Hà Nội

“Yêu” theo phong trào: Những nỗi đau đeo đẳng cả đời

14-03-2015 13:26 | Giới tính
google news

Trẻ tuổi, xa nhà, cô đơn, nên đa số công nhân khu công nghiệp ai cũng khao khát có được tình yêu để cuộc sống ấm áp hơn.

Trẻ tuổi, xa nhà, cô đơn, nên đa số công nhân khu công nghiệp ai cũng khao khát có được tình yêu để cuộc sống ấm áp hơn. Nhưng hoàn cảnh, điều kiện ngăn trở họ tiếp cận với kiến thức, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục, khiến nhiều người vừa yêu đã chịu đau đớn và có những nỗi đau đeo đẳng suốt cả cuộc đời.

1 năm phá thai 3 lần

Trần Thu Hà (công nhân khu công nghiệp Sóc Sơn) chia sẻ, năm nay em 20 tuổi, quê ở Thanh Hóa, lên Hà Nội làm công nhân từ năm 18 tuổi. Xa nhà nhớ bố mẹ, đi làm ca nhưng thời gian rảnh rỗi Hà cũng không có tiền để tham gia các hoạt động giải trí. Giống như đa số công nhân, thú vui duy nhất của Hà là tụ tập nam - nữ cùng tán gẫu rồi cưa cẩm, yêu đương. Trong phòng trọ của Hà có 5 chị em thì ai cũng có người yêu, ai cũng “tới bến” cả. Theo phong trào, Hà nhận lời yêu một công nhân quê Tuyên Quang. Chỉ mạnh dạn từ chối được 2 tuần thì Hà cũng theo phong trào yêu “hết mình”.

“Nhưng tụi em chỉ yêu nhau dấm dúi, chẳng có tiền để ngày nào cũng đi nhà nghỉ nên toàn “yêu” nhau chớp nhoáng, không dùng biện pháp tránh thai gì. Hậu quả trong 1 năm em mang thai 3 lần. Lần nào người yêu em cũng bảo chưa có điều kiện kết hôn nên phải bỏ cái thai đi, rồi hứa hẹn sau này sẽ chăm sóc em, có trách nhiệm với em. Không có tiền để đi bệnh viện nên em toàn phá thai ở các cơ sở y tế chật hẹp, rẻ tiền. Nhưng rồi chúng em vẫn chia tay nhau. Em cũng đã có người yêu mới, lại yêu hết mình” - Hà buồn bã và cho biết thêm, phòng trọ của Hà cũng có 2 cô gái khác cũng từng lỡ “kế hoạch hóa”.

Chuyên gia Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCHIP tư vấn chăm sóc sức khỏe tình dục cho thanh niên

Nguyễn Thị Hoa (Khu công nghiệp Gia Lâm) cho biết, cô có người yêu được 6 tháng, cũng đã quan hệ tình dục nhưng không vận động được bạn trai sử dụng bao cao su. “Người yêu nói rằng nếu bắt anh ấy dùng “áo mưa” là e ngại anh ấy không chung thủy. Hơn nữa việc mua bao cao su trong khu công nghiệp cũng khó khăn, loanh quanh chỉ có vài hàng thuốc, quen hết mặt bọn em. Mỗi lần em đi mua đều bị người bán hàng cười cười, nhấm nháy “người yêu khỏe nhỉ” khiến em xấu hổ” - Hoa cho biết.

Hạn chế kiến thức

Là một trong thành viên tích cực hoạt động tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, anh Đinh Quang Trường - công nhân Công ty Nhôm Đô Thành (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, tình cảnh “ăn cơm trước kẻng”, quan hệ tình dục không an toàn diễn ra khá phổ biến trong giới trẻ. Rất nhiều công nhân thuê nhà sống chung với nhau. Tuy nhiên, do các bạn còn trẻ, nên suy nghĩ rất nông nổi, quan hệ tình cảm không bền vững dễ dẫn đến có thai ngoài ý muốn, có thai thì lại muốn phá bỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Bạn tình nhiều thì cũng dễ mắc các bệnh lây truyền tình dục. Do đó, các “tai nạn” xảy ra cũng không ít. Nhiều bạn còn không được công ty đóng bảo hiểm y tế nên khi bị ốm, có thai đều phải tự bỏ tiền túi ra chi trả. Tiền ít các bạn lại tìm đến các cơ sở y tế chui, thiếu an toàn” - anh Trường cho biết.

Theo bà Phùng Thị Hiên - cán bộ phụ trách dự án Nhịp sống trẻ dành cho công nhân khu công nghiệp (Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP), công nhân không có nhiều cơ hội để tiếp xúc, nâng cao hiểu biết của mình về sức khỏe sinh sản, tình dục nên không biết cách chăm sóc bản thân, giữ an toàn cho mình và bạn tình. “Các bạn cứ vô tư yêu, vô tư quan hệ tình dục không an toàn rồi lại vô tư xử lý. Trong khi hậu quả là mắc bệnh tình dục khiến cả nam lẫn nữ đều có nguy cơ vô sinh. Bạn gái khi nạo phá thai nhiều lần càng dễ bị vô sinh hơn” - bà Hiên nhấn mạnh.

Bà Hiên cho biết thêm, chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân không thiếu. Tuy nhiên, các cơ sở y tế chỉ làm giờ hành chính, trong khi doanh nghiệp không cho công nhân nghỉ làm. Doanh nghiệp cũng ít có chương trình bồi dưỡng kiến thức sức khỏe sinh sản cho công nhân. “Khi chúng tôi muốn vào khu công nghiệp để tuyên truyền miễn phí cho công nhân nhưng nhiều đại diện doanh nghiệp từ chối vì công nhân còn phải đi làm” - bà Hiên chia sẻ.

Bà Hiên phân tích, nguyên nhân sâu xa của thực trạng quan hệ tình dục không an toàn phổ biến trong công nhân không chỉ do hạn chế về kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Rào cản lớn nhất khiến các bạn “tự đóng cửa” chính là do những ngần ngại, lo sợ bị đánh giá về mặt đạo đức. Ngoài ra, áp lực về thời gian làm việc, điều kiện sinh sống (sống một mình, ít tiếp xúc các phương tiện truyền thông) khiến họ càng thèm yêu, muốn được yêu để khỏa lấp nỗi cô đơn, vất vả khi làm ăn xa. Do đó, cho dù chưa chuẩn bị kỹ về kiến thức, cũng vẫn còn bấp bênh về sự bền vững của tình yêu nhưng các bạn trẻ vẫn muốn “liều”.

Theo An ninh Thủ đô

 


Ý kiến của bạn