“Sức khỏe là tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải là tình trạng không bệnh tật” (Tổ chức Y tế Thế giới). Như vậy, một người trông có vẻ khỏe mạnh với vóc dáng hấp dẫn, diện mạo phương phi nhưng trong lòng có điều phiền muộn, bất ổn về tâm lý thì không thể xem là có sức khỏe toàn diện.
Hiệu ứng placebo...
Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc nhưng lại có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc chữa bệnh, dùng chất đó và khỏi bệnh, đó là hiệu ứng placebo.
Hiệu ứng placebo có tác dụng chữa bệnh trong một số trường hợp. |
Có một phương thức điều trị không dùng thuốc dựa hẳn vào yếu tố tâm lý như thôi miên, tự kỷ ám thị, thiền định...để ổn định tâm lý. Nếu stress đã được chứng minh là làm giảm sức đề kháng thì ngược lại những biện pháp giúp ổn định tâm lý, sảng khoái về mặt tinh thần sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Người ta ghi nhận các rối loạn liên quan đến triệu chứng cơ năng (như bệnh suy nhược thần kinh) rất dễ chữa khỏi bằng các biện pháp tác động đến yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, cần xem chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không thể thay thế cho tất cả các phương thức trị liệu của nền y học chính thống.
Và ứng dụng trong ngành dược
Đối với ngành dược, các dược sĩ có thể tác động đến yếu tố tâm lý trong việc dùng thuốc. Ở nhà thuốc, khi tiếp xúc với người bệnh đến mua thuốc, lời hướng dẫn dùng thuốc tận tình của dược sĩ có thể khơi dậy niềm tin ở người bệnh vào tác dụng chữa bệnh của thuốc. Còn ở các công ty, xí nghiệp sản xuất dược phẩm, các dược sĩ không chỉ quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng thuốc mà còn chú ý hoàn thiện những chi tiết tác động đến tâm lý của người dùng thuốc. Thuốc được chứa trong bao bì trình bày đẹp mắt, sáng sủa bao giờ cũng dễ tạo mối thiện cảm, làm người dùng thuốc có ấn tượng thuốc được sản xuất trong điều kiện tốt nhất. Dạng thuốc bào chế tiện sử dụng, bảo quản được lâu, được áp dụng kỹ thuật bào chế hiện đại sẽ có tính thuyết phục. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tìm kiếm và sản xuất một thuốc mới, người ta phải loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuốc. Vì sao như vậy? Bởi vì theo định nghĩa, thuốc là những chất có tác dụng thực sự dùng để điều trị, phòng bệnh và chẩn đoán bệnh. “Có tác dụng” có nghĩa là thuốc có tác động vật chất vào cơ thể, sau khi được hấp thu, phân bố, chuyển hóa và bài tiết để có hiệu quả chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán chứ không phải chỉ vì có sự tin tưởng nào đó mà khỏi bệnh. Khi nghiên cứu tác dụng của một thuốc mới để loại trừ yếu tố tâm lý, người ta sử dụng phương pháp mù đôi (Double blind study).
Trong phương pháp mù đôi, người bệnh tham gia nghiên cứu được chia làm hai nhóm ngẫu nhiên và giống nhau ở một số đặc điểm (tuổi tác, điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm lâm sàng, có khi là giới tính...). Một nhóm sẽ được điều trị bằng thuốc thật cần được thử nghiệm trong nghiên cứu, nhóm thứ hai được điều trị bằng placebo có hình dạng, kích cỡ, màu sắc, mùi vị giống y như thuốc thật. Thuốc mới được đánh giá là có tác dụng thực sự khi nhóm thứ nhất có tỷ lệ tính theo thống kê là khỏi bệnh trong khi nhóm thứ hai có tỷ lệ được xem là không khỏi bệnh. Gọi là mù đôi vì cả người bệnh lẫn bác sĩ chỉ định và theo dõi điều trị đều “mù”, không biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo (vì người bệnh nhóm hai không được cho biết là dùng placebo, cứ đinh ninh là dùng thuốc thật). Cần phải loại bỏ yếu tố tâm lý của cả bệnh nhân dùng thuốc và bác sĩ chỉ định thuốc thì việc nghiên cứu tác dụng của thuốc mới thật khách quan. Trước khi có phương pháp mù đôi, người ta dùng phương pháp mù đơn không loại yếu tố tâm lý của bác sĩ. Bác sĩ biết thuốc nào là thuốc thật, thuốc nào là placebo. Chỉ cần nhận định của bác sĩ ảnh hưởng bởi tâm lý của chính ông ta có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu.
TS.DS. Nguyễn Hữu Đức