Hà Nội

Yếu tố nhân văn trong kiến trúc hiện đại

16-12-2016 13:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có thể nói, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng thì tính nhân văn trong kiến trúc hiện đại ngày càng được coi trọng.

Có thể nói, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng thì tính nhân văn trong kiến trúc hiện đại ngày càng được coi trọng. Trong vài thập niên gần đây, kiến trúc đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, một phần lớn nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ xanh với các chất liệu thân thiện với môi trường. Nhiều kiến trúc sư còn sáng tạo những không gian như “phiên bản xanh” của thiên nhiên.

Những quy tắc ngầm

Nếu như các lĩnh vực nghệ thuật khác đều là những sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người, thì kiến trúc là lĩnh vực duy nhất có liên quan đến nhu cầu vật chất. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giữa kiến trúc và con người có mối quan hệ mật thiết. Khi cuộc sống đô thị ngày càng ngột ngạt, thiên nhiên thường được chọn đưa vào các không gian sống. Hiện nay, mặt bằng chung của các thiết kế thường lấy mảng xanh làm điểm nhấn, đưa bản ngã mỗi con người quay về với sự khởi nguồn, đó là thiên nhiên.công trình kiến trúc Việt

Các công trình kiến trúc Việt hiện nay đã hướng nhiều tới tiêu chí hài hòa với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Trên thực tế, các công trình kiến trúc như nhà ở, cầu cống, công trình công cộng, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, trước hết chúng phải thỏa mãn nhu cầu tồn tại vật chất của con người, đó là nhu cầu trú ngụ, đi lại, và nhu cầu thiết thực gần đây nhất là gìn giữ sức khỏe. Bởi vậy, kiến trúc hiện đại cần phải tuân thủ những điều kiện và quy tắc liên quan đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất đó.

Người trong ngành đều biết, tất cả những yếu tố nghệ thuật trong kiến trúc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc thiết kế và xây dựng của công trình. Mọi sự thay đổi của các yếu tố nghệ thuật đều không được phép làm ảnh hưởng đến tính chắc chắn, ổn định và bền vững của kết cấu công trình. Nhưng yếu tố người ta quan tâm nhiều nhất trong thời gian gần đây, đó là kiến trúc còn có tính quan hệ cộng đồng xã hội và môi trường.

Nói cách khác, giá trị nghệ thuật và giá trị sử dụng của một công trình kiến trúc phải được tính trong mối quan hệ của nó với cộng đồng kiến trúc chứ không phải với tư cách là một tác phẩm riêng lẻ có thể đặt trong nhà bảo tàng hay đem đi bất cứ đâu. Ngoài những đặc điểm và nguyên tắc nói trên, kiến trúc hiện đại còn chủ trương gắn bó kỹ thuật với môi trường và với cuộc sống con người. Hình thức của kiến trúc cần phải tuân thủ chặt chẽ các công năng của vật liệu và phù hợp với điều kiện sống.

“Xanh hóa” kiến trúc hiện đại

Bắt nhịp với xu thế kiến trúc hiện đại trên thế giới, vài năm gần đây, các kiến trúc sư Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong những cuộc thi quy mô toàn cầu với những công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng. Ở Việt Nam, chúng ta đã thấy nhiều hơn các công trình xây bằng gạch không nung, bọt bê tông, vách thạch cao, kính cường lực. Những vật liệu này làm công trình “nhẹ” hơn rất nhiều và khá thân thiện với môi trường. Nhưng giờ đây, ở nhiều nước, xu hướng trở lại với vật liệu xây dựng làm từ rơm, đất, gỗ, bùn... khá phát triển.

Theo quan điểm của ngành xây dựng nói chung, tất cả vật liệu xây dựng đã qua sử dụng là... rác. Và việc xử lý rác xây dựng cũng tốn nhiều chi phí, công sức, thời gian. Đó là chưa kể đến nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài. Trong tương lai, nếu chúng ta chán ngôi nhà của mình, chúng ta có thể biến nó thành vườn rau, trồng lên đó nhiều cây cổ thụ.

Xu hướng “xanh hóa” kiến trúc còn thể hiện ở việc tiết kiệm nguyên vật liệu xây dựng. Nhiều người từng rất ấn tượng với ngôi nhà S-House của KTS Võ Trọng Nghĩa làm bằng những vật liệu lá dừa, tre, gỗ có giá chưa đầy 100 triệu đồng cho căn hộ 4 người ở. Ngôi nhà này đã đoạt giải thưởng Năng lượng xanh toàn cầu 2015 (Ashden Award 2015). Bí quyết thành công của ngôi nhà này là khả năng tái chế. Các khớp nối của nhà đều có thể tháo rời, di chuyển linh hoạt. Ngoài ra còn phải kể đến khả năng tận dụng vật liệu là cây dừa nước rất sẵn có tại địa phương. Vật liệu xanh góp phần đáng kể vào giảm thiểu năng lượng tiêu tốn cho một công trình kiến trúc.

Gìn giữ bản sắc, phong cách truyền thống nhưng luôn học hỏi, bắt kịp xu hướng hiện đại chính là hướng đi của kiến trúc Việt. Trong nhiều cuộc hội thảo về kiến trúc xanh và năng lượng xanh được tổ chức gần đây, giới KTS thường nhắc đến sự ủng hộ của cộng đồng về công nghệ mới. Các chuyên gia đưa nhiều dẫn chứng rất cụ thể cho thấy việc sử dụng thiết bị mới là tiết kiệm trong mục tiêu dài hạn. Ví dụ như tòa nhà H.I.T.C thu hồi vốn sau 5 năm sử dụng các thiết bị quản lý năng lượng và họ sẽ “lãi” trong 15 năm tới. Đó là chưa kể tới các công trình dân sinh giảm được tối đa chi phí năng lượng thắp sáng, sưởi ấm, làm mát.

Có thể nói, yếu tố nhân văn trong kiến trúc hiện đại đã thể hiện rõ quan điểm và trách nhiệm của con người trước những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.


Nam Phương
Ý kiến của bạn