Yếu tố thực dụng lên ngôi tại World Cup 2018

20-07-2018 14:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở một giải đấu lớn như FIFA World Cup, tính giải trí và biểu diễn từ lâu không còn được xem là chìa khóa mang tới thành công. Vì vậy, không quá bất ngờ khi ĐT Pháp đã lên ngôi với vẻ xù xì, thô ráp, thậm chí bị coi là thực dụng...

Sau 1 tháng tranh tài, FIFA World Cup 2018 đã khép lại với tổng cộng 169 bàn thắng. Tính ra, trung bình mỗi trận đấu kết thúc với 2,6 bàn, không kém là mấy so với World Cup 2014 (2,7 bàn) và hơn hẳn các giải đấu trước đó như 2010, 2006 (2,3 bàn) hay 2002 (2,5 bàn). Nhưng đó không phải chỉ số đánh giá tính cống hiến của giải đấu hay nhất hành tinh.

Đội tuyển Pháp lên ngôi với vẻ xù xì, thô ráp thậm chí bị coi là thực dụng.

Đội tuyển Pháp lên ngôi với vẻ xù xì, thô ráp thậm chí bị coi là thực dụng.

Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra ở World Cup 2018 là tại sao các đại diện Nam Mỹ đều gục ngã trước vòng bán kết dù họ sở hữu đội hình không tệ, thậm chí có một số vượt trội so với các đội tuyển châu Âu? Tất nhiên, bóng đá không đơn giản chỉ là phép đo đếm. Chuyện thắng thua ở thời điểm hiện tại được quyết định khá lớn bởi yếu tố chiến thuật. Về mặt này, châu Âu tỏ ra nhỉnh hơn, trong khi Nam Mỹ vẫn dựa nhiều vào sự ngẫu hứng nhất thời. Với những người yêu bóng đá đẹp, có lẽ họ sẽ thất vọng khi Pháp trở thành nhà vô địch, không bởi vì Pháp không xứng đáng mà ở bởi cách chơi của họ không tương xứng với những gì đang sở hữu. Thực tế, với đội hình giàu tài năng trong tay, Les Bleus hoàn toàn có thể chơi thứ bóng đá cống hiến như cách mà họ thể hiện ở EURO 2016. Nhưng Deschamps đã kinh qua thất bại! Bóng đá cống hiến không mang về danh hiệu khi Pháp để thua cay đắng ở trận chung kết EURO 2016 trước một Bồ Đào Nha quá thực dụng. Vì chiếc cúp vàng đã chờ đợi 20 năm, người Pháp phải thay đổi, hay đúng hơn, họ hy sinh bản ngã để hướng tới sự hiệu quả. Đó là điều cần thiết vì lịch sử chỉ vinh danh kẻ chiến thắng. Thực tế, không hẳn Pháp, rất nhiều đội tuyển đã thể hiện lối chơi có hơi hướng thực dụng ở World Cup 2018. Brazil từng vô địch thế giới với Scolari thực dụng và giờ họ cũng đặt niềm tin vào Tite. Tite không thực dụng theo kiểu đổ bê-tông để giành chiến thắng nhưng ông rõ ràng đã hướng tới việc xây dựng một tập thể cân bằng. Đã lâu lắm rồi, hàng thủ của Selecao mới bảo đảm được sự chắc chắn như vậy. Nhưng rốt cuộc thì Tite cũng không thể làm nên chuyện khi mà ông mất “chìa khóa” Casemiro ở màn đụng độ Bỉ. Và ở trận đấu đó, Selecao cũng thiếu tính thực dụng cần thiết để đánh bại một tuyển Bỉ kiêu hãnh.

Ở World Cup 2018, Bỉ là đội tuyển ghi được nhiều bàn thắng nhất (16 bàn/7 trận). Họ cũng được xem là đội tuyển chơi cống hiến và giàu tính giải trí nhất. Nhưng đừng quên rằng ở trận tứ kết với Brazil, Bỉ đã thực dụng ra sao. Họ sử dụng đội hình thấp, rất khác với thông lệ và thực tế đã đưa Selecao vào bẫy. Nhiều chuyên gia cho rằng chính chiến thắng trước Brazil đã đẩy Bỉ đến bờ vực thất bại bởi sau đó, họ bước vào trận bán kết gặp Pháp với lối chơi thiếu an toàn. Sự áp đảo mà Quỷ đỏ tạo ra rốt cuộc lại đưa họ vào cái bẫy của Deschamps. World Cup 2018 giống như trò “cá lớn nuốt cá bé”. Đội bóng nào lì lợm hơn, đội bóng đó có cơ hội giành chiến thắng cao hơn, đôi khi chỉ ở một khoảnh khắc. Nhưng trước khi nghĩ tới chiến thắng, họ cần bảo đảm sự chắc chắn cho chính mình. Như quan điểm mà Deschamps đã từng nói tới ở World Cup 2018 “Khi không thua, bạn sẽ có cơ hội giành chiến thắng”. Triết lý ấy biến Pháp trở thành đội bóng rất lì lợm. Họ chẳng cần sự áp đảo hay những pha phối hợp mãn nhãn. Một tình huống cố định đôi khi cũng đủ để người Pháp tạo nên sự khác biệt. Nhưng ở một giải đấu lớn như World Cup, không phải đội bóng nào cũng có thể nhẫn nhịn chờ đợi cơ hội như Les Bleus.

Lại nói về tuyển Anh, họ đến World Cup 2018 với phong cách rất mới mẻ và đội hình trẻ trung. Nhưng trên thực tế, thành công của Tam sư cũng dựa nhiều vào hàng thủ chắc chắn. Lối chơi mà Southgate lựa chọn giản dị đến không thể bắt bài. Họ tận dụng quá tốt những tình huống cố định để tạo ra sự khác biệt. Thế là đủ, không cần quá mãn nhãn. Nếu nói tới chiến thuật, Croatia là đội bóng tạo ra sự cân bằng nhất. Họ có thể ghi bàn trong nhiều thế trận, kể cả khi tấn công hoặc chủ động phòng ngự nhưng sự an toàn vẫn luôn được đề cao. Chẳng bởi thế mà họ đã có tới 3 trận phải đá thêm hiệp phụ để vào chung kết.

World Cup bây giờ đã khác xa vì tác động của chiến thuật. Những nhà vô địch World Cup gần đây, từ Brazil 2002, Italia 2006, Tây Ban Nha 2010 hay Đức 2014 đều phảng phất tính thực dụng trong cách chơi của mình. Và Pháp cũng vậy! Không phải ngẫu nhiên mà khi xét tiêu chí vô địch World Cup, các chuyên gia đều để ý tới lối chơi và khả năng phòng ngự của họ. Thật may là Pháp đã thay đổi rất nhiều so với thất bại ở EURO 2016...


Duy Nam
Ý kiến của bạn