Hà Nội

'Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì'

17-11-2021 18:29 | Y tế
google news

SKĐS - Đây là chủ đề của chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam do Cục Phòng, Chống HIV/AIDS vừa khởi động, triển khai từ ngày 17/11 đến ngày 15/12/2021.

Chiến dịch được diễn ra cùng với các hoạt động khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021; nhằm tạo ra những đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

photo-1637147670603

Phát động chiến dịch Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì?

Chiến dịch "Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì" nhằm quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất – so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng virus để dự phòng HIV; thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao rằng: Với những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV, không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó.

Chiến dịch cũng muốn chuyển tải thông điệp: Chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở khi nói về các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cho biết: "Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì" nhắm đến những người trẻ, đặc biệt là những người đang có nguy cơ cao đối với HIV. Hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả hơn bao giờ hết… Vì thế, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ.

Việc biết được tình trạng HIV của bản thân có thể tạo điều kiện, động lực cho mọi người bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nếu họ có HIV âm tính hoặc điều trị kháng virus (ARV) nếu họ có HIV dương tính.

Với một người có HIV điều trị bằng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (nói cách khác, không phát hiện được virus trong cơ thể người đó) sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ. Đây chính là nội dung thông điệp " Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K).

Với PrEP và K=K là hai công cụ an toàn và hiệu quả để giúp bạn giữ vững sức khỏe và dự phòng lây truyền cho bản thân hoặc những người khác.

Chiến dịch cũng kêu gọi chăm sóc y tế dành cho mọi người một cách bình đẳng, bất kể tình trạng HIV, với sự tiếp cận an toàn và hiệu quả với các thuốc ARV để giữ sức khỏe và dự phòng lây truyền. Cách tiếp cận này giúp bình thường hóa các xét nghiệm HIV thường quy và tạo điều kiện cho các chăm sóc không kỳ thị dành cho cả người có HIV lẫn không có HIV.

Mời độc giả xem thêm video:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn