Công nghệ tối ưu nhưng vẫn cần người dùng cảnh giác
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.Lừa đảo trực tuyến đã và đang là vấn nạn phổ biến trên không gian mạng toàn cầu và tại Việt Nam. Trong quy trình phạm tội, các đối tượng lừa đảo sử dụng các tài khoản ngân hàng "rác" để nhận tiền của nạn nhân, sau đó sẽ thuê nhân sự trực các tài khoản này. Khi tài khoản phát sinh số dư, số tiền sẽ tiếp tục được chuyển lòng vòng sang tài khoản khác hoặc đổi ra tiền điện tử, từ đó chuyển ra nước ngoài để gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc truy vết và thu hồi tiền.
Việc Ngân hàng Nhà nước ra quy định yêu cầu áp dụng xác thực sinh trắc học với các giao dịch từ 10 triệu đồng sẽ hạn chế các tài khoản "rác", tài khoản ảo. Tức là, nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Đây có thể nói là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác".
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, thực tế vẫn còn nguy cơ các đối tượng lừa đảo thuê người lập tài khoản và thuê chính những người này thực hiện việc chuyển tiền cho chúng. Do đó, bên cạnh biện pháp tăng cường xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7, vẫn cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết các hình thức lừa đảo, cũng như tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân để không trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo như cho thuê tài khoản, làm thuê việc chuyển tiền…
Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, Việt Nam là một trong những nước triển khai xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng tương đối sớm. Trên thế giới, chưa có nhiều nước triển khai được. Theo tìm hiểu của ông, hiện có Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil là những nước đã triển khai xác thực sinh trắc học ở các cây ATM. Liên minh châu Âu đang xem xét ứng dụng xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng.
"Tôi cho rằng việc đáp ứng quy định mới của Ngân hàng Nhà nước đã được các ngân hàng chuẩn bị khá sớm và kỹ. Tuy nhiên, với lượng khách hàng lớn, nhiều tình huống phát sinh, nên trong thời gian đầu quy định mới có hiệu lực, không thể tránh khỏi những sự cố quá tải cục bộ tại các thời điểm nhất định. Điều này sẽ giảm dần trong thời gian tới, bởi việc xác thực, đối chiếu với dữ liệu căn cước công dân gắn chip chỉ cần phải thực hiện một lần cho mỗi tài khoản", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho biết.
Xác thực sinh trắc học sẽ yêu cầu người dùng phải thực hiện thêm thao tác cài đặt sinh trắc học ban đầu, trong đó yêu cầu sử dụng điện thoại có hỗ trợ NFC để đọc thông tin, dữ liệu từ căn cước công dân. Điều này có thể sẽ gây khó khăn với một số người không biết công nghệ, đặc biệt là người lớn tuổi.
"Mọi người cũng cần nhận thức rõ, cuộc chiến chống lừa đảo trực tuyến là cuộc chiến của toàn xã hội và xác thực sinh trắc học chỉ là một trong số những biện pháp đang được triển khai đồng bộ để giúp người dân phòng, tránh các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.
Nhiều hình thức biến tướng, lách quy định sẽ tiếp tục được các đối tượng lừa đảo sử dụng. Vì thế, người dân vẫn cần chủ động nâng cao kỹ năng khi tham gia giao dịch trên không gian mạng, tuyệt đối không cài ứng dụng không rõ nguồn gốc, không làm theo các hướng dẫn từ những người lạ, trang web lạ, thường xuyên cập nhật thông tin để nhận diện các hình thức lừa đảo mới", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn khuyên.
Lừa đảo hướng dẫn thực hiện xác thực sinh trắc học là chiêu lừa mới
Trong 5 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần đầu tháng 7, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đặc biệt lưu ý chiêu lừa mới, mạo danh các ngân hàng lừa hướng dẫn người dân thực hiện xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản. Dưới đây là 5 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến vừa được Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng Internet Việt Nam nâng cao cảnh giác:
Mạo danh nhân viên ngân hàng lừa hướng dẫn xác thực để chiếm đoạt tài sản: Lợi dụng quy định yêu cầu cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến có hiệu lực từ ngày 1/7, những ngày vừa qua, một số đối tượng đã mạo danh cán bộ làm việc tại ngân hàng để chủ động liên hệ với người dùng và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, khi liên hệ với người dùng dịch vụ ngân hàng, đối tượng mạo danh yêu cầu nạn nhân cung cấp các dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ người dân thực hiện cuộc gọi video để thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi thành công đánh cắp dữ liệu, đối tượng sẽ dễ dàng đăng nhập được vào các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến và thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân, chiếm đoạt tài sản.
Mạo danh Trung tâm phòng chống lừa đảo để lừa chiếm đoạt tài sản: Cụ thể, đầu tiên đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng, đơn vị cung cấp thẻ tín dụng hoặc các sàn thương mại điện tử để tiếp cận, thông báo tài khoản của người dùng đã bị tấn công và có dấu hiệu thực hiện những giao dịch đáng ngờ. Sau đó, đối tượng gửi email có logo CAFC nhằm gia tăng mức độ uy tín, yêu cầu nạn nhân cung cấp các dữ liệu cá nhân, thông tin ngân hàng và thực hiện các giao dịch, đánh cắp tiền.
Không những thế, các đối tượng lừa đảo còn có xu hướng mạo danh điều tra viên làm tại CAFC, nhắm tới những người là nạn nhân bị lừa đảo, hứa hẹn giúp họ lấy lại số tiền đã mất. Đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình điều tra, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo lừa đảo qua ứng dụng WhatsApp: WhatsApp là ứng dụng trò chuyện trực tuyến phổ biến, được nhiều người dân ở mọi độ tuổi trên toàn cầu sử dụng rộng rãi. Vì thế, đây cũng là nền tảng vô cùng thuận lợi cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua nền tảng trò chuyện trực tuyến này, các đối tượng đang sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo như giả mạo người thân, bạn bè; Thông báo tham gia nhận quà trúng thưởng; Lừa nâng cấp ứng dụng; Yêu cầu nhập mã xác nhận...
Chiếm đoạt hàng tỷ đồng bằng thủ đoạn 'Việc nhẹ, lương cao' biến tướng: Người dân cần cảnh giác trước các lời mời gọi 'Việc nhẹ, lương cao', các chuyên gia Cục An toàn thông tin cũng lưu ý người dân tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc, nộp phí tham gia khi chưa xác minh danh tính của đối tượng.
Cài ứng dụng dịch vụ công trực tuyến giả: Thủ đoạn lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo đã liên tục các lực lượng chức năng cảnh báo, song đến nay vẫn có những người dân bị lừa mất hàng tỷ đồng. Cục An toàn thông tin đề nghị người dân không truy cập đường link lạ. Khi nhận được thông báo liên quan tới việc sử dụng phần mềm dịch vụ công, người dân chỉ nên tải ứng dụng từ nguồn chính thống như các kho ứng dụng AppStore, CH Play.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 6/7.