Hà Nội

Yoga chữa bệnh xương khớp

14-02-2019 06:37 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Ngày nay, một số bệnh như thoái hóa cột sống, đau lưng, gai cột sống, gù cột sống và thoát vị đĩa đệm… khá phổ biến, thậm chí xuất hiện cả ở người trẻ.

Có nhiều phương pháp để chữa trị các chứng bệnh này nhưng sử dụng yoga chữa bệnh xương khớp hiện khá phổ biến và cho kết quả tốt.

Những căn bệnh về xương khớp thường khiến cho người bệnh cảm thấy đau nhức, mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Việc chịu đựng những cơn đau này quả thật là không dễ dàng và nếu dùng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm, chống sưng để uống thì hiệu quả tức thì nhưng nếu sử dụng những loại thuốc này lâu dài thì cũng không phải là giải pháp tốt. Bởi như chúng ta biết thì hiệu quả càng nhanh thì tác dụng phụ của nó cũng khá lớn. Vì vậy, hãy thận trọng khi sử dụng thuốc Tây.

Dưới đây là một số động tác yoga chữa bệnh xương khớp mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà. Các bài tập này đã được kiểm chứng là đem lại hiệu quả cao cho nhiều người bệnh.

Động tác chiến binh.

Động tác chiến binh

Hai chân dang rộng hơn vai, hít thở rồi đưa hai tay sang ngang bằng với vai, thở ra.

Bước 1: Bắt đầu xoay chân phải 90 độ ra ngoài, chân trái xoay vào trong thêm khoảng 30 độ rồi quay đầu theo hướng chỉ của các ngón tay phải.

Bước 2: Khuỵu gối chân phải sao cho chân trái gập 90 độ rồi giữ nguyên nửa thân trên, tiếp tục giữ nguyên tư thế này và thở nhẹ trong vòng 5 - 10 giây.

Bước 3: Nhẹ nhàng, từ tốn nâng hai tay cao qua đầu, đồng thời duỗi thẳng chân phải. Thư giãn, rồi tiếp tục đưa thân người xuống, khuỵu gối phải, tay dang ngang. Thực hiện thêm 2 lần từ bước 2 và 3.

Giữ nguyên tư thế này trong 10 - 15 giây. Đổi bên, làm tương tự và thực hiện động tác này 30 lần.

Các động tác này có tác dụng xây dựng sức mạnh và sự chịu đựng của cơ thể. Ngoài ra còn giúp cơ thể dẻo dai hơn, kéo giãn xương cột sống vùng lưng.

Động tác con mèo và con bò.

Động tác con mèo và con bò

Ngồi ở tư thế quỳ, đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay song song với nhau, khoảng cách rộng bằng vai.

Từ từ nhấc lưng và mông lên, hai cánh tay song song với hai chân, vuông góc với mặt sàn. Đầu thẳng, mắt nhìn xuống sàn.

Hít vào, giữ toàn thân thẳng, đẩy bụng xuống dưới sàn.

Thở ra, nâng bụng và cột sống lên phía trên trần nhà. Đầu cúi xuống.

Lặp đi lặp lại từ 10 - 20 lần.

Động tác này được thực hiện với mục đích giúp xương chậu được chuyển động nhịp nhàng. Chính việc chuyển đổi tư thế từ con mèo sang con bò sẽ giúp cho toàn bộ cột sống có thể vận động một cách dẻo dai và khỏe mạnh hơn. Trong khi tập động tác này, hãy chú ý hít bằng mũi và thở ra bằng miệng, thực hiện thay đổi tư thế một cách nhẹ nhàng.

Động tác chó cúi đầu.

Động tác chó cúi đầu.

Động tác chó cúi đầu

Quỳ trên cả hai chân và hai tay, đầu gối mở rộng bằng hông. Hai tay mở rộng bằng vai, các ngón tay xòe rộng.

Dùng lực cánh tay, từ từ đẩy người lên cao, hai chân duỗi thẳng.

Dịch chuyển hai tay lên phía trước, lùi chân về phía sau để kéo dài thân người. Ép chặt bắp đùi khi di chuyển. Giữ tư thế này từ 1 - 3 phút, chú ý vào hơi thở.

Động tác này được coi là một tư thế tuyệt vời, giúp người bệnh có thể giải phóng mọi căng thẳng, mệt mỏi ở lưng và cổ. Căng hết sức cột sống, gân kheo, cơ mông, bắp chân, củng cố cơ Delta và cơ 3 đầu. Giảm căng thẳng, trầm cảm và tăng sinh lực cho cơ thể.

Tư thế đứng một chân.

Tư thế đứng một chân.

Tư thế đứng một chân

Một chân làm trụ, chân còn lại nâng cao, áp sát lòng bàn chân vào mặt trong của chân còn lại, càng lên cao càng tốt, thời gian càng lâu càng tốt. Tư thế đứng một chân giúp cơ thể phải thật tập trung để giải phóng tinh thần.

Mỗi ngày, nếu đứng 1 chân trong 1 phút có tác dụng tốt đối với người bị huyết áp cao, đường trong máu cao, đau thắt lưng, thoái hóa đốt sống cổ, đồng thời có thể ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ do tuổi già.

Tư thế nghỉ ngơi.

Tư thế nghỉ ngơi.

Tư thế nghỉ ngơi

Nằm ngửa trên sàn, tay chân thả lỏng và duỗi thẳng, chân hơi cách nhau ra, lật ngửa lòng bàn tay, các ngón tay sẽ tự nhiên hơi co lại. Nhắm mắt lại. Không cử động một cơ bắp nào của thân thể, kể cả mi mắt. Hãy giữ cơ thể hoàn toàn bất động. Tâm trí bạn đắm chìm vào luồng hít thở sâu hơn trong trạng thái mát mẻ và an bình. Thân và trí cùng nhau đạt đến sự nghỉ ngơi hạnh phúc hoàn toàn.


An Ngọc Hoa
Ý kiến của bạn