Yếu tố ngẫu nhiên trong sáng tác tranh

24-06-2009 15:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mặc dù không có chủ đích thử nghiệm nhưng trong khi đang vẽ, chính những thao tác của hoạ sĩ: một nhát bút, một vết cạo, một mảng màu,... đều có thể làm xuất hiện những yếu tố ngẫu nhiên.

Mặc dù không có chủ đích thử nghiệm nhưng trong khi đang vẽ, chính những thao tác của hoạ sĩ: một nhát bút, một vết cạo, một mảng màu,... đều có thể làm xuất hiện những yếu tố ngẫu nhiên.

Có người hỏi danh họa Dali về những bí quyết trong sáng tác và được trả lời rằng bí quyết đó là khi cầm bút, người họa sĩ không biết mình sẽ vẽ gì và vẽ như thế nào.

Thoạt nghe cũng lạ tai, vì như vậy là người sáng tác không thể chủ động thực hiện những dự kiến, những ý tưởng đã sắp sẵn từ lâu, khi đó họ phó mặc tất cả cho sự tuỳ hứng nhất thời của mình. Pablo Picasso đã từng ví: "Việc vẽ tranh giống như đánh cờ. Hai bên ngồi trước một cục diện luôn luôn thay đổi theo từng đường đi nước bước của các quân cờ. Điều cơ bản nhất đối với mỗi người chơi cờ là phải biết tùy cơ ứng biến, tìm cách tạo thế có lợi cho mình và bất lợi cho đối phương để giành phần thắng. Tiến hành vẽ một bức tranh cũng chẳng khác gì đánh cờ với một kỳ thủ vô hình, không thể cứng nhắc theo đúng bài bản hay một chương trình định sẵn, nhưng cũng không thể tuỳ tiện muốn ra sao thì ra".

Những cô gái Avignon của Picasso (1907). 

Cả Dali và Picasso đều đã chuyển tới các họa sĩ thông điệp rằng: Muốn có tác phẩm tốt, người sáng tác trước hết phải giàu bản lĩnh. Người có bản lĩnh là người luôn chủ động trong mọi tình huống bất ngờ ngoài ý muốn, bình tĩnh ngay cả khi gặp những sự cố bất chợt. Có câu chuyện kể về một họa gia Trung Hoa trong lúc vẽ đã lỡ tay để rớt một giọt mực xuống bức tranh sắp hoàn thành. Rất nhanh trí, ông dùng bút ướt điểm xuyết vào, biến giọt mực thành một con ong đang bay hết sức sinh động khiến cho tác phẩm chẳng những không bị hỏng mà thậm chí còn tăng thêm sức truyền cảm.

Một câu chuyện khác về Picasso, khi ông được tặng một chiếc mặt nạ châu Phi rất độc đáo. Danh họa bỗng nảy ra ý tưởng mới và bắt tay ngay vào việc vẽ bức tranh với đề tài được chọn là "Người lính thủy giữa các cô gái". Được nửa chừng, có thể do sự lôi cuốn của các yếu tố ngẫu nhiên, ông đã xoay chuyển dự kiến bố cục một cách ngẫu hứng khác hẳn với ý định ban đầu. Cuối cùng, bức tranh hoàn thành mang tên "Những cô gái Avignon" (Les Desmoiselles d'Avignon - Pablo Picasso, 1907). Người ta không rõ lúc đầu tranh được phác họa thế nào, chỉ biết tác phẩm "Những cô gái Avignon" là ngọn cờ mở đường cho sự ra đời của xu hướng Lập thể. Picasso đã dựa vào những yếu tố ngẫu nhiên để rồi "tái tạo" chúng theo một cách riêng. Picasso đã nổi danh trên toàn thế giới bởi chính ông đã khai mở con đường mới cho hội họa hiện đại.

Như vậy, quá trình sáng tác tranh ngoài những yếu tố chủ động còn xuất hiện nhiều tình huống ngẫu nhiên không định sẵn được. Có những ngẫu nhiên may mắn nằm trong ý tưởng để hình thành một tác phẩm gần như có chủ định, có ngẫu nhiên xảy ra khi làm phác thảo. Điều thú vị là khi làm phác thảo thường có những cảm xúc đặc biệt cho nên có những trường hợp phác thảo lại đẹp hơn khi thể hiện chính thức. Trường hợp bức tranh: "Chiếc bè Méduse" (The Raft of the Medusa - Theodore Gericault - 1819 ) của họa sĩ Géricault là một ví dụ. Giới chuyên môn mỹ thuật đều công nhận phác thảo của "Chiếc bè Méduse" gây được cảm xúc mạnh mẽ hơn bức tranh chính thức và trong cuốn Từ điển các danh họa trên thế giới đã chọn in bức phác thảo này. 

 Có những yếu tố ngẫu nhiên xuất hiện để từ ý tưởng định vẽ thế này nhưng nhiều khi hoàn thành tác phẩm lại đổi sang hướng khác như trường hợp bức tranh "Những cô gái Avignon" của Picasso. Đôi khi, yếu tố ngẫu nhiên xuất hiện trong kỹ thuật khi vẽ như họa sĩ trường phái trừu tượng Jackson Pollock với sự ngẫu nhiên rỏ giọt sơn xuống tác phẩm, ông đã nghĩ ra thủ pháp tưới sơn. Với kỹ thuật vẩy, đổ màu sơn của Pollock, họa sĩ đã sáng tạo ra những hình thể không định hình là thứ được tạo ra từ hoạt động cơ thể. Nó truyền tải động năng hoạt động và nhờ thế mà tinh thần của họa sĩ hiện lên trên tác phẩm mang một nét rất riêng, độc đáo và bất ngờ đôi khi ngoài sức tưởng tượng của ông. Thủ thuật về kỹ thuật này tạo cho tranh của Jackson Pollock một sắc thái đặc biệt không thể lẫn với ai và làm nên tên tuổi vĩ đại của ông trong trường phái tranh biểu hiện trừu tượng.

Những xúc cảm ngẫu nhiên thường đem lại sự hứng thú lớn cho người vẽ. Điều quan trọng là người vẽ phải có bản lĩnh nghề nghiệp, có khả năng chuyển hoá, nắm bắt những ngẫu nhiên ấy sao cho tài tình nhất, bắt được "cái hồn" khi thăng hoa. Yếu tố ngẫu nhiên và sự chủ động trong sáng tác tranh luôn đồng hành với nhau. Vì vậy, người sáng tác phải biết kết hợp một cách tinh tế và nhuần nhuyễn các yếu tố đó. Nếu quá thiên về chủ động thì tranh thiếu đi sự bay bổng, linh hoạt và ngược lại nếu thiên về ngẫu nhiên thì tranh không có chiều sâu và khó đi đến hoàn thiện. Những câu chuyện vừa dẫn trên như những bài học nhỏ minh chứng một thực tế rằng: Tranh thủ khai thác những yếu tố ngẫu nhiên cũng chính là một sự chủ động trong sáng tạo nghệ thuật!        

ThS. Nguyễn Thị Trang Ngà


Ý kiến của bạn