Ai đó ví ông giống con rùa. Có vẻ giống vậy về bề ngoài: Thân hình gầy gò, khô cằn, chậm chạp. Về tính cách cũng khá đặc trưng: Nhẫn nại, không hoảng hốt, không lo sợ, kiên trì… làm người tử tế. Bố tôi là thế đó, không ồn ào, không phô trương sự có ích của mình với người xung quanh, cũng không phiền toái hoặc gây hại cho ai, thầm lặng đi đến… tuổi 82. Các loại ống cắm quanh người: chai truyền, oxy, thông tiểu… Ông chỉ còn 33kg. Chẳng ai nói với ai nhưng mọi người đều nghĩ: gay go rồi.
Đứa em gái, mấy bà chị em ông ở quê chỉ khóc, ai cũng ầng ậc nước mắt… Còn tôi vốn không chịu được khi thấy người khác khóc nên đến viện để trực đêm. Không kịp nhờ ai cả, tôi cũng giống bố rất ngại làm phiền người khác. Đêm bệnh viện tĩnh lặng. Một ý nghĩ chợt đến, hay tranh thủ làm gì cho ông, viết một lời điếu chẳng hạn? Cuốn phim về cuộc đời ông quay lại xốn xang, những kỷ niệm một thời túng thiếu nhưng hạnh phúc, mẹ mất, bố về già… nước mắt bỗng tuôn lã chã. Chấp nhận ư? Lấy lẽ tạo hóa, tự nhiên để buông xuôi. Không, đã có lần cụ bộc bạch: Già yếu nhưng vẫn muốn nhìn đời, xem con cháu trưởng thành, sống vẫn sướng hơn chết con ạ. Vậy thì chúng con sẽ cố, cha cũng vậy nhé, các bác sĩ cũng đang tìm mọi cách. Một đêm không ngon giấc, luôn là vậy vì trực viện mà, nhưng sáng dậy thấy nhẹ nhõm và trong trẻo vì quyết tâm: Giữ bố tôi ở lại với cuộc sống.
Sự chăm sóc tận tình của người thầy thuốc đã giúp bệnh nhân vượt qua giây phút hiểm nghèo.
Mừng là ông vẫn còn minh mẫn, trí não có vẻ rất quan trọng cho một cơ thể khỏe. Không lúc nào thấy ông chùng xuống, buông xuôi hay bàn về chuyện về… trời. Chúng tôi càng được khích lệ thêm. Một ngày khí dung 3 lần, oxy thở gần 24/24h, dịch truyền duy trì cả hai tay, chỉ nghỉ ngơi vài giờ một ngày. Mấy ngày đầu ông cụ gần như không ăn được gì nên phải nuôi bằng truyền tĩnh mạch hoàn toàn. Da dẻ đã hồng hào hơn, mắt đã có thần và lanh lợi hơn nhiều. Khi ông ăn được thêm thì tiên lượng khá hơn hẳn. Các thuốc men, thực phẩm chức năng, sữa điều trị… như một “bản giao hưởng” điều trị, có vẻ thành công. Có một vấn đề phát sinh là công việc bài tiết và vệ sinh. Vốn không quen sinh hoạt trên giường, tiền liệt tuyến to, táo bón nên cụ bị bí tiểu, bí đi ngoài. Thuốc men là một chuyện nhưng phải kết hợp với người thân chăm sóc, chườm, thụt, massage, sonde tiểu… Có vậy nên ông cụ đã thấy nhẹ nhõm hơn, muốn ở lại với thế giới này. Các xét nghiệm, chụp CT scan không thấy u ác tính ở phổi (bố tôi nghiện thuốc lâu năm) cho kết quả bình thường làm gia đình chúng tôi lạc quan hơn. Cảm ơn biết bao tâm - đức - y thuật của các đồng nghiệp Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Sự tận tâm, ý chí chiến đấu với thần chết, sự hy sinh và chịu đựng của các anh chị khiến chúng tôi cảm phục và ngưỡng mộ sâu sắc. Đội ngũ áo trắng đều còn trẻ, không nhiều những giáo sư uy nghi nhưng đều vững chuyên môn, hồng y đức.
Ngày bố tôi được ra viện cũng là ngày tôi tối tăm mặt mũi ở bệnh viện mình. Không gặp gỡ để cảm ơn được… Tôi nhớ câu tạm biệt của BS. Thắng Trưởng khoa, các cụ còn ra vào đây nhiều, chúng em sẽ cố gắng chăm sóc tốt, ai cũng như ai, anh yên tâm.
Ngẫm ra chả cần kiêng cữ gì, ai rồi cũng có lúc già và bệnh, bố tôi rồi sau này là tôi. Cảm ơn lời mời của Trưởng khoa, bố tôi vẫn còn đây nhờ công lao của y sinh, sự yêu thương và chăm sóc của gia đình, bạn bè… Đúng là Sự Yêu Thương Nhiệm Màu.