Vắc-xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể để tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc-xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch tương tự như tạo ra bởi các nhiễm khuẩn tự nhiên nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận. Mục tiêu của tiêm chủng để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắc-xin.
Yếu tố có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng
Chúng bao gồm sự có mặt của kháng thể mẹ, bản chất và liều lượng kháng nguyên, đường dùng và sự có mặt của một chất hấp phụ (ví dụ như phức hợp có chứa nhôm) được thêm vào để tăng cường miễn dịch của vắc-xin. Các yếu tố như tuổi, yếu tố dinh dưỡng, di truyền và bệnh tật đang mắc phải cũng có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc-xin. Mỗi vắc-xin có chứa loại vi sinh vật gây bệnh hoặc một phần của nó và thường có hai dạng sống giảm độc lực hoặc bất hoạt (chết) của vi sinh vật hoặc kháng nguyên độc tố hoặc một trong các protein bề mặt của nó. Vắc-xin có thể là đơn giá hoặc đa giá. Một vắc-xin đơn giá có chứa một chủng duy nhất của một kháng nguyên duy nhất (ví dụ vắc-xin sởi), trong khi một loại vắc-xin đa giá có chứa hai hoặc nhiều chủng/type huyết thanh của kháng nguyên (ví dụ vắc-xin bại liệt). Vắc-xin phối hợp có chứa từ hai kháng nguyên trở lên (ví dụ như DTwP, DTP-HepB-Hib). Lợi thế tiềm năng của loại vắc-xin phối hợp bao gồm việc giảm chi phí bảo quản và quản lý so với các vắc-xin đơn giá, giảm chi phí số lần đi tiêm chủng, cải thiện sự kịp thời của tiêm chủng và tạo thuận lợi cho việc bổ sung các loại vắc-xin mới vào chương trình tiêm chủng. Kết hợp kháng nguyên thường không làm tăng nguy cơ phản ứng bất lợi và trên thực tế, dẫn đến giảm tổng thể các phản ứng bất lợi.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế và GS. Nguyễn Trần Hiển thăm điểm tiêm chủng tại TYT Tân Bình, Hải Dương. Ảnh: Mai Linh
Và phản ứng sau tiêm chủng
Mặc dù vắc-xin là an toàn nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ; phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC) có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vắc-xin. Một số người gặp các PƯSTC khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Hầu hết các trường hợp PƯSTC nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ. Một số trường hợp PƯSTC có thể do vắc-xin hoặc do sai sót trong việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin. Cho dù nguyên nhân của PƯSTC là gì, nó làm cho mọi người lo lắng, từ chối tiếp tục tiêm chủng cho con của họ, dẫn đến trẻ em dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm hơn và thậm chí là đe dọa tính mạng.
Trẻ được tiêm vắc-xin tại TYT Tân Bình, Hải Dương. Ảnh: Mai Linh
Phản ứng sau tiêm có thể được phân loại thành phản ứng phổ biến, nhẹ hoặc phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng vắc-xin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, một số thành phần của vắc-xin (ví dụ như tá dược nhôm, chất ổn định, chất bảo quản) có thể gây ra phản ứng. Một vắc-xin có chất lượng và an toàn sẽ có các phản ứng được giảm tới mức tối thiểu trong khi tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt nhất có thể.
Phản ứng tại chỗ bao gồm đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm và có thể chiếm khoảng 10% số đối tượng đã được tiêm chủng; trừ tiêm DTwP hoặc uốn ván, những vắc-xin có đến 50% có thể có các phản ứng này. BCG gây ra phản ứng tại chỗ bắt đầu như một sẩn da cam, hai hoặc nhiều tuần sau tiêm sẽ trở thành vết loét và lành sau vài tháng, để lại một vết sẹo.
Những phản ứng hệ thống bao gồm sốt chiếm tới khoảng 10% đối tượng được tiêm chủng, trừ DTwP chiếm khoảng một nửa số trẻ được tiêm. Những phản ứng thông thường khác (ví dụ như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) cũng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin DTwP. Với vắc-xin sống giảm độc lực như sởi/MMR và OPV, các phản ứng toàn thân gây ra từ nhiễm virut vắc-xin. Vắc-xin sởi gây ra sốt, phát ban và/hoặc viêm kết mạc và xảy ra ở 5-15% đối tượng được tiêm. Biểu hiện bệnh là rất nhẹ so với bệnh sởi “tự nhiên”. Tuy nhiên, đối với người suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, nó có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Phản ứng với vắc-xin quai bị (viêm, sưng tuyến mang tai) và Rubella (đau khớp và sưng hạch bạch huyết) gặp ở ít hơn 1% trẻ được tiêm. Vắc-xin Rubella gây ra các triệu chứng thường xuyên hơn ở người lớn, với 15% bị đau khớp. Những phản ứng do vắc-xin bại liệt uống ảnh hưởng ít hơn 1% người được uống vắc-xin, bao gồm tiêu chảy, nhức đầu và/hoặc đau cơ bắp. Cần lưu ý rằng, các tỷ lệ ghi nhận được là dự kiến phản ứng vắc-xin hoặc đáp ứng với kháng nguyên vắc-xin.
Tóm lại, PƯSTC có thể xảy ra do một số đặc tính vốn có của vắc-xin (phản ứng liên quan đến vắc-xin); hoặc do phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng; hoặc do sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên tại cùng thời điểm tiêm vắc-xin; hoặc liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng, do sợ hãi hay đau khi tiêm chứ không phải do tiêm chủng. Trong một số trường hợp không tìm được nguyên nhân của PƯSTC. Phản ứng nhẹ do vắc-xin là phổ biến và không cần điều trị đặc biệt. Phản ứng vắc-xin nghiêm trọng hiếm gặp, cần phải điều trị kịp thời bởi nhân viên y tế có trình độ.
Hội đồng Các tổ chức quốc tế về khoa học y học (CIOMS) và Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại nguyên nhân cụ thể của PƯSTC như sau:
Phản ứng liên quan đến vắc-xin: Là phản ứng gây ra do một hoặc nhiều thành phần của vắc-xin. Nó cũng là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc-xin, ngay cả khi vắc-xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác.
Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng: Là phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng gây ra bởi việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin không đúng.
Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng: Là phản ứng xảy ra do sự lo lắng về tiêm chủng.
Sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên: Là phản ứng gây ra bởi một nguyên nhân khác không phải là do vắc-xin, do sai sót tiêm chủng hay do lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của trẻ.
Không rõ nguyên nhân: Nhiều trường hợp PƯSTC không tìm được nguyên nhân do thiếu các thông tin có liên quan đến các nguyên nhân đã nêu ở trên.
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)