Hà Nội

Yếu mỏi các cơ vận động: Thận trọng với bệnh nhược cơ

13-02-2022 15:01 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều người mệt mỏi các cơ vận động hay còn gọi tình trạng giả liệt nặng (nhược cơ). Mặc dù được nghỉ ngơi và thời gian nghỉ cũng được kéo dài nhưng các cơ vẫn rất nhanh bị mỏi, hạn chế nhiều đến vận động, đôi khi gây nguy hiểm.

Nhược cơ có nguy hiểm?Nhược cơ có nguy hiểm?

SKĐS - Cháu 27 tuổi bị, rất hay bị mệt, nhất là khi phải gắng sức. Gần 1 tháng nay, tự nhiên mắt trái cháu bị sụp và việc nuốt nhai gặp khó khăn.

1. Bệnh nhược cơ là gì?

Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn do rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc trưng bằng tình trạng yếu mỏi các cơ vận động. Bệnh thường biểu hiện đầu tiên ở mắt (sụp mi), giai đoạn nặng hơn có biểu hiện toàn thân như: Yếu tay chân, khó nuốt, nói khó và nặng hơn nữa là liệt các cơ hô hấp làm bệnh nhân không thở được, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Các nhà khoa học cho rằng bệnh nhược cơ là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính đặc trưng với tình trạng yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục với nhiều mức độ khác nhau.

Nhược cơ được xếp vào bệnh tự miễn do sự tồn tại các kháng thể chống lại thụ thể Acetylcholin trên màng tế bào cơ tại các vùng tiếp nối thần kinh cơ hậu Synap.

Bệnh nhược cơ không phải là một bệnh lý phổ biến, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng gấp đôi nam giới, thường gặp ở phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi hoặc trên 70 tuổi và nam giới trên 50 tuổi.

Yếu mỏi các cơ vận động - Thận trọng với bệnh nhược cơ - Ảnh 2.

Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn do rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhược cơ

Biểu hiện đặc trưng của bệnh nhược cơ là yếu, liệt các cơ trong cơ thể, trong đó thường gặp tình trạng yếu cơ vùng đầu mặt cổ. Các biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân là sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, liệt mặt, nuốt khó, nhai khó, đùn nước bọt, thay đổi giọng nói, đầu thường rũ xuống, nét mặt buồn rầu, mệt mỏi.

Biểu hiện đặc trưng tiếp theo là tình trạng yếu cơ tay chân, trong những cơn nhược cơ bệnh nhân thậm chí không nhấc được tay lên. Ngoài ra, tình trạng yếu các cơ hô hấp: Khó thở, suy hô hấp cấp… cũng sẽ xảy ra ở bệnh nhân.

Điều lưu ý để nhận biết là các triệu chứng yếu cơ thường xuất hiện vào cuối ngày hoặc sau khi vận động nhiều và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Các cơ thường bị ảnh hưởng một bên, không đối xứng và có các biểu hiện rối loạn khác nhau. Phản xạ thần kinh và cảm giác của người bệnh thường không bị tổn thương.

Yếu mỏi các cơ vận động - Thận trọng với bệnh nhược cơ - Ảnh 3.

Sụp mi. nuốt khó, mệt mỏi... là một số trong những dấu hiệu của bệnh nhược cơ.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh nhược cơ là yếu, liệt các cơ trong cơ thể, trong đó thường gặp tình trạng yếu cơ vùng đầu mặt cổ.

3. Phân chia các giai đoạn của bệnh nhược cơ

Theo các nhà nghiên cứu, nhược cơ thường được phân chia làm các giai đoạn như sau:

- Ở giai đoạn 1: Chỉ một nhóm cơ bị ảnh hưởng, thường gặp đầu tiên là các cơ vận nhãn.

- Ở giai đoạn 2 thì chia ra 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 2A: Các nhóm cơ toàn thân đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ cơ hô hấp và vùng hầu họng.
  • Giai đoạn 2B: Các nhóm cơ toàn thân đều bị ảnh hưởng, kèm theo cả nhóm cơ vùng hầu họng nhưng không có các cơ hô hấp.

- Ở giai đoạn 3: Tất cả các cơ đều bị ảnh hưởng, bảo gồm các biểu hiện rối loạn hầu họng và hô hấp.

Mức độ nhược cơ theo phân loại của Osserman là:

- Nhóm I: Nhược cơ thể mắt đơn thuần, tỉ lệ 15 - 20% tổng số bệnh nhân.

- Nhóm IIA: Nhược cơ toàn thân nhẹ, tiến triển chậm chạp, không có cơn nhược cơ, có đáp ứng với thuốc, tỉ lệ 30%.

- Nhóm IIB: Nhược cơ toàn thân mức độ trung bình, ảnh hưởng nặng tới hệ cơ xương và hệ cơ thuộc hành não, không có cơn nhược cơ, có đáp ứng với thuốc nhưng không đầy đủ, tỉ lệ 25%.

- Nhóm III: Nhược cơ bùng nổ cấp tính, các triệu chứng nặng tiến triển nhanh chóng với cơn suy hô hấp, đáp ứng thuốc kém, tỉ lệ u tuyến ức cao, tỉ lệ tử vong cao(15%).

- Nhóm IV: Nhược cơ nặng và muộn giai đoạn về sau, triệu chứng giống nhóm III, nhưng tiến triển từ I sang IV mất hơn 2 năm, tỉ lệ 10%.

Yếu mỏi các cơ vận động - Thận trọng với bệnh nhược cơ - Ảnh 5.

Nhược cơ là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính đặc trưng với tình trạng yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục.

4. Chẩn đoán bệnh nhược cơ

Để chẩn đoán bệnh nhược cơ cần sự phối hợp giữa việc thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp, trong đó các phương tiện cận lâm sàng đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán chính xác bệnh.

Sau khi các bác sĩ khám lâm sàng trong đó sử dụng các biện pháp riêng biệt như:

- Yêu cầu bệnh nhân nhấp nháy mắt 15 lần liên tục rồi mở mắt nhìn. Bệnh nhân không mở mắt nhìn được là một gợi ý bệnh nhược cơ.

- Test Prostigmin: Sau 15 phút tiêm Prostigmin, bệnh nhân nhược cơ có thể mở mắt bình thường trở lại. Kết quả như trên gọi là test Prostigmin dương tính...

- Các bác sĩ sẽ chỉ định chụp Xquang ngực, CT scan, MRI ngực để phát hiện các hình ảnh bất thường của tuyến ức nếu có.

Yếu mỏi các cơ vận động - Thận trọng với bệnh nhược cơ - Ảnh 6.

Bệnh nhược cơ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sức khỏe của người bệnh.

5. Điều trị bệnh nhược cơ

Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định, trong đó dùng các loại thuốc được chỉ định để làm nhẹ triệu chứng, nhưng không chữa khỏi hoàn toàn được bệnh. Các thuốc cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Lọc máu để loại bỏ trực tiếp các tự kháng thể kháng Acetylcholin trong máu của người bệnh. Biện pháp điều trị này có thể được chỉ định trong các trường hợp cấp cứu, biểu hiện suy hô hấp cấp.

Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức có thể làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh. Phương pháp này được áp dụng trong các trường hợp có các bất thường tuyến ức. Sau phẫu thuật, bệnh nhẫn vẫn được khuyên tiếp tục dùng thuốc để điều trị bệnh.

Tuy nhiên, bệnh nhược cơ hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn và có thể tái phát sau một khoảng thời gian dài. Bệnh nhược cơ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sức khỏe của người bệnh. Trong những đợt tiến triển, bệnh nhân có thể không nhấc nổi cánh tay, không thể làm bất kỳ việc gì dù là nhỏ nhất. Những trường hợp đến muộn có thể phải đối mặt với tình trạng khó thở, nguy cơ tử vong cao. Điều quan trọng trong điều trị là phát hiện và xử trí kịp thời các cơn nhược cơ, cấp cứu được tình trạng hôn mê và suy hô hấp của bệnh nhân.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19


BSCKI. Nguyễn Hồng Quế
Ý kiến của bạn