4 tuyến cao tốc do tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, áp dụng thu phí không dừng (ETC) gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Điều đáng nói, dù Bộ GTVT nhiều lần yêu cầu tạo điều kiện cho người dân sử dụng hình thức ETC thế nhưng VEC vẫn đưa ra quy định riêng "phải có số dư cao trong tài khoản mới được lưu thông qua trạm".
Cụ thể, để vào được cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dù ô tô đi chặng đường ngắn chỉ hết 20.000 – 30.000 đồng/lượt nhưng VEC vẫn yêu cầu chủ xe phải nộp vào tài khoản ETC ít nhất 150.000 đồng. Nếu tài khoản có số dư thấp hơn, hệ thống barie tại các làn thu phí không dừng sẽ không mở để lái xe ra, vào cao tốc.
"Tài khoản VEC của tôi còn 120.000 đồng nhưng không thể đi từ IC7 nút giao TP Việt Trì (Phú Thọ) lên Hà Nội dù quãng đường này chỉ hết mức phí 69.000 đồng/lượt", anh Ngô Văn Hùng, một lái xe bức xúc nói.
Đây là lý do trong ngày đầu tiên áp dụng thu phí tự động hoàn toàn, tại một số làn vào trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra tình trạng ùn ứ, xe không thể qua trạm do mắc các lỗi tài khoản không đủ số dư theo yêu cầu; tài khoản không đủ tiền; chủ xe đã dán thẻ nhưng chưa kích hoạt tài khoản, xe đã nạp tiền vào tài khoản nhưng tiền chưa về để được kích hoạt…
Anh Lê Văn Minh, một tài xế khách cũng cho biết, nhà anh ở huyện Thường Tín, ngày nào cũng đi từ nút giao Hồng Vân (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vào trung tâm TP Hà Nội làm việc với mức phí 9.000 đồng/lượt. Thế nhưng từ ngày 1/8 đến nay, VEC lại yêu cầu tài khoản có số dư trên 35.000 đồng mới được qua trạm.
"Đây là cách làm áp đặt, một mình một luật gây ức chế cho người sử dụng dịch vụ ETC. Bộ GTVT và các đơn vị liên tục nói rằng tạo điều kiện tối đa cho người dân lưu thông trên cao tốc bằng ETC nhưng đến nạp tiền vào tài khoản bằng hình thức Mobile Banking, điện tử Momo hoặc thẻ ATM nội địa qua cổng thanh toán VnPay chúng tôi cũng mất thêm phí", anh Minh nói.
Một số doanh nghiệp vận tải cũng cho biết, sau dịch COVID-19 hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiền chuyển vào tài khoản thu phí không dừng.
Mấu chốt ở đây là sau khi chậm triển khai ETC so với quy định của Nhà nước và các tuyến cao tốc khác 3 năm nhưng ETC tại cho mình ở "cửa trên", tự ra văn bản áp đặt chủ xe, tài xế phải làm theo "luật riêng" của mình.
Lý giải về quy định "phải có số dư cao trong tài khoản mới được lưu thông qua trạm", ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, xe đi vào 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý từ 1/8 phải có đủ số dư trong tài khoản ETC tối thiểu là 50% mức phí chặng dài nhất của xe loại 1 (xe dưới 9 chỗ) trên từng tuyến cao tốc. Việc quy định số dư tối thiểu trong tài khoản giao thông nhằm tối ưu xử lý xe ở đầu ra, tránh thiếu tiền dẫn tới ùn tắc, gây khó khăn cho phương tiện khác (?).
Bàn về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế La Văn Thái dẫn lời Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Thu phí tự động không dừng trên toàn quốc chiều 4/8 rằng: "Cần phải tuyên truyền để người dân sử dụng thu phí không dừng"; "tinh thần là cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân".
"Mọi quy định đã được ban hành để xử phạt xe chưa dán thẻ hay tài khoản không đủ tiền đi vào cao tốc thế nhưng yêu cầu phải nộp tiền vào tài khoản với số dư tối thiểu là 50% mức phí chặng dài nhất rõ ràng là lạm quyền, trái quy định của Nhà nước thì không cơ quan nào "tuýt còi" hay xử lý", ông La Văn Thái nhấn mạnh.
Trả lời PV Báo Sức khoẻ & Đời sống ngày 6/8, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng cho biết, quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là không ủng hộ quy định của VEC vì không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên khi hỏi về phương án khắc phục thì ông Tô Nam Toàn chỉ trả lời rằng: "Để giải quyết thì sẽ phải chuyển sang thu phí trả sau. Tuy nhiên, để thực hiện trả sau thì phải có hành lang pháp lý. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khởi động thực hiện".
Báo Sức khoẻ & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.