Hà Nội

Yếu tố nào quyết định chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học?

23-11-2022 08:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này đã tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh khi không biết chất lượng bữa ăn ở trường của con như thế nào?

Từ vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt lưu ýTừ vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt lưu ý

SKĐS - Sau khi một học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm ở Trường Ischool Nha Trang, chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống.

Phụ huynh chỉ biết trông cậy vào nhà trường

Có 2 con đang học tiểu học và đều ăn bán trú tại trường, chị Vi Thảo (ở Đông Anh, Hà Nội) băn khoăn vì không nhận được thông tin về thực đơn bữa ăn hằng ngày ở trường hay vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các bữa ăn ra sao. Chị Thảo chia sẻ: "Sau khi vụ việc nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm và có 1 bé tử vong ở Trường Ischool (Nha Trang) thì tôi cùng rất nhiều phụ huynh trong lớp của 2 con rất lo lắng. Chúng tôi không biết thực phẩm các con ăn hằng ngày đến từ đâu cũng như việc kiểm soát chất lượng bữa ăn như thế nào, có tương xứng với số tiền mà phụ huynh đóng không".

Với chị Thùy Vân (ở quận Hà Đông) có con đang học cấp tiểu học và THCS, mặc dù chị cũng băn khoăn, lo ngại khi thời gian qua có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học gây ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh và tạo tâm lý không yên tâm cho các bậc cha mẹ nhưng chị cho biết: "Vì không nắm được thông tin về chất lượng bữa ăn cũng như thực đơn trong bữa ăn bán trú của con ở trường nên gia đình đành tin tưởng và trông cậy cả vào nhà trường".

Theo khảo sát của phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, tại nhiều trường mầm non và tiểu học công lập trên địa bàn một số quận huyện như Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đông Anh... trung bình tiền ăn bán trú dao động trong khoảng 25-30.000 đồng/ngày.

Yếu tố nào quyết định chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học? - Ảnh 2.

Muốn có bữa ăn đảm bảo cả chất và lượng cho học sinh còn cần rất nhiều yếu tố khác, trong số đó có sự tận tâm của các thầy cô giáo. Ảnh minh họa

Cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, năm học 2022 - 2023, trường có 1.212 học sinh. Để đảm bảo bữa ăn bán trú, từ việc lựa chọn công ty cung cấp, lên thực đơn, kiểm tra thực phẩm đầu vào đến quy trình sơ chế, chế biến thức ăn, chia khay… đều được Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện Công đoàn, đại diện phụ huynh học sinh kiểm tra kỹ càng. Với 30.000 đồng/học sinh, suất ăn bán trú ở trường bao gồm bữa chính trưa và bữa nhẹ buổi chiều.

Yếu tố quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định luôn là an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa (quận cầu Giấy) Đàm Thu Hương, ngoài công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, muốn có bữa ăn đảm bảo cả chất và lượng cho học sinh còn cần rất nhiều yếu tố khác, trong số đó có sự tận tâm của các thầy cô giáo.

Cô Hương cho biết, tại trường THCS Yên Hòa, công tác tổ chức bữa ăn bán trú đặc biệt được quan tâm. Thực đơn hằng tuần, nhà trường đều gửi cho phụ huynh học sinh và niêm yết ở bảng trung tâm của khu vực nhà ăn với chữ ký của đại diện bếp ăn và ban giám hiệu. Ngoài ra, trường cũng có bảng tính chi tiết định lượng đối với từng suất ăn và cụ thể theo ngày. Tại khu vực lối vào nhà ăn, các thầy cô nhắc nhở học sinh rửa tay sạch sẽ trước khi ngồi vào bàn. Khu vực bàn ăn cũng ghi rõ ràng, khoa học biển hiệu lớp tương ứng với từng nhóm học sinh. Mỗi khu vực bàn ăn đều có giáo viên ngồi ăn cùng để quản lý các em.

Để tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh, theo cô Hương, nhà trường không bao giờ được chủ quan, lơ là trong tổ chức bữa ăn bán trú. Khâu kiểm tra nguyên liệu, thực phẩm hàng ngày cần được thực hiện chặt chẽ, có giám sát của đầy đủ thành phần. Ban giám hiệu liên tục kiểm tra, nhắc nhở nhân viên bếp ăn không chỉ nâng cao trách nhiệm mà còn dành tình yêu và sự tâm huyết trong chuẩn bị từng bữa ăn cho các con.

Còn theo TS.BS.Vũ Thị Thanh - Chuyên gia dinh dưỡng, một bữa ăn tốt cho trẻ ở gia đình hay trường học, yếu tố quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định luôn là an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo một bữa ăn chất lượng, đầu tiên cần đảm bảo về khâu lựa chọn thực phẩm, khâu chế biến và khâu phân phối, thời gian bảo quản thực phẩm.

Với GS.TS. Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thì việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh nhiều phụ huynh ngày nay đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, không thể đón con về nhà để lo bữa trưa. Đây là thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh có nhu cầu. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều tự quyết định về mức thu tiền ăn đến việc chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, đơn vị cung cấp suất ăn...

Hiện mỗi trường đang có mức thu khác nhau tùy thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, trong đó nhà trường là đơn vị thu hộ, chi hộ khoản tiền ăn, phí mua sắm dụng cụ bán trú, nước uống… nên về nguyên tắc là thu bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.

"Câu hỏi đặt ra là chất lượng bữa ăn có tương xứng với khoản tiền phụ huynh đã đóng hay không đang hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người quản lý. Rất cần có quy định, quy chế cụ thể về việc đảm bảo chất lượng bữa ăn trong nhà trường, chẳng hạn phụ huynh học sinh có thể kiểm tra đột xuất bếp ăn, kiểm tra nguồn thực phẩm, nguyên liệu chế biến cũng như hóa đơn, chứng từ liên quan bởi hơn ai hết, họ chính là những người giám sát tốt nhất bữa ăn của con em mình", GS.TS Phạm Tất Dong cho biết.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, đối với cấp học mầm non trong năm học 2019-2020 mới chỉ có 26.392 bếp ăn/55.335 cơ sở chiếm 47,7% (gồm 15.461 trường, 23.960 điểm trường và 15.914 nhóm lớp độc lập). Đối với cấp tiểu học mới chỉ khoảng 5.000/15.000 trường tiểu học tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó có hơn 3.300 trường học có bếp ăn, hơn 700 trường dùng suất ăn công nghiệp.

Hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2020, cả nước có 90 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.254 người bị ngộ độc.

Vụ hàng loạt học sinh bị ngộ độc ở Khánh Hoà: Bộ Y tế điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ điều trịVụ hàng loạt học sinh bị ngộ độc ở Khánh Hoà: Bộ Y tế điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ điều trị

SKĐS - Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh ở Khánh Hoà nhập viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ công tác điều trị cho các cơ sở y tế trên địa bàn


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn