Yêu sớm, nỗi lo được báo trước

05-04-2014 07:00 | Giới tính
google news

SKĐS - Yêu sớm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, yêu thắm thiết ở lứa tuổi trung học phổ thông,... kéo theo nhiều hệ luỵ buồn.

Yêu sớm khi đang ngồi trên ghế trường trung học cơ sở, yêu thắm thiết ở lứa tuổi trung học phổ thông, chẳng lo chuyện học hành, nam sinh nữ sinh dính với nhau như hai con sam, đòi sống thử với nhau... Đó là những nỗi lo lắng, ca thán của nhiều phụ huynh khi biết con yêu đương khi đang là học sinh và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy buồn...

Gia đình và nhà trường cần kết hợp để giáo dục giới tính cho các em học sinh

Gia đình và nhà trường cần kết hợp để giáo dục giới tính cho các em học sinh

Nốt nhạc trầm buồn

Chuyện yêu nhau thời nay của con trẻ không chỉ dừng lại ở việc có cảm tình với nhau qua ánh mắt, cái nhìn, hay quý mến bạn này bạn nọ vì bạn ý duyên dáng. Mà nó đã ở tầm cao hơn như: yêu là phải thoáng, phải liều, phải mang lại cảm xúc tuyệt đỉnh cho nhau. Hay nói cách khác, chuyện yêu của lứa trẻ thường gắn liền với tình dục. Đành rằng xã hội nay đã hiện đại và văn minh hơn trước. Cái nhìn về tình dục cũng thoáng hơn. Nhưng yêu nhau khi chưa kịp trang bị kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản nên học trò không lường trước được những hậu quả. Quan hệ tình dục không phải là điều xấu. Nhưng quan hệ tình dục khi còn là vị thành niên và chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản sẽ dễ đem lại những rủi ro lớn, đó là: mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; các cú sốc tâm lý trong tâm hồn đầy non nớt của các em khi hành vi thực tế khác với những điều tưởng tượng; các hành vi tình dục lệch lạc... Quan hệ tình dục sớm cũng dễ mắc phải những hành vi xấu như nghiện rượu, ma túy, phạm pháp (hay gặp ở nam sinh) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập.

Có em mất kinh nguyệt 2 tháng, có em đến tháng thứ 5, thứ 6 mới biết mình mang bầu. Đó có thể là kết quả của những mối tình vụng dại, vội vàng, yêu là liều lĩnh dâng hiến nhưng thiếu kỹ năng bảo vệ cho dù chưa ai sẵn sàng làm bố làm mẹ. Chính vì không có kiến thức nên các em không biết sợ. Khi đã trót mang thai, phần lớn các em chỉ mong tìm một nơi “giải quyết” thật nhanh, thật kín để không ai biết. Rất hiếm trường hợp cân nhắc giữ hay để và cũng ít người nghĩ đến hậu quả khôn lường của việc phá thai. Có em đi cùng bạn gái hoặc được bạn trai đưa đi nhưng đa phần lủi thủi một mình ngồi chờ đến lượt. Không ít học trò đến cơ sở y tế bỏ thai một cách rất hồn nhiên, chỉ mong được giải quyết nhanh để kịp giờ học, giờ thi. Không ít em đang học phổ thông đã bỏ thai 2 - 3 lần...

Các chuyên gia tâm lý và sản khoa đã cho rằng, các em gái phải gánh chịu nhiều hậu quả hơn trong chuyện yêu sớm và không làm chủ được hành động của bản thân. Việc phá thai ở tuổi học trò để lại nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn, thủng tử cung, vô sinh... mà hầu hết các em không biết những điều này nên khi lỡ là bỏ thai một cách rất dễ dàng. Đặc biệt, việc bỏ thai lần đầu tiên có nguy cơ vô sinh cao hơn rất nhiều lần so với những người đã sinh con mới bỏ thai sau đó. Nếu không bỏ thai mà giữ thai, các em phải đối mặt với nguy hiểm về sức khỏe khi sinh như: nguy cơ biến chứng (càng cao khi tuổi càng ít) như sinh non, dị tật ở thai, thậm chí có thể gây tử vong mẹ và con, nhất là em gái tuổi dưới 17 (do chưa đạt đến sự trưởng thành đầy đủ về thể chất, xương chậu chưa đủ rộng cho một ca sinh)... Ngoài các nguy cơ sức khỏe, việc làm mẹ ở tuổi học đường cũng gây những biến động tâm lý không nhỏ. Các em sẽ dang dở con đường học hành, ảnh hưởng đến tương lai và dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý.

Cần một hướng giáo dục cụ thể

Trẻ dậy thì và biết yêu là quy luật của tạo hóa. Nhưng yêu rồi lãnh hậu quả khi còn non dại, không có kiến thức lại là một phần lỗi từ phía người lớn, chưa cụ thể và thẳng thắn trong dạy bảo. Các em bị “che chắn” về kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản. Nhiều người vẫn quan niệm rằng, đó là chuyện nhạy cảm không thể đưa ra hết để trao đổi, dạy dỗ và giáo dục giới tính đồng nghĩa với việc “tiếp tay” cho trẻ làm bậy. Trong khi trẻ lại ảnh hưởng từ văn hóa bên ngoài, theo cách sống của phương Tây, xem quan hệ tình dục là điều bình thường, nhưng kiến thức về giới tính, sinh sản và các kỹ năng tự bảo vệ lại rất kém nên việc lãnh hậu quả là điều khó tránh.

Do vậy, các em cần hiểu rõ về mọi chuyện để có lựa chọn, đi con đường này thì thế nào mà chọn con đường kia thì hậu quả ra sao và biết chịu tránh nhiệm về lựa chọn của mình. Cần tăng cường lồng ghép kiến thức sinh sản vào các chương trình học kỹ năng sống. Các em được trang bị kiến thức càng cụ thể bao nhiêu thì càng tránh được các hậu quả.

Về phía gia đình, cũng nên tăng cường nói chuyện giới tính với con. Khi thấy con yêu sớm, cha mẹ không nên cấm đoán tức thì hay làm ầm ĩ lên hoặc có lời lẽ chì chiết, xúc phạm con, mà hãy lựa lời phân tích về tình cảm bồng bột của con, nghiêm khắc nhưng phải tôn trọng con. Nếu cha mẹ chưa đủ bình tĩnh thì hãy xin ý kiến của các chuyên gia tư vấn tâm lý rồi hãy nói chuyện với con. Những lời khuyên khách quan, chuyên nghiệp sẽ giúp con phát triển tình cảm lành mạnh, đúng hướng. 

BS. Thanh Thanh


Ý kiến của bạn