nhóm chứng là những người không tập luyện. Dù yoga không đạt được mức độ gắng sức như các tập luyện thể dục nhưng hiệu quả là tương tự. Nghiên cứu này cho thấy yoga có thể làm biến đổi các chức năng thần kinh tự động làm tác động lên hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Cả yoga và tập thể dục đều có tác động tích cực lên tình trạng nội tiết thần kinh, chức năng chuyển hóa và chức năng phế vị của tim và liên quan đến đáp ứng phản ứng viêm. Mặt khác, yoga có thể có tác động lên hệ thần kinh qua hệ thống hormon thần kinh. Nghiên cứu này cũng có một vài hạn chế, ví như các loại luyện tập thể dục không đồng nhất, tần xuất và thời gian tập luyện khác nhau có thể ảnh hưởng đến kết quả. Các nghiên cứu tiếp theo cần tìm kiếm mức độ và kiểu tập luyện nào hay định “liều” cho tập luyện là cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải nghiên cứu đầu tiên cho thấy hiệu quả của yoga trên sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy kết quả tương tự và yoga được đưa vào chương trình phục hồi cho bệnh nhân sau mắc các bệnh tim mạch. Kết quả của nghiên cứu này cũng khuyến khích bệnh nhân tim mạch tập luyện yoga vì nó có thể cải thiện được sức khỏe tim mạch. Lợi điểm nữa của yoga là phương pháp dễ tập, không cần các phương tiện đi kèm, có thể tập mọi lúc và mọi nơi.
TS.BS. Phạm Như Hùng (Viện Tim mạch Việt Nam)