Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối mà bạn cần biết để phòng tránh tình trạng nguy hiểm này:
Ngồi lâu
Ngồi lâu khi đi du lịch, lái xe hoặc tại bàn làm việc có thể gây hại cho sức khỏe. Bạn cần đứng lên đi lại xung quanh sau mỗi 30-40 phút. Sử dụng cơ bắp chân sẽ tốt cho lưu thông máu tĩnh mạch. Co duỗi chân cũng có lợi.
Mang thai
Dư thừa estrogen trong cơ thể trong thời gian mang thai có thể góp phần làm gia tăng số lượng các yếu tố đông máu, kết quả là nguy cơ huyết khối tăng cao. Ngoài ra, mang thai làm tăng áp lực ở các tĩnh mạch vùng chậu và chân. Nguy cơ huyết khối do mang thai có thể tiếp tục kéo dài 6 tuần sau khi sinh. Vì vậy, hãy duy trì vận động như đi bộ, tập yoga trước sinh và các bài tập khác trong thời gian mang thai và ngay cả sau khi sinh con.
Chiều cao và cân nặng
Béo phì khiến bạn có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) Đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến bạn phải duy trì chỉ số khối cơ thể lành mạnh (trong khoảng 18,5-24,9). Ngoài ra, chiều cao cũng đóng vai trò quan trọng. Những phụ nữ cao trên 1,7m và nam giới cao trên 1,8m có nguy cơ cao hơn bị huyết khối. Bạn càng cao máu càng cần đi xa hơn để chống lại trọng lực và bất cứ sự suy giảm lưu thông máu nào đều có thể dẫn tới tăng nguy cơ đông máu.
Nhịp tim bất thường
Bạn có thể không biết mình có nhịp tim bất thường vì trong nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không gây ra triệu chứng, điều này làm tăng nguy cơ đông máu. Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở buồng trên của tim. Nguyên nhân là vì nhịp bất thường có thể cản trở máu bơm vào tâm thất. Máu lưu thông chậm và bắt đầu bơm vào buồng trên tim, có thể dẫn tới hình thành huyết khối. Loại huyết khối này có thể di chuyển lên não và gây đột quỵ.
Tránh thai
Estrogen và progestin trong thuốc tránh thai uống có thể làm tăng nồng độ các yếu tố đông máu. Tương tự như vậy, các liệu pháp thay thế hormon cũng làm tăng nguy cơ đông máu. Hãy nói chuyện với bác sĩ phụ khoa về các nguy cơ để đảm bảo bạn đang dùng đúng thuốc.
Ung thư
Một số dạng ung thư làm gia tăng số lượng các chất gây đông máu trong máu. Theo nghiên cứu, ung thư não, buồng trứng, tụy, đại tràng, dạ dày, phổi và thận có nguy cơ cao nhất gây DVT. Ngoài ra, một số hình thức hóa trị và thuốc dự phòng ung thư cũng làm tăng nguy cơ DVT. Các nhà nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân nhưng nghi ngờ rằng nó gây tổn thương mạch máu hoặc giảm sản sinh protein giúp phòng tránh huyết khối.
Mạch máu bị tổn thương giải phóng các chất tiền đông máu có thể khiến máu vón lại và hình thành huyết khối.
Hút thuốc
Các chất trong khói thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu dẫn tới tăng nguy cơ DVT. Vì vậy, nếu bạn hiện đang hút thuốc, hãy tìm cách cai dần và cuối cùng bỏ hẳn thói quen này.
Phẫu thuật
Phẫu thuật lớn, đặc biệt là ở vùng háng, bụng dưới và chân làm tăng nguy cơ bị DVT vì nó sẽ khiến bạn tạm thời bất động. Ngoài ra, bất kỳ chấn thương lớn nào liên quan tới chân có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu dẫn tới hình thành huyết khối.
Tiền sử gia đình
Một số người bị một rối loạn di truyền (như yếu tố V Leiden) khiến họ dễ bị huyết khối. Theo nghiên cứu của bệnh viện Mayo, tình trạng này có thể không gây ra các rối loạn trừ khi kết hợp với một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ khác. Vì vậy, nhiều người không biết họ bị những rối loạn này cho tới khi họ phát hiện bị DVT. Các tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ huyết khối gồm bệnh thận (ảnh hưởng tới thận), hội chứng hội chứng kháng phospholipid (một bệnh tự miễn), và các rối loạn khác ở tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn mang máu từ phần dưới cơ thể tới tim). Thừa hưởng rối loạn di truyền như rối loạn fibrinogen máu, thiếu hụt protein C và thiếu protein S có thể gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
Tuổi
Mặc dù DVT có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, những người càng già càng có nguy cơ cao. Mặc dù lão hóa là một quá trình tự nhiên, hãy đi khám bác sĩ thường xuyên để chắc chắn rằng bạn đang ăn uống, luyện tập đúng cách và sống một cuộc sống lành mạnh.